Khát vọng bãi soi
(Baonghean) - Ở làng, anh là người nổi tiếng. Hỏi tên “Phượng trại bò”, người ta mau mắn chỉ đường, một lẽ vì anh đã làm sáng lên khát vọng đổi đời ở vùng bãi soi Hưng Lĩnh (Hưng Nguyên), nơi cư dân 4 xóm (1a, 1b, 2 và 3) cư trú ngoài đê Tả Lam bao đời cam phận nghèo; lẽ nữa, cái cơ ngơi dịch vụ nho nhỏ đầu xóm của vợ chồng anh bỗng dưng trở thành đầu mối “thông tin - tư vấn” cho bà con náo nức bắt nhịp làm ăn mới...
Từ ông cán bộ nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho đến ông chủ nhiệm hợp tác xã Hưng Lĩnh đều chẹp miệng ra điều “phóng viên cứ đến rồi biết”! Là ý “biết tay nhau” nếu như thực hiểu được chí làm giàu của anh nông dân sinh năm 1976, học mới hết lớp 7 trường làng lại chẳng “con nhà”, chỉ cầm cái cuốc từ tay ông bố truyền lại, bới đất chạy lũ lên trồng trọt, chăn nuôi, mà nay cứ khơi khơi thu lãi ròng hàng trăm triệu đồng/năm nhưng ý chừng chưa thỏa mãn.
Con trâu mộng có giá 52 triệu đồng của anh Phượng. |
Là anh ta đây! Đen quắt gầy guộc, trời không mưa mà người cứ loạt soạt trong bộ quần áo mưa luốm nhuốm màu đất đai đồng bãi tưởng như một năm trước đến cũng sẽ gặp anh ta trong bộ dạng này, rồi một năm sau nữa đến gặp cũng vậy. Thấy tôi cứ chú mục đến bước đi thoăn thoắt như rẽ đất ra, dáng của một “chủ nhân ông” biết rất rõ đất đai dưới chân mình đã, đang và sẽ phải đẻ ra tiền, Dương Văn Phượng vừa buộc vội con trâu cộ vào bờ rào mà ông bố đang lui cui gia cố lại, bảo: “Trước nay, em chưa chịu gặp bác nhà báo nào đâu nhé! Hôm nay em vừa tậu thêm hai con trâu giá 102 triệu đồng, nghỉ ngơi chút, xin được tiếp ông anh”. Vào dãy chuồng trại, hỏi trâu bò đâu hết? Tưng tửng: “Em cho người làng người ta mượn đi cày hết rồi!”. Chà, gặp phải một ông “chém gió gặp thời” đây!
Hóa ra tôi nhầm. Phượng nói thế là vì cũng chỉ mới hơn một năm lại nay thôi, anh mới thực dám cả quyết hướng đi của mình là đúng trăm phần trăm, và làm giàu thì đã lấp ló trước mắt rồi, nay có “kể lể” ra thì cũng cho bõ những tháng ngày đánh vật với đất, đánh bạc với trời, thi gan với bệnh tật... 130 héc-ta bãi soi của xã Hưng Lĩnh, trước đây người dân cứ hùi hụi tiếc nhìn đất mãi phì nhiêu lên, vãi cây gì xuống cũng xanh mướt mượt nhưng được ăn có vụ, còn nữa không cẩn trọng thì mất tong những công những giống, vì hễ trời đỏng đảnh dộng cho trận mưa là nước sông Lam cứ duềnh lên, thè lưỡi liếm sạch, để lại rong rêu, củi rều dọn phờ cả hơi tai. Dân 4 xóm ngoài đê nghèo đói lưu cữu là vì thế. Nhà Dương Văn Phượng cũng đâu có thể khác. Mấy đời phập phõm ngoài đê, đến đời Phượng nhà có 3 chị em, Phượng ở giữa. Nghỉ học sớm, quần quật ruộng đồng với cha mẹ, đến năm hăm mốt tuổi Phượng lấy vợ cũng gái làng; vợ chồng sinh con đẻ cái chăm chỉ làm ăn như người ta, thoạt tiên cũng ở nếp nghĩ “nước nổi thì rều nổi” kiểu dân bãi sông suốt đời sống chung với lũ.
