Khẩn trương sửa chữa điểm sạt lở tại đê biển Diễn Hùng (Diễn Châu)
Thời gian vừa qua, do thi công đường bộ ven biển nên một số đoạn đê biển từ xã Diễn Hùng (Diễn Châu) đi xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) đã xuống cấp, trong đó, nặng nhất là điểm sạt lở thân đê tại thôn Hùng Phong.
Gấp rút thi công đoạn bị sạt lở, ách yếu
Cụ thể, đoạn cống thoát qua thân đê tại thôn Hùng Phong, xã Diễn Hùng (Diễn Châu) đã xuất hiện vết sạt lở thân đê, rộng trên 5m2 vào gần 1 nửa thân đê khiến các phương tiện giao thông không qua lại được.
Bà Trần Thị Thanh - một người dân ở thôn Hùng Phong, xã Diễn Hùng (Diễn Châu) cho biết: Hố sạt lở trên thân đê đã hơn 2 tháng nhưng vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa. Hiện mùa mưa bão nên bà con mong muốn Nhà nước sửa chữa càng sớm càng tốt để thoát nước mưa, không gây ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất cây màu phía trong đê.
Ngoài vết sạt lở trên, hiện 3 km đê biển, đoạn từ xã Diễn Hùng (Diễn Châu) đến xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) đã xuống cấp, nhiều đoạn mặt đê đã bị nứt nẻ, bong tróc và xuất hiện ổ gà trên mặt đê khá nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.
Nguyên nhân là do quá trình thi công đường bộ ven biển và cầu Lạch Thơi (xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu), nhiều xe chở vật liệu có tải trọng lớn từ phía các xã Diễn Kim, Diễn Ngọc xuống các xã Diễn Hải và Diễn Hùng đã đi qua tuyến đê này. Ở chiều ngược lại, các đơn vị thi công chở vật liệu từ xã Quỳnh Mỹ theo Quốc lộ 48B qua cầu Sơn Thọ, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) sang thi công đường ven biển và cầu Lạch Thơi cũng làm mặt đê nhanh xuống cấp.
Quan sát chúng tôi nhận thấy, đây là đoạn đê tiếp giáp với biển, trong đó, đoạn gần nhất chỉ cách biển khoảng 15m và đoạn xa nhất là 50m. Trong đó, đoạn đê và kè ven biển thuộc địa bàn xã Quỳnh Thọ mới được nâng cấp cách đây 2 năm.
Cũng vì lý do xe tải thi công đi lại nhiều nên tấm đan của cống thoát qua đê tại thôn Hùng Phong, xã Diễn Hùng bị sập, làm tắc dòng chảy, không vận hành cống được và khi có mưa lớn không thoát được đã gây ngập ứ nước phía trong đê, ảnh hưởng đến sản xuất hoa màu. Sau những trận mưa do bão số 3 vừa qua, đoạn thân đê này đã bị sạt lở và miệng hố ngày càng rộng.
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu cho biết: Điểm sạt lở, sập tấm đan dẫn đến tắc cống thoát qua đê tại thôn Hùng Phong đã được xã Diễn Hùng báo cáo với UBND huyện. Ngay trước cơn bão số 3, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện và tỉnh đã đi kiểm tra. Sau kiểm tra, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện và tỉnh đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải là chủ đầu tư dự án đường ven biển nhắc nhở, đôn đốc nhà thầu có giải pháp khắc phục.
Rà soát tổng thể để có kế hoạch duy tu, nâng cấp
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, sự việc sập tấm đan cống qua đê tại thôn Hùng Phong được UBND xã Diễn Hùng làm văn bản báo cáo từ ngày 14/6/2024. 2 tuần sau, ngày 26/6/2024, Ban Quản lý dự án công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải) có văn bản trả lời UBND xã Diễn Hùng. Theo đó, đã giao cho các đơn vị thi công khắc phục việc xe quá tải đi lại làm sập cống qua thân đê tại thôn Hùng Phong; đồng thời, đôn đốc kế hoạch duy tu, hoàn trả lại các tuyến đường đã hư hỏng.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng xảy ra sự việc, tại hiện trường, đơn vị thi công mới chỉ khắc phục tạm thời là dùng vật liệu làm vật cản cảnh báo để hạn chế người và phương tiện qua lại và chưa có các biện pháp thi công khắc phục nào.
