Khẩn trương phòng chống sâu bệnh trên lúa hè thu, lúa mùa
(Baonghean) - Hiện nay, ngoài tình hình mưa lụt đang gây những thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nghệ An, sâu bệnh trên cây trồng cũng đang có những diễn biến phức tạp.
Trên cây lúa, thời gian qua rầy nâu, rầy lưng trắng đã phát sinh gây hại trên diện rộng ở hầu hết các các huyện trong tỉnh. Tính từ đầu vụ đến nay, toàn tỉnh có 40.144 ha lúa nhiễm rầy, trong đó có 4.690 ha nhiễm nặng. Tổng diện tích đã được phun trừ 31.672 ha. Một số vùng tại các huyện Yên Thành, Nghĩa Đàn, Thái Hòa, Đô Lương, Anh Sơn,... đã xảy ra hiện tượng “cháy rầy” cục bộ trên 67ha lúa.
Hiện tại trên đồng ruộng đang có khoảng 2.800ha nhiễm rầy, trong đó có trên 250 ha nhiễm nặng. Mật độ rầy phổ biến 500 - 700 con/m2, nơi cao 2.000 – 3.000 con/m2, cá biệt trên tại các ổ rầy có mật độ 5.000 - 7.000 con/m2, tập trung tại các huyện: Yên Thành, Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Thái Hòa,...
Bệnh lùn sọc đen cũng đã phát sinh gây hại rải rác trên một số diện tích tại các huyện Con Cuông, Tân kỳ, Quế Phong, Nghĩa Đàn. Toàn tỉnh hiện có 22,4 ha nhiễm bệnh, trong đó có 1,9 ha nhiễm nặng. Tỷ lệ cây bị hại phổ biến 2-4%, cá biệt 20% (tại huyện Tân Kỳ, Quế Phong, Nghĩa Đàn). Những diện tích bị bệnh đã được chỉ đạo bao vây phun trừ rầy và tiêu hủy cây bệnh.
Ngoài ra, hiện sâu cuốn lá đang ở giai đoạn trưởng thành, sâu lứa 5 đang ra rộ với mật độ sâu độ phổ biến 3-5 con/m2, nơi cao 30-50 con/m2 chủ yếu trên trà lúa thời kỳ cuối đẻ nhánh đến làm đòng – trổ bông tại một số huyện miền núi như Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông... Sâu đục thân hai chấm lứa 4 phát sinh gây hại 614 ha trên tại huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Nam Đàn với tỷ lệ dảnh bị hại 2-3%, noi cao 10 – 15%.
Toàn tỉnh đã có 21.015ha nhiễm bệnh khô vằn, trong đó có 1.634 ha nhiễm nặng. Tổng diện tích phòng trừ 18.969ha. Bệnh bạc lá cũng đã gây hại 345ha với tỷ lệ phổ biến 10-20%, nơi cao 50-70% tập trung chủ yếu tại huyện Diễn Châu, Tân Kỳ...
Dự báo trong thời gian tới, rầy nâu và rầy lưng trắng tiếp tục phát sinh gây hại, đặc biệt trên các diện tích lúa từ thời kỳ chín sáp trở về trước. Bệnh lùn sọc đen tiếp tục phát sinh gây hại trên diện tích lúa mùa. Sâu cuốn lá nhỏ tuổi 1, 2 lứa 6 rộ trong khoảng từ 17 – 22/9/2010 trở đi. Thời gian phòng trừ có hiệu quả nhất từ 20 – 25/9/2011. Sâu lứa 6 có khả năng gối lứa và phát sinh với mật độ cao trên lúa mùa, đặc biệt những diện tích đang thời kỳ đứng cái đến trổ gây thiệt hại lớn đến năng suất lúa. Bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh gây hại, đặc biệt trên những diện tích lúa gieo cấy dày, bón thúc thừa đạm.
Đối với diện tích lúa từ thời kỳ đẻ nhánh đến trỗ có mật độ rầy cao (từ 1.000 con/m2 trở lên): Chỉ đạo phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Chess 50 WG, Oshin 20 WP, Alika 247SC, Sutin 5EC để phun trừ theo liều khuyến cáo. Đây là các thuốc có tác dụng lưu dẫn nên cần phun sớm khi rầy ở tuổi nhỏ (rầy cám). Khi phun không cần phải rẽ lúa tuy nhiên cần đảm bảo đủ lượng nước thuốc (24-30 lít/500m2) và hạ thấp vòi phun ướt đều vào phần thân, lá lúa.
Đối với những diện tích sau trổ đến chắc xanh có mật độ rầy cao (từ 2.000 con/m2 trở lên): Sử dụng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi như: Victory 585 EC, Dragon 585 EC, Penalty gold 40 EC, Elsin 10 EC để phun trừ. Khi phun cần đảm bảo đủ lượng nước thuốc (24 – 30 lít/500m2) và hạ thấp vòi phun ướt đều vào phần thân lúa.
Theo Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục BVTV tỉnh - ông Trịnh Thạch Lam thì bà con nên lưu ý, ở những vùng có tỷ lệ các pha phát dục (trứng, rầy non, rầy trưởng thành) cao thì nên hỗn hợp hai nhóm thuốc trên với nhau và phun vào phần gốc lúa. Những diện tích lúa đã chín việc sử dụng thuốc không đảm bảo thời gian cách li tối thiểu thì cần tiến hành thu hoạch sớm và không tiến hành phun trừ. Khi phát hiện trên ruộng lúa bị bệnh lùn sọc đen nếu có rầy lưng trắng gây hại cần phun thuốc bao vây diệt trừ rầy để tránh rầy di chuyển và truyền bệnh sang diện tích khác. Sau khi phun thuốc tiến hành nhổ và tiêu hủy cây bị bệnh bằng cách vùi kỹ xuống bùn.
Bên cạnh đó, cần theo dõi sát diễn biến của sâu cuốn lá trưởng thành lứa 5 để xác định chính xác thời gian xuất hiện của sâu lứa 6 trên đồng ruộng. Tuyên truyền, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phòng trừ đúng bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Prevathon 5SC, 35WDG, Takumi 20WG, Ammate 150SC, 30WDG, Virtako 40WG,... trên những diện tích có mật độ sâu cao (50 con/m2 trở lên đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đứng cái, 30 con/m2 trở lên từ giai đoạn làm đòng trở đi). Khi phun cần chú ý pha thuốc đặc biệt đối với thuốc dạng WG, WDG và đảm bảo đủ lượng lượng nước thuốc trên đơn vị diện tích (20 – 24 lít/500m2). Sau khi phun trừ cần kiểm tra lại nếu có sâu non lứa gối hoặc đang còn mật độ sâu cao (trên 50 con/m2 đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đứng cái, trên 30 con/m2 từ giai đoạn làm đòng trở đi) thì tổ chức phun lại lần 2 (phun kép). Với bệnh khô vằn, cần chú ý theo dõi, chỉ đạo phòng trừ trên những diện tích lúa trỗ trở về trước có mật độ ổ trứng từ 0,3 – 0,5 ổ/m2 trở lên bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Prevathon 5SC, 35WDG, Virtako 40WG,… theo liều khuyến cáo.
Phú Hương