Khó quản lý quan hệ lao động giữa chủ nhà và người giúp việc
(Baonghean) - Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình. Đây được xem là cơ sở pháp lý để tạo mối quan hệ bình đẳng, hướng tới bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, không ít người vẫn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của những quy định “cứng” nêu ra trong nghị định này.
(Baonghean) - Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình. Đây được xem là cơ sở pháp lý để tạo mối quan hệ bình đẳng, hướng tới bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, không ít người vẫn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của những quy định “cứng” nêu ra trong nghị định này.
So với các loại hình lao động khác, giúp việc gia đình là công việc có nhiều nét đặc thù. Phần lớn người làm công việc này hiện nay đều xuất thân từ nông thôn, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Trong suy nghĩ của nhiều người, giúp việc gia đình vẫn chỉ là một công việc mang tính thời vụ, tạm thời. Do đó, giao kết giữa người lao động và người sử dụng lao động chủ yếu vẫn là thỏa thuận miệng. Việc lập hợp đồng lao động với những điều, khoản quy định cụ thể chưa được hai bên quan tâm, nhất là từ phía người lao động. Do ít nhiều bị hạn chế về nhận thức, lại ở thế bị động, nên họ không mấy khi quan tâm tới hợp đồng lao động. Để thuận tiện trong công việc, phần lớn người giúp việc gia đình hiện nay đều sinh hoạt, ăn, ở hàng ngày cùng với gia chủ, do đó, không dễ để phân định rạch ròi khi nào họ được nghỉ, khi nào phải làm việc.
Quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm y tế cho lao động giúp việc gia đình, để người lao động tự lo bảo hiểm cũng khiến không ít người băn khoăn về tính khả thi. Khi để người lao động “tự lo”, họ sẽ gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc nên đóng bảo hiểm ở đâu, thủ tục như thế nào? Nếu chỉ “theo nghề” trong thời gian ngắn, số tiền bảo hiểm đã đóng sẽ được xử lý ra sao? Đó là chưa kể bản thân gia đình những người giúp việc thường có điều kiện kinh tế khó khăn. Khi có tiền, người giúp việc thường dành dụm gửi hết về quê để hỗ trợ gia đình chi tiêu, trang trải. Mặt khác, rất khó để quản lý việc chủ nhà có thanh toán khoản tiền hỗ trợ cho người lao động đóng bảo hiểm hay không. Trên thực tế, tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng đóng Bảo hiểm xã hội đối với người lao động đã trở nên phổ biến và khó quản lý. Do đó, công tác giám sát việc đóng bảo hiểm đối với người giúp việc gia đình đang là một “bài toán” nan giải. Theo quy định, trách nhiệm chính trong việc quản lý quan hệ lao động giữa chủ nhà và người giúp việc thuộc về UBND các xã, phường. Mặc dầu vậy, cơ quan này thể hiện trách nhiệm của mình đến đâu, có thực hiện việc quản lý một cách chặt chẽ hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Vì thế, để Nghị định 27 thực sự đi vào cuộc sống, nên chăng, cần có lộ trình thực hiện với các mô hình thí điểm, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần có thêm các chế tài, cơ chế giám sát cụ thể, hữu hiệu hơn, nhất là với việc thực hiện các quy định từ phía người sử dụng lao động.
Bùi Minh Tuấn
(Kim Liên - Nam Đàn)