Khát nước sạch vùng ven biển Nghệ An
(Baonghean) - Để có nước sạch sử dụng, người dân các làng biển Quỳnh Lưu (Nghệ An) bỏ ra tiền triệu để lắp đặt đường ống dẫn nước từ nhà máy về. Tuy nhiên, được một thời gian ngắn, đến nay không có nguồn nước cấp, vì thế, suốt hơn 10 năm qua bà con lâm cảnh lao đao vì thiếu nước sạch.
“Chắt chiu” từng giọt nước
An Hòa là xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu có dân số hơn 13.000 người, đa phần người dân nơi đây đều sống bằng nghề diêm nghiệp. Toàn xã có 14 thôn thì có 7 thôn thuộc vùng đất nhiễm mặn nên nhiều năm nay, bà con không thể dùng nguồn nước ngầm để uống. Nhiều gia đình có nước giếng khoan nhưng bị nhiễm mặn nên chỉ dùng để rửa.
Thiếu nước ngọt, mọi người chỉ biết trông chờ vào nước mưa hoặc mua nước ngọt từ các địa phương khác về dùng.
Để có nước sạch sử dụng, người dân xã An Hòa (Quỳnh Lưu) xây bể trữ nước mưa nhưng vẫn không đủ do nắng nóng kéo dài. Trong khi đó các xã vùng biển của Quỳnh Lưu có nguồn nước ngầm nhiễm mặn nên nhà có giếng cũng không sử dụng ăn uống được, chỉ để rửa. Ảnh: Việt Hùng |
“Cách đây hơn 10 năm, bà con ở vùng này phấn khởi khi có hệ thống nước sạch được đấu nối thẳng về từng ngõ xóm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên nguồn nước không còn dẫn về nữa”.
Để có nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, các hộ dân ở vùng biển Quỳnh Lưu đều xây một bể chứa nước mưa trong nhà. Tuy nhiên, ở vùng biển do đất chật, người đông nên diện tích xây bể chứa không lớn, họ phải sử dụng tiết kiệm.
Nếu nắng hạn kéo dài thì nhà nào cũng cạn trơ bể và buộc phải mua nước từ nơi khác về với giá cao.
Chị Nguyễn Thị Hương, trú tại xóm 5, xã Sơn Hải cho biết: “Nguồn nước bị nhiễm mặn, nhà tôi phải xây một cái bể chứa nước mưa để dùng. Mùa mưa còn đỡ, chứ mùa hè, phải chi ly từng ca nước…”.
Quỳnh Lưu có hơn 900 tàu cá đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến vươn khơi, mỗi tàu cần khoảng 10 - 15 khối nước ngọt. Ảnh: Việt Hùng |
Thiếu nước sinh hoạt hàng ngày đã khó khăn, chật vật nên việc phục vụ nước ngọt cho các tàu thuyền ra khơi của ngư dân các xã vùng biển Sơn Hải, Quỳnh Long, Tiến Thủy... lại khó khăn hơn bội phần.
Được biết, một tàu ra khơi đánh cá, bên cạnh chi phí từ dầu mỡ, tiền ăn, tiền công... thì lâu nay lại phải cộng thêm tiền nước ngọt. Bình thường một tàu ra khơi đánh cá phải mua nước ngọt từ 500.000 – 700.000 đồng.
Thiếu nguồn cung nước ngọt
Năm 2004, được sự quan tâm của Đảng và Nhà Nước, dự án nước sạch cho người dân vùng ven biển Quỳnh Lưu được đầu tư và triển khai. Riêng xã Sơn Hải hoàn thành việc lắp đặt đường ống dẫn nước sạch về các hộ dân hoàn thành vào tháng 11/2007.
Tuy nhiên, không hiểu sao nước sạch chỉ về được vài ngày đầu, sau đó không còn được dẫn về nữa. Trải qua thời gian dài, đường ống dẫn nước đã "đắp chiếu" bỏ không, hoen rỉ, xuống cấp nghiêm trọng.
Suốt 12 năm qua, chị Nguyễn Thị Minh ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) phải đi gánh nước ngọt từ nơi khác về sử dụng hàng ngày. Ảnh: V.H |
“Dự án nước sạch do UBND xã làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ đồng. Hiện, xã đã thu các hộ gia đình trong toàn xã 800 triệu đồng để xây dựng đường dẫn nước. Tuy nhiên, do công trình chưa bàn giao nên chưa có nước sạch dẫn về...”.
Tiếp nước ngọt lên tàu cá. Ảnh: V.H |
Còn ở xã An Hòa, năm 2004, người dân cũng đóng góp hoàn thành việc lắp đặt đường ống dẫn nước máy từ thị trấn Cầu Giát về tận nhà dân. Tuy nhiên, một thời gian đầu có nước thì sau đó… hết nước.
Ông Lê Xuân Quyết – Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết, nguyên nhân khiến nước máy không về tới các hộ dân là do công suất nhà máy nước Quỳnh Lưu không đủ để cấp cho các địa phương ở vùng xa. Trước tình hình đó, UBND xã đang tiến hành họp dân, lấy ý kiến để làm các thủ tục, ký hiệp đồng với nhà máy nước thị xã Hoàng Mai cung cấp nước sạch cho bà con.
Thực trạng thiếu nước sạch hết sức nan giải đối với đời sống của bà con các xã vùng ven biển Quỳnh Thọ, An Hòa, Tiến Thủy, Quỳnh Thuận… Qua khảo sát, đo đạc chỉ số nước ngầm tại các địa phương này đều cho kết quả nhiễm mặn, nhiễm phèn sắt. Vậy nên, trong khi đang chờ đơn vị thi công lắp đặt đường ống nước từ nơi khác đến thì các hộ dân cần chủ động dự trữ nước mưa, xây dựng các hệ thống màng lọc nước để hạn chế sự nhiễm mặn, ổn định cuộc sống.