Khi phụ nữ làm chủ làng nghề
(Baonghean) Thời gian qua, ở Yên Thành đã xuất hiện nhiều làng nghề tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương, trong số đó không ít làng nghề mà chủ nhân là phụ nữ.
Cơ sở sản xuất tâm hương Thiên Minh ở xã Tân Thành tạo việc làm cho nhiều lao động nữ địa phương
Ở xóm Đông Nam, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, cơ sở làng nghề sản xuất tăm hương của chị Nguyễn Thị Thanh Trà có hơn 20 phụ nữ làm việc. Chị Trà cho biết: “Mùa này đang vụ thu hoạch lúa nên số lao động còn ít. Đa số chị em đến đây làm đều ở trong xã”. Chị Trà sinh ra, lớn lên ở một làng có truyền thống làm hương ngoài Bắc, về Phúc Thành làm dâu.
Năm 2005, khi có chủ trương của Hội phụ nữ về “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm”, chị đã thành lập cơ sở làm tăm hương. Được sự động viên, khuyến khích hỗ trợ của Hội Phụ nữ huyện, chính quyền địa phương, cơ sở của chị từng bước phát triển. Từ 5 chị em ban đầu đến nay đã thu hút 30 hội viên phụ nữ trong xã thường xuyên tham gia sản xuất. Thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, vào mùa cao điểm cơ sở của chị Trà giải quyết việc làm hơn 300 lao động trong xã với mức thu nhập bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Năm 2011, cơ sở của chị đã được UBND tỉnh chính thức công nhận làng nghề.
Đến xã Tân Thành, thăm cơ sở sản xuất tăm hương Thiên Minh mới thành lập từ đầu năm 2012. Điều hành cơ sở này là bà chủ trẻ - Lê Thị Hiền, sinh năm 1991. Được hỗ trợ từ chương trình dự án tạo việc làm của Hội phụ nữ, gia đình, người thân mạnh dạn góp vốn mở xưởng sản xuất tăm hương giao cho chị làm chủ điều hành. Mới hơn 8 tháng đi vào hoạt động, cơ sở nhanh chóng đào tạo nghề và tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 50 lao động, chủ yếu là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Bình quân mỗi lao động có thu nhập từ 1,5 đến hơn 2 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Thảo, (32 tuổi, chồng mất, bản thân không may bị tai nạn mất ba ngón tay, một mình nuôi hai con nhỏ) là công nhân chính tại đây, cho biết: Tuy thu nhập chưa cao (2 triệu đồng/ tháng), nhưng có việc làm thường xuyên nên cuộc sống gia đình ổn định hơn, có điều kiện nuôi các con ăn học.
Cùng với nghề làm tăm hương, hàng loạt cơ sở làng nghề mây tre đan như Kẽ Cuội xã Thọ Thành, Đông Phú (Khánh Thành), Tây Yên (Long Thành), làng mây xâu Yên Hội (Đô Thành), Bắc Vực (Đô Thành) … và hàng loạt các làng nghề khác như làng nghề làm bún, bánh Vĩnh Hòa, (Hợp Thành), trồng nấm ở 6 xã Khánh Thành, Nam Thành, Hợp Thành, Quang Thành, Văn Thành, Long Thành)... Không ít chủ nhân các làng nghề là phụ nữ, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên, thời vụ cho hàng ngàn chị em.
Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nguyễn Thị Hoa cho biết: Số lao động nữ tham gia sản xuất tại các làng nghề và làng có nghề đến nay là 2.292 người, thu nhập bình quân từ 1,2 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng. Nhiều làng nghề hoạt động ổn định, giá trị năng suất cao, nhiều gia đình thu nhập từ nghề phụ thành thu nhập chính, điển hình như các xã Thọ Thành, Khánh Thành, Hồng Thành, Phú Thành, Hợp Thành và Phúc Thành… Để phát triển có hiệu quả các mô hình trên, Hội Phụ nữ huyện đã bám sát chỉ đạo, mở các lớp tập huấn học nghề tạo điều kiện cho chị em mở rộng các cơ sở nghề thông qua các nguồn vốn: cho vay hộ nghèo, vốn vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, vốn giải quyết việc làm, vốn SUFA, vốn T.Ư Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ… Thời gian tới, các cấp hội ở Yên Thành sẽ tăng cường thu hút các nguồn vốn nhằm ưu tiên giúp hội viên đầu tư phát triển kinh tế, đồng thời tranh thủ các nguồn hỗ trợ các cơ sở mở lớp dạy nghề tại địa phương để nhiều phụ nữ có điều kiện học nghề…
Phạm Ngân