Khi phụ nữ vùng biên Nghệ An làm tuyên truyền viên pháp luật
Ở xã biên giới Thông Thụ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), hội viên phụ nữ không chỉ là “cầu nối” mang chính sách pháp luật về bản, mà còn là lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Mỗi chị em là một tuyên truyền viên
Ghé thăm bản Lốc thuộc xã biên giới Thông Thụ (huyện Quế Phong), từ xa đã nghe thấy tiếng cười nói xôn xao ở nhà văn hoá cộng đồng bản.
Hỏi chuyện, dân bản cho biết hôm nay chị em rủ nhau đến sinh hoạt định kỳ tại Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật.
Nội dung sinh hoạt tập trung vào góp ý sửa sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Sau khi được nghe phổ biến mục đích, ý nghĩa và các nội dung cần góp ý, chị em được cán bộ Hội LHPN xã Thông Thụ về dự hướng dẫn cách thức góp ý thông qua ứng dụng VNeiD.

Cười tươi sau khi màn hình điện thoại hiển thị góp ý thành công, chị Vi Thị Dung (59 tuổi, dân tộc Thái), là thành viên CLB Phụ nữ với pháp luật bản Lốc, cho biết: Nhờ được tuyên truyền chị đã hiểu được người dân không chỉ “được biết” mà còn “được bàn”, “được tham gia” xây dựng khung pháp lý tối cao của đất nước.
Chị còn cho hay, chị tham gia CLB ngay từ những ngày đầu thành lập, nhờ được cập nhật thường xuyên những chủ trương, chính sách mới nên chị em không chỉ được nâng cao kiến thức, mà còn có thể tự bảo vệ mình, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ.
Được biết, CLB "Phụ nữ với pháp luật" ở bản Lốc được thành lập từ năm 2010 và duy trì hoạt động hiệu quả cho đến nay. CLB hiện có 65 thành viên, sinh hoạt định kỳ 2 tháng 1 lần.
.jpg)
Trước mỗi kỳ sinh hoạt, Hội LHPN Phụ nữ xã Thông Thụ đều phối hợp với tư pháp xã cung cấp các tài liệu, văn bản mới của Luật cho Ban chủ nhiệm CLB để truyền tải đến chị em sớm nhất, nhanh nhất để mỗi thành viên CLB là một tuyên truyền viên tích cực trong công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với hội viên phụ nữ và nhân dân.
Ngoài tuyên truyền tập trung, phát tờ rơi, tờ gấp, hay đổi mới bằng các hoạt động hái hoa dân chủ, đố vui có thưởng với các nội dung liên quan đến kiến thức pháp luật, Ban Chủ nhiệm CLB còn trực tiếp đi tuyên truyền, khảo sát tận hộ gia đình. Nhất là những nội dung liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới…
Qua đó, đã hỗ trợ kịp thời cho một số chị em giải quyết những vấn đề khúc mắc trong gia đình. Điển hình như trường hợp chị Quang Thị Ph. (SN 1984), vợ chồng xảy ra mâu thuẫn do người chồng thường xuyên uống rượu về nhà chửi bới, bạo lực tinh thần người vợ.

Nói về hiệu quả mô hình CLB, ông Lương Văn Huân- Chủ tịch UBND xã Thông Thụ, cho biết: Là xã vùng cao biên giới nằm phía Tây Bắc của huyện Quế Phong, tiếp giáp nước CHDCND Lào với 33,737 km đường biên, xã Thông Thụ có 8 thôn, bản, có 8 Chi hội Phụ nữ với hơn 995 hội viên.
Do đời sống vật chất, tinh thần còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế, một số chị em hội viên, phụ nữ và người dân còn bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như buôn bán, vận chuyển tàng trữ ma túy, pháo nổ, đưa người sang nước ngoài trái phép, tảo hôn…

Bởi vậy, cùng các hoạt động tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân, cấp uỷ, chính quyền xã Thông Thụ đã chỉ đạo Hội LHPN xã phối hợp với các ban, ngành, thành lập các mô hình, trong đó có CLB "Phụ nữ và pháp luật" ở bản Lốc.
Thông qua hoạt động CLB, nhận thức về pháp luật của hội viên phụ nữ ngày càng được nâng lên, tỷ lệ tảo hôn giảm, chị em không chỉ tự bảo vệ mình khỏi các “cạm bẫy” mà còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Góp phần giữ bình yên biên giới
Cùng với tuyên truyền pháp luật, phụ nữ xã Thông Thụ còn là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Nổi bật là hoạt động của CLB Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới tại Chi hội Phụ nữ bản Mường Piệt - địa bàn giáp biên với cụm bản Nậm Táy, huyện Sầm Tớ (Lào).