Ấy nhưng khi đó chẳng ai biết chàng thanh niên hiền lành suốt ngày lặn lội ngoài đồng bãi đó đang ấp ủ những dự định và lớn dần lên một quyết tâm làm giàu, và là phải giàu trên chính đồng đất làng mình. Phượng mộc mạc bảo: “Phải nói là rất biết ơn huyện đã tổ chức cho bà con nông dân chúng tôi một chuyến tham quan để đi ra mở mang tầm nhìn. Thấy người ta làm được, thì mình mới cả quyết về mà làm!”. Đó là vào năm 2005, huyện Hưng Nguyên tổ chức cho một số bà con nông dân làm ăn giỏi đi tham quan mô hình chăn nuôi bò ở Tuyên Quang và Thanh Hóa. Lên Tuyên Quang, ngắm cái trại bò hàng chục con mà người dân được Nhà nước hỗ trợ 100% vốn ban đầu không tính lãi, Phượng nói với trưởng đoàn: “Tui làm được gần như thế này”; về đến Thanh Hóa, vào xem mô hình chăn nuôi bò với điều kiện tương đồng như ở quê nhà, Phượng lại ghé tai ông trưởng đoàn khẳng định: “Tui làm được hơn thế này!”.
Nói là làm. Chuyến ấy về Phượng vay Ngân hàng Nông nghiệp 50 triệu đồng với lãi suất những 18%, đầu năm 2006 ra xin xã nhận 2,5 héc ta đất bãi soi vốn là đất 5% dư thừa từ khoán lại cho hộ dân, vợ chồng bắt tay vào cày cuốc cải tạo đất trồng ngô lạc. Số vốn vay 50 triệu đồng dành xây chuồng trại và mua 4 con bò về vỗ béo. Năm đầu cho thu lãi 18 triệu đồng (thời giá năm 2007), là số tiền to, hai vợ chồng mừng rơn quên cả những lam lũ vất vả, đêm đêm nằm tính toán chuyện làm ăn to nay mai. Đùng cái, không may một lần lợp mái chuồng trại, vẩn bụi bay vào mắt trái, chủ quan dụi bong cả giác mạc, mắt mờ dần và bắt đầu những tháng ngày Phượng phải nằm miết ngoài Viện Mắt Trung ương để chữa trị. Suốt một năm như thế, mất toi hơn 150 triệu bạc.
Nợ cũ chưa trả, còn lại chi phí chữa bệnh cắm hết bìa nhà vay thêm Ngân hàng Nông nghiệp 50 triệu đồng, rồi nhờ các anh em đứng tên vay thêm ngân hàng chính sách nữa. Vậy là ngập trong nợ. - Thế có nản không? Tôi hỏi. - “Rất khổ, anh ạ!” - Phượng bảo - “Tui nằm viện diện thuê phòng ngoại trú, may nhờ có đứa cháu học ngoài Hà Nội nó nấu cơm nước đưa vô. Một tuần tui lại trốn về quê một lần động viên vợ ráng lo đồng áng cho qua cơn khó khăn. Lúc ấy nhà có 6 con bò phải bán đi 4 con, giữ lại 2 con để tiếp tục cày đất trỉa ngô, lạc. Mới đầu ra làm, dân tình còn dèm pha chưa ủng hộ như bây dừ, nhiều kẻ quấy phá lắm, cây cỏ trồng lên người ta bẻ hết. Tuần lần tui về hầu như phải thức cả đêm đi canh đất, đánh tiếng cho người ta biết có đàn ông...
