Khi kinh đô ánh sáng tắt đèn

Đọc tin về làn sóng biểu tình “áo vàng” ở Pháp những ngày vừa qua mà tôi phải dụi mắt, đọc đi đọc lại mấy lần, cứ tưởng đang đọc tin về nước nào khác hoặc có nhầm lẫn gì ở đây. Nhưng không, đúng là Pháp, mà còn là ngay giữa thủ đô Paris chứ không phải vùng tỉnh lẻ xa xôi nào. Lạ lùng ghê!…

Tôi không lạ gì với việc người Pháp đi biểu tình. Có thể nói biểu tình là một nét văn hoá đặc trưng của người Pháp. Đến nỗi khi bố mẹ tôi đọc tin về những vụ biểu tình ở Pháp và lo lắng gọi điện dặn tôi đừng đi ra đường thì tôi đang đứng bên đường, ngoác miệng ra cười, tay cầm máy điện thoại chụp ảnh một ông bác mặc đồ hóa trang thành con bò sữa đi biểu tình chứ đâu. Hình như đợt ấy nông dân Pháp đi biểu tình vì một chính sách mới ra nào đó, tôi không rõ lắm vì là người nước ngoài mà lại còn đang đi học nên cũng lười quan tâm đến chính trị. Nhưng vụ biểu tình năm ấy vui đáo để, chẳng khác gì lễ hội hóa trang đường phố. Mà thực ra người Pháp vẫn luôn chuẩn bị kỳ công như vậy cho mỗi mùa biểu tình. Tại sao lại gọi là mùa? Ấy là vì họ lên lịch hẳn hoi nhé, năm nào cũng như năm nào, cứ đến đúng giai đoạn nào đấy trong năm là họ lại đi biểu tình. Hi hữu lắm mới “phát sinh” thêm. Bọn học sinh chúng tôi vẫn thường bảo nhau có đi đâu chơi thì nhớ tránh mùa biểu tình ra, kẻo không có tàu, xe đi lại thì khổ.

Ấy vậy mà chỉ 4 năm sau khi tôi rời khỏi Pháp, những mùa biểu tình vui như trẩy hội năm ấy đã xa tít mù khơi, thay vào đó là cảnh tượng cháy nổ, đập phá, cướp bóc tràn lan giữa thủ đô Paris – cái thành phố mà một thời 12 giờ đêm tôi vẫn tung tăng đi bộ từ nhà ra siêu thị để mua kem và bim bim về xem phim. Mấy đứa bạn cũng từng du học Pháp í ới nhắn tin cho tôi: “Mày đọc báo chưa?”, “Sao Pháp bây giờ loạn thế nhỉ?”, “Ngày xưa có thế đâu?”, “Cái quái gì đang xảy ra vậy?”… Cảm giác lạ lùng, choáng ngợp, hụt hẫng và mất mát ấy, chỉ những người từng đến, từng sống ở Paris mới hiểu được.

Không phải chỉ đến bây giờ xứ ấy mới thay đổi. Cú lật mình ấy đã bắt đầu từ lâu về trước, khi những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Paris trở thành nỗi kinh hoàng của khách du lịch và người bản địa (bản thân tôi từng đến đúng một lần và cạch luôn đến già) vì nạn trộm cắp, lừa đảo do dân nhập cư bất hợp pháp hoành hành. Khi những trung tâm thương mại sang trọng và là niềm kiêu hãnh lâu đời của Paris trở thành một khu chợ Trung Quốc đầy những khách du lịch đến mua đồ hiệu theo mớ như mua bó rau. Khi những cô nhân viên tóc vàng mắt xanh, mặt đẹp như tạc tượng rập khuôn với bất cứ vị khách da vàng tóc đen nào bước vào cửa hàng câu chào “Nỉ hảo”. Những cửa hàng sang trọng mà đáng lẽ ai bước chân vào cũng nhận được cái nhìn ngưỡng mộ của những người xung quanh, nay chẳng khác gì cái sở thú với dòng người xếp hàng dài bên ngoài, chen nhau để vào trong mua hàng. Đến nỗi nhiều nhãn hàng cao cấp của Pháp đã phải năm lần bảy lượt nâng giá bán các sản phẩm của mình để chống lại hiện tượng đại chúng hóa thương hiệu. Bởi rõ ràng, khan hiếm làm nên sự xa xỉ và đẳng cấp, mà nếu người người, nhà nhà đổ xô đi mua và dùng đồ hiệu thì còn gì là đẳng cấp nữa?

Mới đây, chính phủ Pháp vừa có quyết định khiến toàn bộ giới du học sinh (không chỉ riêng Việt Nam) lên cơn nhồi máu cơ tim, đó là tăng học phí đại học lên 16 lần với sinh viên quốc tế. Tôi không khẳng định điều đó tốt hay xấu, vì suy cho cùng thì học phí ở các trường đại học công của Pháp trước đó gần như bằng không. Mà lẽ đời thì chẳng có bữa ăn nào là miễn phí cả. Điều tôi muốn nói là, không có gì là bất biến, ngay cả ở một đất nước thuộc nhóm phát triển của châu lục già cỗi nhất thế giới. Nơi mà người ta cứ tưởng rằng đã đạt đến mức độ ổn định, bão hòa. Nơi mà những thay đổi mang tính cách mạng tưởng chỉ có thể nằm trong lịch sử. Nhưng thực tế đang nói với chúng ta điều ngược lại.

Thay đổi là điều khó tránh khỏi nếu muốn tiến lên. Thậm chí với trường hợp của Pháp thì tất cả những sự thay đổi nói trên chỉ là nỗ lực để “đứng yên” tại chỗ và không bị những đối thủ mới nổi khác hất cẳng trên đường đua. Điều quan trọng là, sau những thay đổi đó, chúng ta là ai và giữ lại được những gì?