Khó triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
(Baonghean) - Giảm tải ở số tiết, số môn và hiện đại, tinh gọn là mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặc dù vậy, theo như chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa được công bố thì việc thực hiện sẽ vẫn còn rất khó khăn.
Chưa giảm tải ở bậc tiểu học
Theo nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, trong chương trình mới của bậc tiểu học sẽ gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Đó là các môn Tiếng Việt; Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật; Hoạt động trải nghiệm. Bên cạnh đó, có 2 môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (ở lớp 1, lớp 2).
Sau nhiều năm “hoãn” thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã quyết định từ năm học 2020 - 2021 sẽ bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, sách giáo khoa lớp 1. Chương trình cũng sẽ thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu” và lộ trình đến năm học 2024 - 2025 sẽ triển khai ở tất cả các lớp học của bậc học này.
Giờ học Ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài ở Trường PT chất lượng cao Phượng Hoàng (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà |
Trước đó, tại Hội thảo khoa học phát triển giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Giáo sư. Tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng khẳng định: Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.
Để thực hiện mục tiêu này, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng với tinh thần giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa - tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới đánh giá kết quả giáo dục.
Riêng ở bậc tiểu học, so sánh giữa chương trình hiện hành và chương trình tổng thể, cũng có những sự khác biệt khi một số môn như Thủ công và Kỹ thuật sẽ được thay đổi bằng môn Tin học và Công nghệ, các môn Âm nhạc và Mỹ thuật sẽ thay bằng môn Nghệ thuật, môn Lịch sử và Địa lý từ những môn riêng sẽ được gộp lại thành một môn.
Về chương trình này, thầy giáo Phan Xuân Huỳnh - Hiệu trưởng Trường PT Herman Gmeiner Vinh cho rằng: “Khi dự thảo chương trình được xây dựng, điều mà giáo viên và phụ huynh mong mỏi lớn nhất là được giảm tải cho học sinh. Tuy vậy, với cách bố trí này, thì số lượng giảm tải chưa nhiều, không đáng kể và kiến thức dành cho học sinh cấp tiểu học vẫn quá nặng. Theo tôi, với đối tượng học sinh tiểu học nên để các em có nhiều hoạt động trải nghiệm, để dạy kỹ năng sống. Lâu nay chúng ta vẫn chỉ quan tâm học cái gì, học cho nhiều thứ nhưng chúng ta không quan tâm các em được học như thế nào và gắn với những nguyện vọng gì”.
Một vấn đề khác cũng được quan tâm ở bậc tiểu học, đó là việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Là người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý ở cả hệ thống trường công lập và ngoài công lập, thầy giáo Trần Văn Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng cho biết: Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa rất lớn đối với các học sinh tiểu học, giúp các em có cơ hội trải nghiệm, khám phá và ứng dụng các kỹ năng đã học vào trong thực tế. Với chương trình mới, việc đưa hoạt động trải nghiệm vào trong chương trình bắt buộc là một sự tiến bộ và chúng tôi thực sự tâm đắc với điều này.
Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt thì sẽ còn nhiều khó khăn bởi để đổi mới thì cần phải có cơ sở vật chất, công tác đội ngũ, biên chế giáo viên, học sinh và cần phải giảm tải các môn học khác. Ví như hiện nay, trong phân bố thời khóa biểu của chương trình hiện hành, các em có quá nhiều tiết hướng dẫn tự học, tiết luyện tập mà lại giảm đi các tiết học về kỹ năng sống. Chương trình mới cũng yêu cầu các trường phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nhưng trong điều kiện hiện nay của Nghệ An, e rằng việc thực hiện đồng bộ còn rất gian nan.
Nhiều môn học khó triển khai
Ở bậc THCS, nếu như trước đây, môn Tin học là môn tự chọn thì nay được chuyển thành môn bắt buộc. Các môn học cũng đã được tích hợp, trong đó môn Vật lý - Hóa học - Sinh học sẽ tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý sẽ được gộp lại thành một môn. Học sinh cũng sẽ học môn Nghệ thuật thay cho môn Mỹ thuật và Âm nhạc.