Ra đi lần mô vợ chồng cũng nghĩ thương nhau chảy nước mắt. Nhưng được cái cả vợ và tui không ai nghĩ chuyện bỏ cuộc”. Đến đầu năm 2008, Phượng ra viện với con mắt kém hẳn, nhưng khó hay không là ở đôi bàn tay. Lấy ngắn nuôi dài, Phượng đi mua bê con trong làng về “dấm” dần, bên cạnh đó là đẩy mạnh canh tác ngô, lạc... Đất chịu người chịu khó, mấy mùa hai héc-ta rưỡi bãi soi cho vợ chồng Phượng ngót hàng chục tấn ngô, lạc; lũ bê được chăm sóc tốt lớn nhanh như thổi. Lần hồi bán sản phẩm đi trả nợ, đến khi chỉ còn nợ lại 50 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp khoản vay ban đầu, vừa thở phào cái thì mùa lũ năm 2010 vợ chồng mất trắng diện tích lạc, giá trị khoảng hơn 30 triệu đồng thời giá năm đó. Nhưng, đã được thử thách, vợ chồng ngầm động viên nhau coi đó là chuyện thường tình may rủi trong làm ăn. Mình phải tin vào quyết tâm, tính toán của mình! Lại lao vào tích cực lao động...
Nghiền ngẫm làm ăn, Phượng nhận ra rằng, vùng bãi soi thường xuyên ngập lụt, muốn phát triển chăn nuôi và khai thác tối đa điều kiện canh tác, thì không nên trồng cỏ như trên khuyến nghị, mà chỉ nên trồng ngô. Ngô anh trồng 2 loại: ngô bắp trắng là giống truyền thống do mình tự để, còn lại giống ngô nếp mua “cập nhật” hàng năm thông qua Sở Nông nghiệp & PTNT để đảm bảo chất lượng; cùng với đó là thâm canh cây lạc để đa dạng cây trồng. Bên cạnh đó, xác định đất lũ nên tập trung thâm canh, chăn nuôi chỉ từ tháng 11 năm nay đến tháng 6 năm sau. Còn từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm là mùa lũ, nghỉ “xả hơi”; cho đất nghỉ, trâu bò nuôi cầm chừng, chủ yếu để mua đi bán lại giao lưu mà thôi. Số vốn 50 triệu đồng vay Ngân hàng Nông nghiệp cũng đem trả, để đến vụ sau xin vay lại, đỡ chịu lãi trong nửa năm.... Cây ngô xanh thì ngoài phục vụ chăn nuôi trang trại nhà, còn có thể bán cho người làng cùng chăn nuôi, thu khoản kha khá... Bắt đầu từ năm 2011, khi trong chuồng luôn có hơn một chục con trâu, bò, bán 3 lứa/năm lãi ròng hơn 100 triệu đồng; thu cả năm 2 tấn lạc, 4 tấn ngô hạt bán lãi gần 80 triệu đồng nữa, tổng cộng gia đình anh Phượng thu lãi ròng khoảng 180 triệu đồng/năm. Số tiền đó, lúc ấy là một kỳ tích, giấc mơ lớn đối với người nông dân một nắng hai sương ở vùng bãi soi Hưng Lĩnh, mà trước nay chưa ai làm được như vợ chồng “Phượng trại bò”.
Cho đến nay, vợ chồng Dương Văn Phượng vẫn đang là hộ duy nhất ở vùng bãi soi rộng 130 héc-ta của Hưng Lĩnh nhận tích tụ ruộng đất làm trang trại chăn nuôi đại gia súc. Nếu như thành quả từ khai thác tiềm năng đất của anh làm cho người dân 4 xóm bãi soi nhận thức ra giá trị của lao động trên đồng đất của mình để dấy lên phong trào tích cực sản xuất thoát nghèo; thì hai năm lại đây, từ việc Phượng tập trung vào chăn nuôi trâu vỗ béo cho lãi lớn hơn, bà con cũng đã chuyển dần tập quán nuôi bò sang nuôi trâu hàng hóa và kết quả bước đầu rất đáng mừng. Trên đường cùng tôi đi lên ốt dịch vụ của vợ chồng Dương Văn Phượng nằm bên con đường bê tông cứu hộ vượt lũ chạy xuyên qua trang trại, ông Trần Văn Thắng - Phó Chủ tịch xã Hưng Lĩnh nói: “Khi mới cưới vợ, gia đình anh Phượng là diện hộ nghèo mấy năm liền.