Chia sẻ thêm, một lãnh đạo UBND huyện Diễn Châu cũng cho biết, sau kiến nghị của huyện, Sở Giao thông Vận tải đang phê duyệt hồ sơ sửa chữa đoạn cống qua thân đê trên. Tuy nhiên, hiện đang là cao điểm mùa mưa bão nên các giải pháp hoàn trả lại mặt đê hay khắc phục sự cố sập tấm đan thân cống qua đê tại thôn Hùng Phong chỉ là tạm thời. Theo thiết kế và đảm bảo chắc chắn thì phải múc toàn bộ thân đê để lắp cống thoát, sau đó đắp lại thân đê mới đảm bảo.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trước tình trạng một số đoạn đê biển qua xã Quỳnh Thọ xuống cấp do thi công đường ven biển và cầu Lạch Thơi, phòng đang phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện để nắm bắt tình hình, tham mưu cho UBND huyện ra văn bản đề nghị Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị thi công nói chung và nhà thầu thi công cầu và đường ven biển tại xã Quỳnh Thọ nói riêng để có biện pháp sửa chữa, khắc phục hoàn trả các đoạn đê cũng như các công trình bị hư hỏng theo cam kết do thi công đường ven biển qua địa bàn.
Từ thực tế quan sát, chúng tôi nhận thấy, trong số gần 60 km đường bộ ven biển từ Cửa Hội đến Nghi Sơn có một số đoạn đường bộ ven biển đồng thời là thân đê biển nên được thiết kế cơ bản, trong đó, phần mái đê phía ngoài tiếp giáp với biển có hệ thống kè, cống chống sạt lở kiên cố nên khá yên tâm khi có bão lớn. Điển hình là đoạn đường biển qua địa bàn các xã Nghi Tiến và Nghi Thiết (Nghi Lộc) và các xã Diễn Kim, Diễn Hùng (Diễn Châu).
Tuy nhiên, một số đoạn riêng đường bộ ven biển và hệ thống đê quai tách riêng mà điển hình là đoạn đê biển từ xã Diễn Hùng đi xã Quỳnh Thọ do đơn vị thi công mượn đê làm đường công vụ thi công đường ven biển nên mặt đê bị lún và xuống cấp, chưa được sửa chữa nên rất lo khi có bão lớn.
Tuyến đê biển Diễn Kim- Diễn Hùng hay Quỳnh Thọ - Sơn Hải - Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) là đê cấp 3 được phân cấp cho UBND các huyện quản lý. Tuyến đê biển này có khả năng chống chịu được bão cấp 10 đến cấp 11 và sóng biển cao từ 2-3m nên bão cấp 11 trở lên và sóng biển cao từ 3-5m thì rất đáng ngại. Hiện tại, theo cam kết, nếu thi công, đoạn nào xảy ra hư hỏng thì đơn vị thi công sẽ duy tu, hoàn trả để bàn giao lại cho địa phương quản lý. Trường hợp sạt lở đột xuất thì có giải pháp sửa chữa, tu sửa để đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Quản lý đê điều
Về lâu dài, bên cạnh đoạn đê trùng với đường bộ ven biển đã được nâng cấp đảm bảo thì các đoạn còn lại thuộc tuyến đê biển Diễn Hùng - Quỳnh Thọ - Quỳnh Thuận - Quỳnh Long cần được rà soát, đánh giá lại để nâng cấp để ứng phó với diễn biến, tình hình thiên tai, bão lũ biến đối khí hậu phức tạp như hiện nay./.