Về hình thức của các môn, mặc dù có sự thay đổi nhiều nhưng không mới, đặc biệt là với những giáo viên đã dạy theo mô hình trường học mới ở bậc THCS.
Từ năm học 2017 - 2018, Nghệ An cũng đã tổ chức thi theo hình thức tổ hợp môn Khoa học tự nhiên hoặc tổ hợp môn Khoa học xã hội nên các em cũng đã bắt đầu quen với khái niệm này.
Tiết Sinh học của học sinh lớp 9 Trường PT Hermann Gmeiner (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà |
Khó khăn hiện nay, khi đưa vào đại trà, đó chính là đội ngũ giáo viên, nhất là với những giáo viên dạy môn tích hợp. Lý do chính bởi lâu nay, theo như chương trình đào tạo ở các trường đại học sư phạm, giáo viên thường chỉ học theo một chuyên ngành chính. Ở hệ cao đẳng, giáo viên có được đào tạo liên môn nhưng trong thực tế, thì mỗi giáo viên thường chỉ có một chuyên môn chính. Hi hữu, ở một số trường thiếu giáo viên thì các giáo viên mới dạy chuyên môn thứ 2.
Trước việc tích hợp các môn, cô giáo Trần Hương Trà - Trường PT Herman Gmeiner Vinh cho rằng: Khi tích hợp thì số lượng tiết sẽ giảm nhưng nội dung chương trình vẫn giữ nguyên. Điều này cũng tạo cho giáo viên rất nhiều áp lực và phải có những phương pháp thích hợp mới chuyển tải được hết chương trình.
Ở nhiều trường học khác, việc thiếu giáo viên đang là bài toán khó. Ông Nguyễn Quang Xuyên - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn cho biết: Trên địa bàn huyện, đang thừa khá nhiều giáo viên Toán, Ngữ văn nhưng lại thiếu giáo viên các môn như Vật lý, Hóa học, Sinh học và Mỹ thuật, Âm nhạc. Vì lẽ đó, nếu để đáp ứng được yêu cầu mới của chương trình phổ thông tổng thể thì cần phải có kế hoạch dài hạn trong đào tạo, bố trí giáo viên hoặc phải sắp xếp lại đội ngũ.
Ở bậc THPT, với chủ trương là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, số môn học bắt buộc đã giảm xuống chỉ còn 7 môn là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh đó lại tăng các môn tự chọn theo nhóm như Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Việc thay đổi này được đánh giá là giảm tải cho học sinh nhưng lại khó cho các nhà trường.
Thầy giáo Phan Xuân Huỳnh - Hiệu trưởng Trường PT Herman Gmeiner Vinh cho rằng: “Khi tổ chức các môn tự chọn, sẽ có tình trạng môn nhiều em học, môn ít em học. Vậy thì các nhà trường sẽ bố trí thế nào cho hợp lý. Hiện Bộ cũng đưa ra giải pháp học liên trường nhưng khi đó sẽ gặp khó khăn trong việc cho điểm và đánh giá học bạ cho học sinh...”.
Với hàng loạt câu hỏi trên, rõ ràng dù đang còn hơn một năm học nữa chương trình phổ thông tổng thể mới triển khai nhưng còn đó bộn bề công việc cần phải thực hiện.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, phát biểu tại hội thảo về phát triển giáo dục phổ thông, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra nhiều nội dung sẽ phải thực hiện trong thời gian tới, đó là sắp xếp lại quy mô trường lớp, đảm bảo sỹ số tối thiểu theo quy định. Đồng thời, phải tiếp tục quan tâm tới các điều kiện thực hiện như đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất trang thiết bị, công tác tổ chức dạy học. Đặc biệt, cần phải đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại hội nhập, nâng cao chất lượng toàn diện.