Khi vừa có cơ chế cho vay vốn và tích tụ đất, canh Phượng là người duy nhất táo bạo xin phép mở trang trại trồng trọt và chăn nuôi, từ đó bằng sự kiên trì và táo bạo như thế, anh đã thành công và nay có thể nghĩ tới việc làm giàu. Sắp tới khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, thì chắc chắn mô hình kinh tế của gia đình anh Phượng sẽ được địa phương coi là hạt nhân để lan tỏa, nhân rộng ở vùng bãi soi này”.
Con đường cứu hộ trị giá 8 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương, nối đường ven sông Lam lừng lững xuyên ngang qua bãi soi sang vùng 4 xóm ngoài đê, được hoàn thành từ năm 2012, lại là thời cơ để Dương Văn Phượng biến ý tưởng làm ăn lớn dần thành hiện thực. Ấy là ngay khi đường hoàn thành đưa vào sử dụng, anh bỏ ra 20 triệu đồng kéo điện ra, đắp nền dựng một cơ sở dịch vụ trong khu vực trang trại với số vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng...
Rồi tiếp đó “anh hai lúa” này đi đầu trong việc mua máy phay đất (80 triệu đồng/máy), máy xay xát (40 triệu đồng/đôi), máy gặt đập lúa (18 triệu đồng/máy) để vừa làm đất phục vụ gia đình, vừa cho thuê và xay xát, đập bộ lúa ngô hàng hóa... Vậy là anh gần như cơ giới hóa khép kín toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp của mình. Thế lại phải vay vốn nhiều nữa à? Phượng cười: “Dừ tui còn những 8 con trâu, 2 con bò bán được khoảng 500 triệu đồng, chưa kể thu từ các khoản khác, cuối năm tổng kết cũng kha khá đấy. Trừ vốn ổn định tái đầu tư, thì số dư xem ra cũng để ít phải vay nếu muốn làm ăn lớn nữa!”.
Cửa hàng dịch vụ của vợ chồng Dương Văn Phượng thực là một dịch vụ kinh doanh tổng hợp với ngổn ngang hàng tạp hóa, nông sản, nông cụ và đang là ốt dịch vụ duy nhất ở vùng bãi soi này. Bà vợ khẩu trang áo quần kín mít đứng máy xay xát suốt ngày, xay ngô nhà hết thì xay đến nguồn ngô thu mua từ Lào về bán cho người chăn nuôi trong xã. Thằng con cả học lớp 8 loắng xoắng phụ mẹ bán hàng. Còn ông chồng lên bãi xuống soi liên miên nhưng lúc nào điện thoại cũng ò í e; ấy là lái ngô, lái trâu hay người làng đang xin anh ta tham vấn cho về giá cả bán mua nông sản, trâu bò, hay việc phòng trừ dịch bệnh, chất lượng thức ăn gia súc... Hóa ra, đôi phản dài dẽ hơn chục mét trong ốt dịch vụ của vợ chồng Phượng, mỗi sớm mai hay mỗi tối bao giờ cũng có khoảng một tiếng đồng hồ bạn bè, người làng tụ họp đến chỉ để trao đổi thông tin về mối làm ăn, giá cả hàng hóa bên ấm chè xanh ấm cúng, mà trong đó, rất tự nhiên, ý kiến của “anh hai lúa” Dương Văn Phượng luôn được coi trọng! Tôi tin vào ý định tiếp tục đắp nền để mở một cơ sở kinh doanh dịch vụ đầu mối lớn của Phượng ở vùng bãi soi này cũng sẽ sớm thành hiện thực. Thì bây giờ người tứ xứ đến mua bán gì cũng lấy khu đất, đoạn đường trong trại “ông Phượng trại bò” làm chợ miễn phí đấy thôi!
Đình Sâm