Khó đạt tiêu chí về nước sạch
(Baonghean) Một trong 19 tiêu chí theo chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới là làm sạch môi trường và cung cấp đủ nước sinh hoạt sạch, hợp vệ sinh cho dân cư, trường học, trạm y tế... Để thực hiện mục tiêu này, các ban, ngành và các địa phương ở Nghệ An trong thời gian qua đã khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo nước sạch cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chí này là điều không dễ.
Trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nội dung nước sạch quy định: Tỷ lệ hộ sử dụng nước vệ sinh đạt từ 85% trở lên, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt từ 50% trở lên. Nước hợp vệ sinh là nước sử dụng trực tiếp hoặc sau khi lọc đạt các yêu cầu chất lượng như: không màu, không mùi, không vị lạ, không chứa thành phần có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có thể dùng để ăn uống sau khi đun sôi. Nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QC VN 02:2009/BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 17/6/2009.
Tính đến hết năm 2012, tỉnh ta có 66% số hộ vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế về số hộ sử dụng nước sạch thì chỉ đạt 27%. Phần lớn dân cư nông thôn hiện nay sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước nhỏ lẻ (giếng khoan, giếng đào), khai thác mạch nước ngầm tầng nông, chất lượng nước không ổn định, thường thay đổi theo mùa, thiếu nước vào mùa nắng hạn. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư nông thôn do các hoạt động sản xuất, chăn nuôi đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nước ngầm. Bên cạnh đó, hiện nay phát triển nông nghiệp, nông thôn đang phát sinh nhiều vấn đề như: sản xuất nông nghiệp manh mún, quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình; phát triển kinh tế nhưng chưa quan tâm tới nhiệm vụ bảo vệ môi trường dẫn tới suy giảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường đất, nước.
Hệ thống nước sạch tại xã Yên Na (Tương Dương) chưa được đầu tư sửa chữa sau mưa lũ.
Để đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân, trong những năm qua, hàng trăm tỷ đồng vốn của Nhà nước và nhân dân đã được đầu tư để xây dựng, sửa chữa các công trình nước sạch. Chỉ tính năm 2012, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong tỉnh là hơn 104 tỷ đồng, với 17 dự án cấp nước sạch tập trung... Trong đó, nguồn vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 23,7 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách của tỉnh 12 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, quỹ quay vòng của Hội Phụ nữ 24 tỷ đồng và nguồn vốn huy động từ nhân dân là hơn 45 tỷ đồng. Thời gian qua, tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các dự án xây dựng công trình cấp nước tập trung có công nghệ xử lý nước hiện đại và công suất lớn phục vụ cho nhiều hộ dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, tại hầu hết các huyện trong tỉnh, nước sạch đang là một vấn đề hết sức nan giải.
Khó khăn nhất về vấn đề nước sạch phải kể đến các xã thuộc các huyện miền núi cao như: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Qùy Châu… Tại các xã này, hầu hết người dân đều sử dụng nước khe, suối để làm nước sinh hoạt là chính. Nhưng nạn khai thác vàng bừa bãi và bão lụt cũng đã làm nguồn nước này ô nhiễm. Song, người dân vẫn phải sử dụng mặc dù nó không thể đảm bảo sức khỏe. Các công trình nước sạch cũng được làm đi làm lại nhưng công trình hiệu quả nhất cũng chỉ hoạt động được vài tháng rồi hỏng, người dân lại phải trở lại với thói quen hàng ngày là dùng nước suối. Theo thống kê chưa đầy đủ, có đến 40% trên tổng số hơn 200 công trình nước sinh hoạt tự chảy tại các huyện miền núi hiện đang hư hỏng, không sử dụng và bỏ hoang. Ông Hoàng Sỹ Thìn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương, cho biết: Đối với những xã miền núi cao thì tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường là một tiêu chí rất khó đạt. Mặc dù Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để đưa nước sạch về với người dân, nhưng trên huyện Tương Dương mới chỉ có Thị trấn Hòa Bình và trung tâm xã Thạch Giám là có nước sạch theo quy chuẩn quốc gia. Còn các xã khác thì đang phải sử dụng nước khe, nước suối.
Tại các xã vùng đồng bằng, để đạt được tiêu chí nước sạch cũng không phải là điều đơn giản. Xã Nam Anh là một trong những xã điểm về xây dựng NTM của huyện Nam Đàn. Cho đến nay, xã đã đạt được 10/19 tiêu chí. Nói đến tiêu chí nước sạch và môi trường, ông Trần Văn Sinh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, cho biết: Đây là một trong những tiêu chí xã xác định là rất khó đạt. Bởi vì, để đạt được tiêu chí này thì xã phải xây dựng một nhà máy nước đạt các tiêu chí theo quy chuẩn 02 của Bộ Y tế. Nhưng số vốn phải bỏ ra là rất lớn, đến vài chục tỷ đồng. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhân dân phải đóng góp 40%, Nhà nước chỉ hỗ trợ 60% thì là một điều rất khó đối với người dân xã Nam Anh. Hiện nay, toàn xã mới chỉ có khoảng 80% số hộ có nước hợp vệ sinh để sử dụng. Người dân chủ yếu sử dụng nguồn nước giếng khoan và giếng bơm. Tuy nhiên, nguồn nước này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng vì chứa nhiều kim loại nặng và nhiễm phèn, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng. Hệ thống nước sạch trên toàn xã chưa được xây dựng đồng bộ. Vì thế, mục tiêu đến năm 2015, xã Nam Anh phấn đấu đạt đủ 19 tiêu chí là điều không dễ.
Có một thực tế đang diễn ra là hiện có nhiều công trình nước sạch đã được đầu tư xây dựng, nhưng do nhiều nguyên nhân nên đang dở dang khiến người dân bức xúc. Đơn cử như đường ống dẫn nước xã Thanh Đức (huyện Thanh Chương) được lắp đặt vào năm 2008, sử dụng nguồn vốn từ Chương trình 135, với số tiền lên đến 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi khánh thành đến nay công trình này chưa một lần vận hành bởi không có nguồn nước! Tại các xã Liên Thành, Sơn Thành (Yên Thành); Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Quỳnh Lộc, Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu); Nghi Kiều, Nghi Văn, Nghi Lâm (Nghi Lộc), Châu Tiến, Nghĩa Xuân, Yên Hợp, Châu Thành (Qùy Hợp) các công trình nước sạch cũng bị "treo" hoặc có thì cũng hoạt động "ì ạch".
Phạm Bằng