Khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính ở Nghệ An
Với tinh thần khẩn trương, các cấp, ngành ở Nghệ An tích cực triển khai Nghị quyết số 1243, ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 - 2025. Các công việc được tiến hành với quy trình bài bản, tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, duy trì hoạt động bình thường của bộ máy trong quá trình sắp xếp.
Khẩn trương triển khai
Xã Nghĩa Hưng (mới), huyện Nghĩa Đàn, sau lễ công bố thành lập đơn vị hành chính và đảng bộ xã mới vào ngày 12/12 (trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Nghĩa Hiếu, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng (cũ) đã đẩy nhanh tiến độ các công việc liên quan đến tổ chức bộ máy.
Ngay sau khi công bố xã mới, kỳ họp HĐND xã được tiến hành để kiện toàn các chức danh, bộ máy chính quyền địa phương; bầu các chức danh trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của đơn vị hành chính mới. Tất cả các công việc trên được thực hiện song song với đảm bảo hoạt động liên tục, không ngắt quãng các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Đình Thái – Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hưng cho biết: Trên cơ sở bộ máy mới được hình thành, các tổ chức trong hệ thống chính trị đã tiến hành rà soát, bổ sung quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho tập thể và từng cá nhân. Do đội ngũ cán bộ, công chức đang sáp nhập theo cơ học với tổng số 61 người, trong đó, cán bộ là 20 và công chức 41; cho nên, một việc đang có nhiều người đảm nhận.
Để tránh chồng chéo, đùn đẩy trong công việc; cấp ủy Đảng xã Nghĩa Hưng chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị phân công, bố trí công việc cho cán bộ, công chức phụ trách theo địa bàn cũ trước đây, đảm bảo vừa thạo việc, vừa thích ứng dần với quy mô, phạm vi và khối lượng công việc lớn hơn trước khi tiến hành sắp xếp, tinh giản cán bộ, công chức theo lộ trình.
Ở phường Vinh Tân (mới), thành phố Vinh, sau khi công bố thành lập đơn vị hành chính và ra mắt Ban Chấp hành Đảng bộ phường mới vào sáng 20/12/2024 (sáp nhập phường Hồng Sơn vào phường Vinh Tân (cũ), ngay vào chiều cùng ngày, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ phường đã tiến hành họp thông qua chương trình, nội dung để tiến hành tổ chức kỳ họp HĐND phường kiện toàn, sắp xếp bộ máy HĐND, UBND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phường vào ngày 24/12.
Đồng chí Nguyễn Trung Dũng – Bí thư Đảng ủy phường Vinh Tân cho biết: Song song chỉ đạo kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đi vào hoạt động sau sáp nhập; cấp ủy cũng đã chỉ đạo xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế hoạt động, chương trình công tác, chương trình hành động, đảm bảo triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội các Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Bắt đầu từ ngày 24/12, phường Vinh Tân mới chính thức vận hành, đồng thời, tiến hành rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ để tập trung chỉ đạo quyết liệt; tiếp tục chỉ đạo hoàn thành đại hội chi bộ trực thuộc và chuẩn bị Đại hội Đảng bộ phường nhiệm kỳ 2025-2030.
Bố trí cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Trên cơ sở Nghị quyết số 1243, ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Nghệ An; cùng các văn bản chỉ đạo Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh; đến ngày 25/12, các địa phương thuộc diện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc công bố thành lập đơn vị hành chính mới và các đảng bộ xã, phường, thị trấn theo đơn vị hành chính mới.
Tại huyện Thanh Chương, địa phương đã hoàn thành việc công bố thành lập đơn vị hành chính, thành lập tổ chức Đảng ở 7 xã, thị trấn mới, trên cơ sở sáp nhập 16 xã, thị trấn; công bố công tác cán bộ, chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư ở 7 đơn vị.
Ở 7/7 xã, thị trấn sáp nhập đã tổ chức kỳ họp thứ nhất bầu các chức danh thuộc thẩm quyền và tiến hành quy trình, chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ...
Đồng chí Nguyễn Trọng Anh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương cho biết: Khâu sắp xếp, bố trí, phân công nhiệm vụ trong tổ chức bộ máy được Ban Thường vụ Huyện ủy giao trách nhiệm cho cấp ủy các cơ sở chỉ đạo chặt chẽ, công tâm, khách quan, đúng người, đúng việc, phát huy đúng trình độ, năng lực, sở trường của từng cán bộ, công chức, đặc biệt, đảm bảo bộ máy mới vận hành hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ với khối lượng công việc tăng gấp đôi, gấp ba so với đơn vị hành chính cũ.
Tại huyện Nghĩa Đàn, để đảm bảo bộ máy mới vận hành hiệu quả ngay sau sáp nhập, Huyện ủy tiến hành quy trình chuẩn bị nhân sự tham gia ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy và các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, nhân sự chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở các đơn vị hành chính mới rất bài bản.
Việc xây dựng đề án nhân sự trên cơ sở khảo sát, đánh giá sự tín nhiệm của từng cán bộ ở từng cơ sở; đồng thời, trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và phát phiếu thăm dò nguyện vọng cán bộ theo 5 nguyện vọng: tiếp tục ở lại vị trí hiện tại; chuyển làm cấp phó; chuyển đến đơn vị khác giữ vị trí tương đương; chuyển sang công chức; hoặc tự đề xuất nguyện vọng khác.
“Chính cách làm khách quan này vừa tạo cho cán bộ có nhiều cơ hội lựa chọn và cấp ủy cũng có phương án sắp xếp, bố trí phù hợp trên tinh thần dân chủ, khách quan, công tâm”, đồng chí Lê Thị Thanh - Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nghĩa Đàn cho biết.
Cùng với quan tâm sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, đồng chí Trần Ngọc Tú – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho rằng: Điều cần quan tâm sau sáp nhập, chính là tăng cường công tác tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng; ngoài trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng và các ban, ngành thì mỗi cán bộ, công chức cũng phải tự làm tốt công tác tư tưởng cho chính mình; xác định đây là cuộc cách mạng chung của Đảng để thực hiện chủ trương mang tính lịch sử của đất nước.
Song song với đó là xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất cùng chung một tư tưởng để hành động; gắn với đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận mới, cần phải loại bỏ tư duy chỉ đạo theo lối truyền thống, quan điểm tiếp cận không sát thực tế để chọn một lối đi quyết liệt, mạnh mẽ, tích cực hơn, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của đơn vị sau sáp nhập hoặc được nâng cấp từ xã lên phường.
Các địa phương cũng chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò hoạt động quyết liệt của các khối, xóm, thôn, bản để cùng đồng hành với cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cấp xã, phường thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Bên cạnh đó, quan tâm sắp xếp, đảm bảo cơ sở vật chất làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, bởi hiện nay có một số trụ sở được lựa chọn đặt nơi làm việc của đơn vị hành chính mới đã xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu.
Triển khai Nghị quyết số 1243, ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025; Nghệ An giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, từ 21 xuống còn 20 đơn vị và giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã, từ 460 xuống còn 412 đơn vị.