Theo chia sẻ của chị Vi Thị Tâm - Chủ tịch Hội LHPN xã Thông Thụ: Trước đây, khi chưa thành lập CLB, hội viên phụ nữ bản giáp biên Mường Piệt thường vào rừng hái măng, chăn nuôi trâu, bò, do nhận thức hạn chế đã có những trường hợp vi phạm quy chế biên giới.
Do vậy, Hội LHPN xã tiếp tục phối hợp với Đồn Biên phòng Thông Thụ thành lập mô hình CLB “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”.
Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, Ban chủ nhiệm CLB, Hội LHPN xã tiếp tục phối hợp với Đồn Biên phòng Thông Thụ đi gặp gỡ, tuyên truyền cho hơn 55 trường hợp phụ nữ thường xuyên chăn thả trâu, bò và hái măng, lâm sản vượt mốc biên giới hiểu ra, chấp hành nghiêm quy chế.
Trong đó, có 25 chị em đã xin tham gia vào CLB và trở thành thành viên tích cực trong việc tuyên truyền người thân và cộng đồng về chủ quyền an ninh biên giới.
Chị Lương Thị Định - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới ở xã Thông Thụ, cho biết: CLB tổ chức sinh hoạt 1 tháng 1 lần, tập trung vào các nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức cho hội viên phụ nữ về công tác đối ngoại; phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia.
Hình thức hoạt động của CLB Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đa dạng, phong phú như: tọa đàm, giao lưu văn nghệ, thi khắc luống, cồng chiêng, thi bóng chuyền, hái hoa dân chủ tìm hiểu kiến thức pháp luật… do vậy, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia.
Từ 30 thành viên ngày đầu thành lập, đến nay CLB đã thu hút 65 hội viên phụ nữ trong thôn, bản tham gia sinh hoạt. Nhờ đó, hội viên phụ nữ đã nâng cao ý thức trong việc chấp hành quy chế biên giới, không xâm canh xâm cư, không vượt biên trái phép, không chăn thả gia súc khu vực vành đai biên giới, tích cực tham gia cùng các lực lượng phát quang đường biên, cột mốc, tuần tra bảo vệ biên giới.

Theo chia sẻ từ Thiếu tá Đinh Ngọc Tuyên - Đội trưởng Đội trinh sát Đồn Biên phòng Thông Thụ: “Khu vực đơn vị quản lý nam giới thường đi làm ăn xa, vì vậy, phụ nữ thôn, bản tham gia sản xuất ở khu vực nương rẫy giáp biên đã trở thành “tai mắt” của BĐBP trong bảo vệ an ninh biên giới.
Để giúp chị em nâng cao kiến thức, mỗi kỳ sinh hoạt lực lượng biên phòng sẽ phối hợp với Ban chủ nhiệm CLB tập trung tuyên truyền Luật Biên giới Quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Phòng chống ma tuý, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống tảo hôn, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các thủ đoạn, âm mưu của các đối tượng xấu để chị em không bị lợi dụng, lôi kéo vi phạm pháp luật.

Từ khi CLB ra đời ý thức chấp hành quy chế biên giới của chị em được nâng lên; các thành viên CLB còn tích cực phối hợp với Đồn Biên phòng Thông Thụ tham gia tuần tra đường biên, cột mốc, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, thể hiện tinh thần trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc.
Song song với công tác tuyên truyền, để tạo sự gắn kết giữa các hội viên, CLB “Phụ nữ với pháp luật” hay CLB "Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới” đều có những hoạt động như hỗ trợ ngày công, con giống, gây quỹ xoay vòng vốn giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

“Đối với thôn, bản khó khăn nơi vùng giáp biên, 15 triệu đồng tiền vốn xoay vòng là số tiền lớn hỗ trợ cho nhiều chị em đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất để thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đồng thời, qua đó bồi đắp tình đoàn kết, đùm bọc, chia sẻ để chị em nhận thấy ý nghĩa của việc tham gia mô hình câu lạc bộ, chị Lương Thị Định - Chủ nhiệm CLB Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới chia sẻ.
Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Thông Thụ cũng phối hợp với Đồn Biên phòng kêu gọi các nguồn lực như chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” để hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế giúp chị em phát triển kinh tế hộ.
Điển hình là gia đình chị Lương Thị Dung, bản Mường Piệt, là 1 trong 5 hội viên được hỗ trợ mô hình sinh kế, với nguồn vốn hỗ trợ ban đầu là 1 cặp lợn giống trị giá 5 triệu đồng.
Sau 2 năm chăm sóc, gia đình chị đã có 2 con lợn mẹ cung cấp con giống cho người dân trên địa bàn, cho thu nhập ổn định.

Hoạt động thiết thực của những mô hình như CLB "Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới" và CLB "Phụ nữ với pháp luật" đã thực sự trở thành những điểm sáng, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, chủ quyền an ninh biên giới ở vùng biên.
Đồng thời, khẳng định vai trò, vị trí “tự chủ” của phụ nữ dân tộc thiểu số trong cộng đồng.