Khó như... thi tiếng Hàn
Chương trình EPS giúp các lao động Việt Nam có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc với mức thu nhập cao, chi phí xuất cảnh thấp, thế nhưng, để vượt qua kỳ thi tiếng Hàn là điều không hề đơn giản.
Nỗ lực vượt cửa ải tiếng Hàn

Năm 2025, cả nước chỉ có 3.300 chỉ tiêu sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình EPS trong đợt này. Ngày đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi tiếng Hàn năm 2025, Trung tâm Xúc tiến việc làm tỉnh nhận được 1.500 hồ sơ tham dự. Số lượng hồ sơ tiếp tục tăng lên trong những ngày sau đó.
Anh Bùi Đức Duy đến từ huyện Quỳ Hợp cho biết, để nộp được hồ sơ, anh phải xuống TP. Vinh trước 1 ngày, 6h sáng đến trung tâm lấy phiếu nhưng vẫn phải xếp sau 400 người. "Kỳ thi này dự kiến sẽ rất khó với lao động vì tính chất đề thi đã thay đổi, trong khi đa số lao động học ôn từ năm 2023 với một bộ đề khác”, anh Duy chia sẻ và cho biết, đã tham gia thi tiếng Hàn 3 lần nhưng cả 3 lần đều không đạt nên anh đặt kỳ vọng rất lớn vào đợt thi này.

Anh Trần Văn Vũ (SN 2007, trú tại huyện Quỳnh Lưu) cũng đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An để nạp hồ sơ đăng ký dự thi tiếng Hàn từ 3h30 sáng, nhưng vẫn đứng sau 300 người. Anh Vũ cho biết: "Tôi đã tham gia học tiếng Hàn từ đầu năm 2024 và đăng ký tham gia kỳ thi lần này để sang Hàn Quốc làm việc ngành nông nghiệp. Theo thông tin của nhiều người, lần thi này sẽ rất khó khăn, khốc liệt. Ở xóm tôi, nhiều người thi lần thứ 3, thứ 4 vẫn chưa đậu", anh Vũ cho biết.

Nhiều khó khăn
Năm nay thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký tiếng Hàn được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày, nên ngay từ ngày đầu Trung tâm đã phải phân luồng các khu vực đăng ký, để tránh ùn tắc. Cho đến ngày cuối, chúng tôi đã ghi nhận được 3.056 hồ sơ đăng ký dự thi, địa phương cao nhất được ghi nhận là Thị xã Hoàng Mai với 305 người, huyện Thanh Chương với 290 lao động, huyện Nam Đàn 246 lao động…
Ông Trần Hữu Thượng – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh
Đợt gần đây nhất, Việt Nam có 16.000 chỉ tiêu sang Hàn Quốc làm việc nhưng có tới 45.000 hồ sơ được đăng ký. Riêng Nghệ An có 6.261 chỉ tiêu đăng ký thi nhưng chỉ có 2.300 hồ sơ đạt yêu cầu, tức là Nghệ An có 2.300 người thi đậu tiếng Hàn. Trung bình mỗi kỳ thi, chỉ có 30% lao động Nghệ An đậu tiếng Hàn. "Đợt này chỉ tiêu lấy ít, cả nước chỉ lấy 3.300 người nhưng Nghệ An đã có 3.056 hồ sơ đăng ký dự thi. Vì vậy, việc có được một suất đi làm việc ở xứ sở Kim Chi hiện nay rất khó khăn”, ông Trần Hữu Thượng cho biết.
Năm nay, Hàn Quốc chỉ tuyển dụng 2 ngành là sản xuất chế tạo và nông nghiệp. Do số chỉ tiêu lớn, yêu cầu không quá cao và có nhiều thời gian làm thêm giờ nên ngành nông nghiệp có số hồ sơ rất lớn, suất cạnh tranh ngày càng cao.
Để dự thi tiếng Hàn, lao động ở các vùng quê phải chuẩn bị số tiền không nhỏ để xuống thành phố Vinh thuê trọ, ôn thi. Anh Bùi Đức Duy ở huyện Quỳ Hợp cho biết, anh đã phải dồn toàn bộ tiền tích trữ và tiền bố mẹ hỗ trợ tầm 20 – 30 triệu đồng mới đủ cho việc học ôn và mua bộ đề ôn thi. Ở quê anh, nhiều người thi lần 2, lần 3 không đậu nên chán nản, bỏ cuộc. Một số người còn phải khăn gói ra Hà Nội ôn luyện 3 -4 tháng để chuẩn bị cho kỳ thi, rất tốn kém.
Ngoài kinh phí ôn thi tiếng Hàn thì phí xuất cảnh, phí ký quỹ đối với nhiều lao động vẫn là bài toán khó. Ông Hoàng Sơn Lam- Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: "Năm 2024 cả tỉnh chỉ có 350 lao động tham gia xuất khẩu lao động được tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Nguyên nhân là bởi, mỗi hộ nghèo chỉ được tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm 1 lần, nhưng đa số người lao động đều đã vay trước đó để chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, nên cơ hội để vay lần nữa nhằm phục vụ cho việc tham gia XKLĐ sẽ khó khăn hơn".
Chia sẻ với người lao động về kỳ thi tiếng Hàn sắp tới, ông Trần Hữu Thượng - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Để có được hành trang đủ cho kỳ thi tiếng Hàn và kỳ thi định hướng nghề nghiệp đạt yêu cầu của nước bạn, bản thân người lao động phải tự trang bị cho mình được vốn tiếng Hàn tốt. Dù đề thi có biến đổi nhưng mức độ thì vẫn vậy, nên lao động nếu chăm chỉ ôn tập thì sẽ vượt qua. Bên cạnh ngoại ngữ, các lao động cũng cần chuẩn bị cho mình tay nghề tốt để có được hành trang đầy đủ trước khi xuất cảnh. Các lao động tốt nghiệp trường nghề với ngành đào tạo tương ứng sẽ có lợi thế hơn so với các lao động phổ thông...
Luật Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc được Quốc hội Hàn Quốc thông qua ngày 16/8/2003, quy định Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là Chương trình EPS), có hiệu lực từ ngày 16/8/2004. Theo quy định của Luật này, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi không tuyển dụng được lao động trong nước sẽ được phép tuyển dụng lao động nước ngoài với số lượng nhất định; việc giới thiệu, quản lý toàn bộ các vấn đề liên quan đến người lao động nước ngoài do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc thực hiện. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản Ghi nhớ với các nước để phái cử và tiếp nhận lao động đến Hàn Quốc làm việc. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản Ghi nhớ với 15 quốc gia trong đó có Việt Nam.