Khảo sát việc tiếp cận truyền hình số của gần 137.000 hộ nghèo, cận nghèo

Thành Chung 02/04/2018 17:07

(Baonghean.vn) - Đó là yêu cầu của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện Đề án số hóa truyền hình mặt đất tỉnh Nghệ An diễn ra vào chiều ngày 2/4.

Ngày 27/12/2011, Chính phủ ban hành Quyết định 2451 phê duyệt “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”. Đề án nhằm mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Số hóa truyền hình mặt đất mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình, như chất lượng cao về hình ảnh, âm thanh, tăng số lượng kênh truyền hình được truyền. Về phía nhà nước, khi số hóa truyền hình, một phần của băng tần đang sử dụng bởi truyền hình mặt đất sẽ được giải phóng. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng để triển khai các dịch vụ thông tin vô tuyến băng rộng.

Cuộc họp có sự tham gia của đại diện lãnh đạo 22 huyện, thành, thị và các sở ban ngành trong tỉnh. Ảnh: Thành Chung
Cuộc họp do đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì với sự tham gia của đại diện lãnh đạo 22 huyện, thành, thị và các sở ban ngành trong tỉnh. Ảnh: Thành Chung

Theo đề án, Nghệ An phải chính thức ngừng phát sóng toàn bộ các kênh chương trình truyền hình tương tự để chuyển sang phát sóng số kể từ 0h ngày 31/12/2018.

Việc dừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất sẽ ảnh hưởng đến những gia đình dùng ăng-ten thu sóng truyền hình bằng công nghệ tương tự. Theo tính toán, Nghệ An có 456 xã bị ảnh hưởng khi ngừng phát sóng tương tự, với 56.406 hộ nghèo, 80.246 hộ cận nghèo.

Để bảo đảm 100% các hộ gia đình có máy thu hình được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, trong đó, truyền hình số mặt đất chiếm 45% các phương thức truyền hình theo mục tiêu đề án, Nhà nước tiến hành hỗ trợ mỗi hộ nghèo, cận nghèo 1 đầu thu truyền hình số mặt đất hoặc vệ tinh kèm theo ăng-ten thu phù hợp cùng với dây cáp nối được lắp đặt hoàn chỉnh và bảo hành ít nhất 12 tháng tính từ ngày hộ gia đình nhận bàn giao đầu thu truyền hình số.

Thực hiện đề án, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản, triển khai tuyên truyền phổ biến cho người dân về đề án; chủ động giải thể, tổ chức lại 15 trạm phát lại truyền hình vùng sâu vùng xã; hỗ trợ 2.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu tư truyền hình vệ tinh tại các huyện bị ảnh hưởng.

Truyền hình số mặt đất. Hình minh họa: Internet

Hiện nay, khối lượng công việc ở Nghệ An theo yêu cầu của đề án là rất lớn, những việc cần làm là: Xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện đề án số hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An; khảo sát phương thức thu xem truyền hình của 56.406 hộ nghèo, 80.246 hộ cận nghèo (hộ có tivi, đang sử dụng công nghệ tương tự chưa số hóa, chưa sử dụng truyền hình cáp, vệ tinh, internet mới được hỗ trợ); tuyên truyền phổ biến nội dung, hoạt động đề án số hóa trên địa bàn tỉnh; đầu tư xây dựng các trạm phát truyền hình số mặt đất; bàn giao và lắp đặt đầu thu truyền hình số trên địa bàn tỉnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện tiếp nhận...

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Minh Thông nêu rõ: Đề án cần được thực hiện tốt để phục vụ nhân dân. Trước mắt, Sở Thông tin & Truyền thông cần tham khảo cách làm các địa phương đã triển khai thành công để xây dựng kế hoạch chi tiết. Các huyện, thành, thị trong tỉnh cần thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án và tiến hành khảo sát khảo sát phương thức thu xem truyền hình của 56.406 hộ nghèo, 80.246 hộ cận nghèo./.

Mới nhất

x
Khảo sát việc tiếp cận truyền hình số của gần 137.000 hộ nghèo, cận nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO