Khám phá những 'toạ độ sống ảo' ở miền Tây Nghệ An
Cảnh sắc nguyên sơ, thiên nhiên hài hòa và những câu chuyện đầy cuốn hút từ người bản địa đang trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong hành trình khám phá những “toạ độ sống ảo” nơi miền Tây Nghệ An.
Suối cá vàng Khe Tọ
Ẩn mình nơi núi rừng yên bình của xóm Trung Thịnh, xã Nghĩa Trung (huyện Nghĩa Đàn), suối cá vàng Khe Tọ đang là “tọa độ sống ảo” được nhiều du khách săn lùng trong những ngày hè.
Không quá ồn ào, không có những dịch vụ du lịch rầm rộ, Khe Tọ ghi dấu ấn bởi vẻ đẹp thanh khiết, bình yên với dòng nước trong veo róc rách bên những tảng đá lớn nhỏ, và đặc biệt là sự hiện diện kỳ lạ của hàng nghìn con cá vàng óng ánh bơi lội dưới làn nước mát.

Điều thú vị là nơi đây không phải là một điểm du lịch được quy hoạch chuyên nghiệp, mà khởi nguồn từ sự đam mê và ý tưởng sáng tạo của một nông dân bản địa – ông Phạm Thế Vinh.
Từ đoạn suối dài hơn 50m, rộng khoảng 40m, ông Vinh đã cải tạo, tôn tạo, kết hợp hài hòa giữa tự nhiên và nhân tạo, để tạo nên một “vườn cá vàng” độc đáo.
Với xi măng, gỗ, đá tự nhiên và trí tưởng tượng phong phú, ông tạo ra những thác nước, cầu gỗ cho du khách tản bộ và chiêm ngưỡng đàn cá vàng, trong đó có con nặng tới 3-5kg.

Không chỉ có vẻ đẹp mê hoặc, suối cá vàng Khe Tọ còn thuận tiện về giao thông. Đường vào suối đã được nâng cấp, bãi đỗ xe rộng rãi, xung quanh là những giàn hoa rực rỡ quanh năm do bàn tay con người tạo nên. Tất cả tạo nên một không gian thư giãn tuyệt vời, níu chân bất cứ ai từng ghé thăm.
"Trốn nắng" trên miền Phủ Tương
Nếu bạn yêu thích du lịch sinh thái và muốn khám phá vẻ đẹp hoang sơ thực thụ, huyện Tương Dương chắc chắn sẽ không để bạn thất vọng. Là một huyện miền núi phía Tây Nghệ An, Tương Dương được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho hệ thống khe suối, thác nước và rừng nguyên sinh rộng lớn.

Trong những năm gần đây, người dân cùng chính quyền địa phương đã bắt đầu đầu tư xây dựng các điểm trải nghiệm du lịch sinh thái, trong đó nổi bật là suối Nậm Khiên. Bắt nguồn từ vùng biên giới Việt – Lào, suối Nậm Khiên uốn lượn qua nhiều dãy núi, thôn bản của xã Lưu Kiền, trước khi hòa vào dòng sông Nậm Mộ. Dòng suối trong xanh, mát lạnh với những đoạn nông sâu đan xen, phù hợp cho mọi lứa tuổi. Trẻ nhỏ có thể vui đùa ở những đoạn nước cạn và êm, người lớn có thể ngâm mình dưới dòng nước lạnh để xua tan cái oi bức của ngày hè.
Trên hành trình ngược suối Nậm Khiên lên phía thượng nguồn, du khách có thể bắt gặp những bãi đá kỳ lạ, được dòng nước mài giũa qua năm tháng thành đủ hình thù độc đáo. Đây cũng là những điểm check-in được giới trẻ “săn lùng” bởi vẻ đẹp nguyên sơ, huyền bí.
Vào dịp nghỉ lễ, các lán trại quanh suối Nậm Khiên luôn “cháy chỗ” vì lượng du khách đổ về rất đông. Không chỉ tắm mát, du khách còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc trưng vùng cao như cá nướng ống tre, gà đồi nướng, xôi nếp nương… Tất cả đều đậm đà hương vị núi rừng.
.jpg)
Ngoài suối Nậm Khiên, các điểm như Nậm Xán (Tam Quang), Khe Cớ (Tam Đình), Đoọc Bứa (Tam Thái)… ở Tương Dương cũng đang dần trở thành những “điểm trốn nóng” yêu thích của du khách từ thành phố Vinh và các huyện miền xuôi. Nơi đây không chỉ mang lại cảm giác mát mẻ, mà còn giúp các em nhỏ có cơ hội khám phá thiên nhiên, học cách yêu quý và bảo vệ môi trường.
Tuyệt tác hang động, kỳ vĩ cây di sản
Miền Tây Nghệ An còn sở hữu nhiều hang động tự nhiên tuyệt đẹp. Một trong số đó là hang Mó ở xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ. Ẩn mình trong bản Thái Minh yên ả, hang Mó giống như một tác phẩm điêu khắc thiên nhiên khổng lồ, với những nhũ đá rủ xuống lấp lánh, dòng nước ngầm chảy róc rách quanh năm. Vào mùa hè, hang mát lạnh như điều hòa tự nhiên, là điểm đến hoàn hảo để “giải nhiệt”.

Du khách khi bước vào hang Mó sẽ có cảm giác như lạc vào chốn bồng lai. Ánh sáng le lói xuyên qua các khe đá, phản chiếu lên những khối thạch nhũ tạo thành khung cảnh lung linh, huyền bí.
Không chỉ ngắm cảnh, đến với Tiên Kỳ còn là dịp để tìm hiểu văn hóa bản địa của đồng bào Thái – những người gìn giữ nét sống truyền thống qua khung cửi dệt thổ cẩm, từng điệu nhảy sạp, những món ăn dân tộc, và đặc biệt là tinh thần hiếu khách nồng hậu.

Hang Thung Khiển ở xã Đồng Văn cũng là điểm đến được nhiều phượt thủ và du khách yêu thiên nhiên lựa chọn. Hành trình chinh phục những hang động như thế này không chỉ là chuyến đi thể chất, mà còn là hành trình tìm lại sự tĩnh lặng trong tâm hồn giữa thế giới hiện đại vội vã.
Đến với huyện Tân Kỳ, du khách còn được ghé tham quan cây sanh nghìn tuổi ở xóm Kẻ Mui, xã Giai Xuân. Cây sanh nghìn tuổi này với hình dáng kỳ lạ, được dân gian gọi là cây “mâm xôi con gà”. Cây mọc trên ba khối đá nổi, dưới đó còn một khối đá chìm rất lớn.

Hai khối đá nằm song song, ở giữa có khe hở khoảng 30 cm tạo thế ổn định cho khối đá trên cùng. Bộ rễ cây ôm chặt ba khối đá tạo thành tư thế vững vàng như hình ảnh một “mâm xôi” với chú “gà trống” ngạo nghễ phía trên.

Cây sanh nghìn tuổi này đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2015, nhiều người đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng dáng thế kỳ vĩ mà còn để tìm một chốn an yên, tĩnh tại giữa núi rừng.
Nghệ An vào hè không chỉ có biển Cửa Lò, Bãi Lữ, mà còn có vô số “ốc đảo xanh” nơi đại ngàn – những con suối mát lạnh, hang động kỳ bí, và rừng xanh bạt ngàn nơi miền Tây của tỉnh - vùng đất đang thức giấc, mang trong mình tiềm năng du lịch to lớn khao khát chờ bàn tay con người khai mở, bồi đắp và với sự trân quý./.