Khó khăn ở Hoàng Mai

17/07/2014 19:18

(Baonghean) - “Lên” thị xã trên nền tảng hạ tầng cơ sở yếu kém cộng với điều kiện kinh tế của đại đa số nhân dân còn khó khăn đang gây trở ngại cho việc xây dựng NTM ở thị xã trẻ Hoàng Mai.

Là một xã sản xuất thuần nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, hiệu quả cây trồng thấp, Quỳnh Lộc được xếp vào diện nghèo của thị xã. Ngân sách địa phương không có, điều kiện kinh tế của người dân khó khăn, trong khi đó hạ tầng cơ sở, gồm giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa quá yếu kém. Triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, mặc dù xã đã rất quyết liệt huy động sức đóng góp của nhân dân (có thôn như thôn 6, thôn 7 đóng góp mỗi hộ 3 triệu đồng) nhưng nguồn huy động được cũng chỉ như “muối bỏ biển”.

Ông Nguyễn Văn Bắc – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc, cho biết: Với 13 tỷ đồng huy động trong 2 năm (2013 – 2014), địa phương đã tập trung làm 6 km đường giao thông nông thôn (trong đó có 1,8 km đường nhựa); xây dựng trạm y tế 2 tầng; đầu tư nâng cao trường học. Hiện tại, nhu cầu đầu tư cho NTM của địa phương rất lớn, nhất là hệ thống giao thông với trên 15 km đường liên thôn và 12 km đường liên xã đi qua địa bàn xã được đầu tư hơn 10 năm nay đã xuống cấp. Trong điều kiện đó, Quỳnh Lộc đăng ký xin hỗ trợ xi măng theo chính sách của tỉnh là 1.300 tấn (năm 2014), nhưng cho đến nay chưa có. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng đang khó khăn, ảnh hưởng đến tiêu chí các hình thức sản xuất và tiêu chí thu nhập của người dân (hiện tại thu nhập bình quân đạt gần 14 triệu đồng/người/năm. Ở xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Trang cũng tương tự, nhu cầu được hỗ trợ xi măng cao nhưng vẫn chưa được cấp.

Có điều kiện hơn các xã trên, xã Quỳnh Liên khi được chọn điểm xây dựng NTM của thị xã giai đoạn 2010 - 2015 đã có những cơ sở, điều kiện thuận lợi nhất định. Điểm nhấn ở Quỳnh Liên phải kể đến việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, y tế. Hiện tại cả 3 trường học ở Quỳnh Liên đều được xây dựng khang trang và đạt chuẩn quốc gia, trong đó trường tiểu học và mầm non đang xây dựng chuẩn mức độ 2. Xã cũng đã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các cơ sở văn hóa ở thôn, xóm được người dân đóng góp xây dựng với 10 xóm/10 xóm đạt chuẩn. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc xây dựng NTM mới ở đây không có khó khăn.

Theo ông Hồ Đức Nghĩa – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên: “Việc hiến đất, hiến tài sản, ngày công lao động được nhân dân đồng tình rất cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay do đời sống của người dân đang khá vất vả nên việc huy động tiền mặt rất khó; nguồn lực đầu tư từ bên ngoài hạn hẹp. Đơn cử như để hoàn thành tiêu chí cơ sở văn hóa, địa phương chỉ còn thiếu nhà văn hóa đa chức năng, tuy nhiên hiện nay tỉnh mới chỉ hỗ trợ được 1 tỷ đồng so với dự toán được duyệt là 6 tỷ đồng. Tương tự, việc hỗ trợ xi măng theo cơ chế của tỉnh cũng chỉ mới có 800 tấn, hiện đang còn thiếu khoảng 3.000 tấn để hoàn thành gần 15 km đường liên xóm đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (đó là chưa kể đến hệ thống giao thông nội xóm). Đặc biệt, thời gian công bố chọn xã làm điểm NTM (tháng 11 năm 2013) đến mốc về đích NTM (năm 2015) là quá ngắn, nếu không có sự dốc sức hỗ trợ của tỉnh thì rất khó để về đích đúng thời hạn.

Ông Lê Sỹ Chiến – Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: “Theo Nghị định 62/2011/NĐ-CP, ngày 26/7/2011 quy định các tiêu chuẩn để thành lập thị xã trực thuộc tỉnh, thành phố, đó là phải có hệ thống hạ tầng đô thị tốt, đạt các tiêu chuẩn đô thị loại III; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vục nội thành đạt từ 80% trở lên so với tổng số lao động.... Tuy nhiên, đối với Hoàng Mai khi thành lập thì xã lại được xét trên tiêu chuẩn về tiềm năng, lợi thế phát triển trong tương lai với đầu mối giao thông, giao lưu và có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Nghệ An và liên vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ.

Trên cơ sở nền tảng đó và với một thị xã đang còn rất non trẻ, nguồn thu để đầu tư hạ tầng chưa có, kinh tế chưa phát triển, nếu không có sự hỗ trợ từ bên ngoài thì rất khó khăn (thị xã mới chỉ được hỗ trợ 1.750 tấn xi măng theo cơ chế của tỉnh để làm 10 km đường). Bên cạnh đó, ở các xã với nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, chưa tạo ra được nhiều mô hình kinh tế cũng như cánh đồng mẫu lớn, thu nhập cao, điều này cũng đang làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các tiêu chí chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo...”.

Có thể nói, ngoài 5 xã (Quỳnh Vinh, Quỳnh Lộc, Quỳnh Lập, Quỳnh Liên, Quỳnh Trang) triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM đang gặp khó khăn để hoàn thành các tiêu chí đề ra thì 5 đơn vị hành chính còn lại (gồm Thị trấn Hoàng Mai – nay là phường Quỳnh Thiện và 4 xã Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương, Mai Hùng), mặc dù đã chuyển lên phường nhưng cơ sở hạ tầng và các điều kiện khác vẫn “đặc” nông thôn. Ông Nguyễn Quang Đại – Chủ tịch UBND phường Quỳnh Dị, cho rằng, trước đây khi thuộc địa phương là xã, nhân dân hiến đất làm đường giao thông rất tích cực, nay lên phường không được hưởng chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh thì phong trào làm GTNT cũng giảm xuống hẳn. Tỉnh cần cho các địa phương lên phường như Quỳnh Dị tiếp tục được hỗ trợ xi măng để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở ở các địa phương này”.

Mai Hoa

Mới nhất
x
Khó khăn ở Hoàng Mai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO