Khoai tây trắng về đất Nghệ An

Ở thời điểm đó, Giám đốc Sở KH&CN – ông Trần Quốc Thành cho biết: “Năm nay thu hoạch hết rồi, nhưng đến khoảng cuối năm ra mà coi. Không chỉ dân Diễn Phong mô, mà nhiều xã ở Diễn Châu dừ kết loại củ ni cho vụ đông lắm…”.

Ghi nhớ lời ông Trần Quốc Thành, ngày đầu năm 2022 chúng tôi tìm về xã Diễn Phong. Cảm nhận ban đầu, khoai tây xanh ngút mắt ở nhiều cánh đồng. Trên những luống đất được đánh vồng lớn, cây khoai tây Alantic (còn gọi là khoai tây trắng) có chiều cao 40 – 50 cm, đang ra hoa màu trắng có nhị vàng thích mắt. “Còn khoảng tháng rưỡi nữa mới đến kỳ thu hoạch. Nhưng giờ củ cũng lống đại rồi…”, Giám đốc HTX Nông nghiệp Diễn Phong, ông Quế Văn Duyên hồ hởi nói rồi dùng tay thọc  xuống lớp đất nâu đen, xốp mềm. Vài cái gạt tay, những củ khoai tây có màu trắng ngà lồ lộ, đều đặn như chiếc chén. “Tám củ, trong khi yêu cầu kỹ thuật chỉ 4 củ. Năm ni sản lượng kiểu chi cũng cao ngất…”, ông Duyên phấn chấn.

Những hình ảnh thu hoạch khoai tây Alantic Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành đưa lên facebook cá nhân dịp tháng 2/2021.
Những hình ảnh thu hoạch khoai tây Alantic Giám đốc Sở KH&CN Trần Quốc Thành đưa lên facebook cá nhân dịp tháng 2/2021.

Thế rồi ông kể về cái sự xuất hiện của cây khoai tây trắng trên đất Diễn Phong, như là sự tình cờ, mà cũng như là cơ duyên vậy. Rằng năm 2020 có người thông tin cho HTX Nông nghiệp Diễn Phong biết Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN của tỉnh đang tìm đất để triển khai mô hình trồng khoai tây trắng. Liên hệ, HTX Nông nghiệp Diễn Phong được Trung tâm đồng ý triển khai mô hình, để từ đây có gắn kết với Viện Sinh học nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) là cơ quan hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời là đại diện của Tập đoàn Orion (doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm). HTX Nông nghiệp Diễn Phong có 900 xã viên, với 160 ha đất màu; trong đó có khoảng 100 ha đất có thể làm khoai tây. Nhưng dịp năm 2020, xã viên HTX chưa tin. Vì trước đây họ cũng từng trồng vài vụ khoai tây cho một vài doanh nghiệp nhưng không hiệu quả. Thế nên dự kiến của HTX từ 9 ha giảm xuống còn 6 ha. Nhưng đến kỳ thu hoạch thì xã viên sướng vô kể. Sản lượng đạt rất cao, hầu hết đều trên 18 tấn/ha, có diện tích đạt đến 32 tấn/ha. Khoai tây sau thu hoạch, được doanh nghiệp thu mua tại chân ruộng, đóng bao chở đi hết trong ngày. Lợi nhuận thu được bình quân khoảng 70 triệu/ha/3 tháng. Thế nên năm 2021 này xã viên giành nhau giống để trồng. Đến mức gia đình Giám đốc HTX cũng phải nhường xã viên lấy giống trồng trước… “Vụ đông này với diện tích 30ha, HTX được Tập đoàn Orion tặng một máy làm đất trị giá 450 triệu đồng. Sang năm, chắc chắn diện tích sẽ tăng hơn gấp rưỡi. Chúng tôi đang quyết tâm để Tập đoàn tặng thêm một chiếc máy…”, ông Quế Văn Duyên khẳng định.

Sản xuất khoai tây giống bằng phương pháp khí canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh.
Sản xuất khoai tây giống bằng phương pháp khí canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh.

Nói với ông Duyên có thông tin việc giữ chữ tín của người dân với doanh nghiệp hình như còn có băn khoăn. Cười sảng khoái ông kể, năm ngoái có một số hộ xã viên thấy giá thu mua ngoài cao hơn nên lén đào bán. Nhưng sự việc được phát hiện sớm, sau đó chính quyền, HTX đã nhắc nhở. Ông nói: “Cũng chỉ mới xảy ra vài ba trường hợp. Sau đó chúng tôi đã phân tích cho xã viên hiểu, đừng vì cái lợi nhỏ mà bất tín, làm ảnh hưởng đến hàng trăm hộ khác, mất đi cơ hội làm ăn lâu dài. Được phân tích thấu đáo, ai cũng suy nghĩ rất tích cực, đều lập cam kết với HTX…”.

Ở xã Diễn Phong, cùng với hàng trăm hộ dân trồng khoai tây trắng, có HTX CP dịch vụ nông nghiệp THQ được tham gia quy trình sản xuất giống. Giám đốc HTX, ông Trần Đình Hạnh nói: “HTX chúng tôi là một mắt xích trong chuỗi quy trình sản xuất giống cho bà con”. “Mắt xích” như ông nói là việc nhận giống khoai tây sạch bệnh sản xuất bằng công nghệ khí canh từ Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN đem trồng trên diện tích 1ha của HTX theo đúng kỹ thuật được hướng dẫn. Đến kỳ thu hoạch, toàn bộ sản phẩm được chuyển về kho giống của Trung tâm để đơn vị này sản xuất giống cung ứng cho người dân.

Giám đốc HTX CP dịch vụ nông nghiệp THQ, ông Trần Đình Hạnh bên những vồng khoai tây giống.
Giám đốc HTX CP dịch vụ nông nghiệp THQ, ông Trần Đình Hạnh bên những vồng khoai tây giống.

Ông Hạnh tâm tư, qua 2 vụ đông thì biết trồng khoai tây thương phẩm sẽ có lợi hơn chút ít so với làm giống. Nhưng nếu mình không làm giống cùng Trung tâm thì ai làm? Diễn Phong có quỹ đất màu lớn. Cây khoai tây thực sự có giá trị, không như cây cải bắp liên tục phải giải cứu, vì vậy cần được mở rộng diện tích. Thế nên phải tham gia làm giống để những vụ đông tiếp theo bà con có giống. Rồi người nông dân đã ngoài 70 tuổi cười hào sảng: “Nghĩ đi nghĩ lại, chúng tôi thấy tự hào. Rất cảm ơn các anh ở Sở KH&CN đã tin tưởng, cho chúng tôi tham gia quy trình sản xuất giống…”.

Thăm những cánh đồng khoai tây trắng ở Diễn Phong, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Xuân Trường – Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp. Hỏi ông Trường về tiềm năng phát triển cây khoai tây vụ đông ở Nghệ An. Theo Viện trưởng Nguyễn Xuân Trường, Nghệ An là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, đặc biệt phù hợp với các loại cây trồng màu. Như với đất trồng màu Diễn Phong, là loại đất thịt nhẹ pha cát rất phù hợp với các loại cây trồng như lạc, ngô, rau màu trong đó gồm cả khoai tây. Chính vì vậy, Viện Sinh học nông nghiệp mong muốn phát triển khoai tây tại Nghệ An.

Viện trưởng Nguyễn Xuân Trường cùng Giám đốc HTX Nông nghiệp Diễn Phong, ông Quế Văn Duyên kiểm tra sự phát triển củ của cây khoai tây thương phẩm.
Viện trưởng Nguyễn Xuân Trường cùng Giám đốc HTX Nông nghiệp Diễn Phong, ông Quế Văn Duyên kiểm tra sự phát triển củ của cây khoai tây thương phẩm.

Về Tập đoàn Orion, ông Trường cho biết, ngay sau khi vào Việt Nam thì đã đến nhiều địa phương, tìm nhiều những đối tác trong Nam ngoài Bắc để tạo vùng nguyên liệu khoai tây theo hướng sản xuất hàng hóa. Và rồi Viện Sinh học nông nghiệp được Tập đoàn xác định là đối tác lâu dài. Lý do Viện có công trình nghiên cứu về khoai tây và có trách nhiệm với cộng đồng. Về phía Viện, cũng xác định mối quan hệ với Tập đoàn Orion là nhân duyên, để gắn kết bền chặt. Tập đoàn Orion ủy quyền cho Viện chịu trách nhiệm sản xuất giống, xây dựng vùng nguyên liệu, tập huấn cho người nông dân, thực hiện thu mua, đóng gói sản phẩm theo tiêu chí của Nhà máy. Tập đoàn có trách nhiệm kiểm tra sản phẩm, vận chuyển về nơi bảo quản.

Quy mô sản xuất của Tập đoàn Orion gồm 2 nhà máy ở Bắc Ninh và Bình Dương, chuyên sản xuất đồ ăn nhanh. Nếu hoạt động hết công suất, sẽ tiêu thụ đến 100 tấn/ngày. Tính ra, một năm, tối thiểu sẽ cần đến 36.000 tấn khoai tây nguyên liệu. Tập đoàn cũng đang dự kiến sẽ xây dựng ở miền Bắc – là vùng nguyên liệu chính – thêm một nhà máy. Vì vậy, nhu cầu khoai tây nguyên liệu của Tập đoàn Orion sẽ lớn hơn rất nhiều trong tương lai. “Tôi có thể tự tin nói rằng người nông dân tham gia trồng cây khoai tây hoàn toàn không phải lo về đầu ra. Đây là sản xuất nông nghiệp bền vững, sẽ không có tình trạng được mùa mất giá…”, Viện trưởng Nguyễn Xuân Trường khẳng định.

Chiếc máy làm đất trị giá 450 triệu đồng Tập đoàn Orion tặng HTX Nông nghiệp Diễn Phong.
Chiếc máy làm đất trị giá 450 triệu đồng Tập đoàn Orion tặng HTX Nông nghiệp Diễn Phong.

Ông cũng kể rằng, việc ông và Viện Sinh học nông nghiệp “nên duyên” với Nghệ An là một câu chuyện thú vị. Ấy là vào năm 1996, ông và Phó Giám đốc Sở KH&CN Hoàng Nghĩa Nhạc (thời đang công tác tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN) có một thời gian cùng nhau nghiên cứu phát triển giống cây khoai tây theo mô hình nuôi cấy mô cho Sở KH&CN Nghệ An. Mô hình này chỉ nhằm chứng minh việc nuôi cấy mô có thể sản xuất giống khoai tây sạch bệnh tại Việt Nam. Sau khi mô hình thành công, mỗi người một công việc nên nhiều năm không gặp lại. Cho đến năm 2018, tình cờ hội ngộ, ông đã trao đổi với ông Hoàng Nghĩa Nhạc việc Viện Sinh học nông nghiệp đang thực hiện chương trình lớn về khoai tây, muốn thông qua Sở KH&CN thực hiện tại Nghệ An. Thế rồi Sở KH&CN Nghệ An nhận lời, giao cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN phối hợp cùng Viện viết dự án sản xuất khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp khí canh phục vụ cho nguyên liệu chế biến tại tỉnh Nghệ An.

Từ dự án này, người nông dân Nghệ An đã biết để sản xuất được khoai tây sạch bệnh thì phải cần giống như thế nào, phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật gì. Qua 2 năm, cây khoai tây phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ tiếp tục những vụ mùa bội thu, đem lại thu nhập cao. Người dân hiện nay đã tin tưởng Tập đoàn Orion. Các cơ quan của tỉnh cũng vậy, nên đã có những chỉ đạo kịp thời để các địa phương đưa cây khoai tây vào sản xuất vụ đông với diện tích khá lớn. Viện trưởng Nguyễn Xuân Trường nói: “Chúng tôi rất cảm ơn các cơ quan ban, ngành của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là Sở KH&CN vì đã thúc đẩy chương trình này phát triển. Nếu không có những giúp đỡ ấy, chắc chắn Viện sẽ mất thêm nhiều thời gian nữa mới đem được tiến bộ khoa học cùng doanh nghiệp đến với bà con nông dân Nghệ An…”.

Ông Trường cũng cho biết, quá trình thực hiện chương trình liên kết sản xuất khoai tây nguyên liệu thì hiểu người nông dân Nghệ An mong muốn có được giống tốt để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm; mong muốn Tập đoàn Orion giữ chữ tín, chia sẻ không chỉ lúc thuận lợi mà cả lúc khó khăn; mong muốn doanh nghiệp – nhà khoa học đồng hành lâu dài với người nông dân để tạo một sự ổn định trên đồng đất của mình. Sở dĩ vậy vì đã có không ít doanh nghiệp làm bà con thất vọng. “Chúng tôi sẽ chủ động trong mọi hoạt động để người nông dân Nghệ An gắn kết lâu dài với mình…”, ông Trường kết thúc câu chuyện.

Ở Diễn Phong, chúng tôi có cuộc nói chuyện với Bí thư Đảng ủy xã, ông Liễu Phi Kha. “Sông không đến, bến không vào” là lời của ông Kha nói về hạn chế địa lý của Diễn Phong, dẫn đến không thể phát triển công nghiệp – thương mại như các địa phương khác trên địa bàn. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền nơi đây xác định phải tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp. Định hướng rõ ràng để từ đó, Đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết, mà vai trò của cấp ủy, chính quyền là phải làm cầu nối, gây dựng cho được mối quan hệ giữa 4 nhà: Nhà nông – Nhà nước – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp.

Cấp ủy, chính quyền xã Diễn Phong đã mất thời gian tìm kiếm, kết nối với một số doanh nghiệp, nhưng nhìn lại chỉ có mô hình liên kết cùng Tập đoàn Orion là thực sự đạt được hiệu quả, từ quy mô, hình thức thực hiện, cho đến thanh toán hợp đồng. Những kết quả này, thể hiện được vai trò của Nhà nước giúp người dân gắn kết với nhà khoa học và doanh nghiệp. Bí thư Đảng ủy Liễu Phi Kha nói: “Trăn trở với vụ đông, Diễn Phong đã sớm chuyển dịch cây trồng từ cây ngô sang cây rau. Hiện nay cây rau đã đứng chân được, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm cực kỳ khó khăn. Có những giai đoạn rất phức tạp, phải kêu gọi giải cứu. Hai năm qua xã tiếp cận được mô hình trồng khoai tây cho những kết quả rất tốt. Năm nay kế hoạch trồng 30 ha nhưng đạt 40 ha, san sẻ diện tích cho các loại cây rau màu khác. Với mô hình này, các khâu giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm đã có các cơ quan khoa học, doanh nghiệp lo cho trọn vẹn, người dân chỉ việc tập trung sản xuất. Vì vậy, cấp ủy chính quyền xã sẽ làm tất cả để mối quan hệ giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp được duy trì tốt hơn, mở rộng được diện tích trong những mùa vụ tới…”.

Nắm bắt số liệu diện tích cây khoai tây trắng vụ đông năm 2021, được biết ở huyện Diễn Châu, cùng với xã Diễn Phong có các xã Diễn Trung, Diễn Thành, Diễn Mỹ, Diễn Lộc… tham gia chương trình liên kết phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ từ nguồn giống khoai tây trắng sạch bệnh bằng công nghệ khí canh diện tích gần 130 ha. Bên cạnh đó, xã Tây Hiếu (TX. Thái Hòa) tham gia 16,5 ha; xã Thuận Sơn (Đô Lương) tham gia 9,8 ha; xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) tham gia 10 ha; xã Xuân Lam (Hưng Nguyên) tham gia 10 ha; xã Thanh Yên (Thanh Chương) tham gia 8,9 ha; xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ) tham gia 5 ha; xã Nghi Phương (Nghi Lộc) tham gia 7 ha. Tính ra, tổng diện tích cây khoai tây trắng vụ đông năm 2021 trên địa bàn toàn tỉnh đã lên đến khoảng 200 ha.

Ngày 14/1/2022, liên hệ với Phó Giám đốc Sở KH&CN – Ông Hoàng Nghĩa Nhạc qua điện thoại, được ông cho biết đang cùng các cán bộ trong đơn vị trên đường vào Mường Ải (Kỳ Sơn), là xã vùng cao khó khăn mà Sở KH&CN nhận giúp đỡ. Chập chờn sóng điện thoại, xen cùng tiếng nói cười là câu trả lời của ông: “Đến nay mình chắc chắn rằng, người nông dân của tỉnh ta sẽ gắn bó cùng cây khoai tây Alantic và Tập đoàn Orion. Quan trọng là ở điểm này…”.

Cây khoai tây trắng trên đất Diễn Phong (Diễn Châu).
Cây khoai tây trắng trên đất Diễn Phong (Diễn Châu).