Thể thao

Khi Sông Lam Nghệ An vỡ trận ở thành Nam

Châu Phú 20/10/2024 15:02

Bàn thắng mở tỷ số của Thép Xanh Nam Định trong trận gặp Sông Lam Nghệ An trên sân Thiên Trường vừa là minh chứng cụ thể sức mạnh cá nhân ngoại binh, vừa là hình ảnh tiêu biểu của một đội bóng “đại gia” luôn đủ sức bóp nghẹt bất cứ đội bóng nghèo nào ở V.League hiện nay.

Quãng nghỉ dịp FIFA Days tháng 10 cho phép Sông Lam Nghệ An có cơ hội chờ đợi các cầu thủ đang dưỡng thương như Nam Hải, chờ trung vệ ngoại Zaracho mãn hạn treo giò và thời gian tập luyện bổ sung sau đó để tăng sự phối hợp. Sông Lam Nghệ An không có tuyển thủ quốc gia thi đấu thì thuận hơn cho luyện tập, thử nghiệm nội bộ. Thép Xanh Nam Định có người lên tuyển thì nội bộ xáo trộn hơn, khó khăn hơn tý chút.

acf98d3daa9e13c04a8f.jpg
Các ngoại binh của Nam Định chứng tỏ sự vượt trội so với các ngoại binh của đội khách Sông Lam Nghệ An. Ảnh: Hải Hoàng

Nhưng nhìn chung, nếu đội bóng có lực lượng hùng hậu như Thép Xanh Nam Định thì Ban Huấn luyện sẽ dễ bề xoay trở hơn và như vậy, mọi việc cũng theo đó mà hanh thông hơn, nhất là khi đội đương kim vô địch được thi đấu trên sân nhà và chân sút Nguyễn Xuân Son đang nóng lòng lập công trước đội bóng yếu hơn bao giờ hết. Bàn thắng khai thông nói trên của Thép Xanh Nam Định chưa có dấu giày của Nguyễn Xuân Son, nhưng các bàn tiếp theo liên tiếp diễn ra thì cầu thủ nhập tịch này ghi lần lượt bàn thứ 2 (penalty) và bàn thứ 3 từ cú đánh đầu sở trường, chưa kể bàn thứ 4 đá hụt và đến chân Văn Vũ để cầu thủ này sút thắng Văn Việt rất dễ dàng.

Không thể trách hàng thủ đội khách yếu kém hay phòng ngự từ xa quá non của những Xuân Tiến, Quang Vinh, Quang Tú… Trận thứ 2 chơi cho Sông Lam Nghệ An ở V.League, trung vệ ngoại Zaracho lĩnh thẻ vàng và biếu 1 quả penalty cho đối thủ, cho thấy đây là trung vệ ngoại tệ hại bậc nhất từng thi đấu cho đội bóng thành Vinh cho đến nay. Nhưng nói cho cùng cũng không nên trách anh ta, bởi “tiền nào của nấy”, bởi anh ta chưa từng thi đấu ở V.League để kiểm nghiệm, bởi không “bột” thì sao có thể “gột nên hồ” nếu không nói phải kiên nhẫn ở chờ anh ta quen dần, trưởng thành dần trong các trận tới, may ra?

Cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son (số 14) lập cú đúp, giúp Nam Định có chiến thắng rất đậm trước Sông Lam Nghệ An. Ảnh: Hải Hoàng
Cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son (số 14) lập cú đúp, giúp Nam Định có chiến thắng rất đậm trước Sông Lam Nghệ An. Ảnh: Hải Hoàng

Trước một đội bóng nhà giàu như Thép Xanh Nam Định, mọi chỉ số về tuổi trẻ, đào tạo tại chỗ, ngoại binh giá rẻ… của Sông Lam Nghệ An, được trả lời bằng kết quả “vỡ trận” 4-1, chỉ làm dày thêm sự đau lòng, xót xa của đông đảo người hâm mộ xứ Nghệ. Không có tiềm lực, không đủ sức đầu tư nên phải để các trụ cột rời đi, nên phải đưa về những ngoại binh tầm thường. Từ đó, không thể nuôi tham vọng tiến xa hay một thứ hạng khả dĩ nào đó.

Dù đã có bài học từ Đà Nẵng hay Hoàng Anh Gia Lai về việc “ép chín” các nhân tố trẻ để nhanh chóng tụt hạng, tụt sau, Sông Lam Nghệ An vẫn mùa thứ 2 liên tiếp “kiên trì đôn lên các nhân tố trẻ” và “miễn nhiễm” với mọi ý kiến, dư luận để rồi chỉ là cách làm không thể nghèo hơn là cách làm “giá rẻ”: lương thấp, thưởng thấp, mục tiêu thấp, qua ngày đoạn tháng ở đáy thấp xếp hạng…

Người ta những tưởng lứa U17 của Xuân Tiến, Văn Cường vô địch quốc gia năm nào sẽ là sự tiếp bước xứng đáng khi họ lần lượt lên chơi ở đội 1 Sông Lam Nghệ An. Tiếc thay, cả Xuân Tiến lẫn Văn Cường chưa kịp tỏa sáng đã vội lặn vào im ắng sau những vụ việc vô kỷ luật, chuyển mượn rùm beng, chấn thương… Và không chỉ dàn U17 ấy, những cầu thủ tiềm năng lứa sau như Quang Vinh, Thanh Đức… khi liên tục bị “ép chín” như lâu nay, sau trận thua bạc nhược này, liệu có thể giữ được động lực phấn đấu, trưởng thành hay ngược lại?

Trong một chiều “vỡ trận”, biết mà không thể cứu vãn trên sân Thiên Trường, không ai nhìn thấy đâu một tia hy vọng về dàn trẻ xứ Nghệ và chí hướng vượt khó của cả đội bóng vốn trưởng thành trên cơ sở nghị lực phi thường? Nói thẳng ra, muốn vượt khó ngoạn mục, đội bóng phải có chim đầu đàn (nhưng đó là ai?), phải có trụ cột ở các tuyến (là những ai, những ai?), phải có ngôi sao xoay chuyển thế trận (rất khó để nói ra một ai cụ thể?). Và dù Kuku đã 2/4 trận ghi được bàn thắng thì con số này cũng chỉ là “muối bỏ bể” khi đội bóng chơi 4 trận đã để thủng lưới 7 bàn và ghi vỏn vẹn 2 bàn mà thôi.

Hãy xem cách Hendrio hay Silva chuyền bóng dọn cỗ đẳng cấp, Silva hay Nguyễn Xuân Son của Thép Xanh Nam Định kết thúc không thể cản phá, thì thấy Sông Lam Nghệ An không “vỡ trận” mới là chuyện lạ. Có thể trong quá khứ, Sông Lam Nghệ An từng biết cách làm khó đội bóng thành Nam, nhưng hiện giờ thì không thể, không bao giờ có thể làm lại được như trước, bởi khoảng cách chênh lệch giữa 2 thế lực bóng đá này hiện là một đầu, một chót, một chuyên nghiệp, một nửa chuyên nghiệp mà thôi.

Quả vậy, đó là một trận đấu “vỡ” ra nhiều điều, đưa người lạc quan trở về thực tại và giúp họ biết cách để làm quen, đối diện với những thực tại không mong muốn, rất đáng quên mau, ở phía trước./.

Mới nhất
x
Khi Sông Lam Nghệ An vỡ trận ở thành Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO