Khoán xe công, tiết kiệm 3.400 tỷ đồng/năm

09/03/2017 10:35

Khoán chi phí sử dụng xe công, ước tính số lượng xe công sẽ giảm hơn 10.500 chiếc. Như vậy, ngân sách mỗi năm dự kiến bớt chi khoảng 3.400 tỉ đồng tiền vận hành số xe trên.

Khoán xe công, tiết kiệm 3.400 tỉ đồng/năm
Số xe công hiện phục vụ các chức danh (bí thư, bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch...) và dự kiến còn lại sau khi khoán chi phí sử dụng xe công (không còn thứ trưởng, phó bí thư, chủ tịch HĐND - UBND...). Ảnh: Tự Trung.

Tổng số ôtô công của cả nước tính đến cuối năm 2016 là 34.241 chiếc. Trong đó xe phục vụ chức danh là 864, xe phục vụ công tác chung là 17.047 và xe chuyên dùng là 16.330 chiếc.

Đó là thông tin được ông Trần Đức Thắng, cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính, cho biết tại cuộc họp báo về cơ chế khoán xe công chiều 8/3.

Bắt buộc khoán chi phí sử dụng xe công

Theo ông Thắng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, số xe công phải giảm 30-50% so với mức hiện hành.

Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo quyết định sửa đổi quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn định mức sử dụng xe công.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, trưởng các ban Đảng, ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng... và các chức danh có hệ số lương khởi điểm từ 9,7 trở lên mới được trang bị xe công.

Còn những lãnh đạo là thứ trưởng, phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, phó trưởng ban của Đảng ở trung ương, phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, phó chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao... và các chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên thì phải thực hiện khoán, tức là bắt buộc kinh phí đưa đón từ nơi ở đến cơ quan.

Trường hợp đi họp và công tác thì vẫn sử dụng xe công là xe phục vụ công tác chung để đưa đón.

Ngân sách sẽ không chi tiền để trang bị xe phục vụ các lãnh đạo này nữa. Ước tính số lượng xe công phục vụ chức danh giảm 684 xe, tức là cả nước chỉ còn hơn 180 xe.

Về tiền khoán xe, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án trình Chính phủ áp dụng cơ chế khoán 6,5 triệu đồng/tháng/người.

Mức này sẽ được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm 20%. Về việc chọn định mức khoán này, ông Thắng giải thích là căn cứ mức khoán mà Bộ Tài chính đang áp dụng đối với các thứ trưởng và tổng cục trưởng như mức khoán tối đa là 10 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất 3 triệu đồng/người/tháng.

Nên mức 6,5 triệu đồng/người/tháng là phù hợp. Tiền khoán xe sẽ được chuyển thẳng vào lương hằng tháng. Phương án thứ hai là sẽ khoán 16.000 đồng/km.

Thừa nhận mức khoán này cao hơn giá taxi, ông Thắng phân tích tính theo tiêu chuẩn xe giá trị 1,1 tỷ đồng mà các chức danh này được sử dụng nên đưa ra mức dự kiến 16.000 đồng/km.

Nhìn tổng thể bài toán chi phí vận hành một xe công là 320 triệu đồng/năm (gồm chi phí bảo dưỡng, xăng xe, lương cho lái xe...) thì ước tính với mức khoán này chi phí giảm còn một nửa.

Khoán xe công, tiết kiệm 3.400 tỉ đồng/năm
Theo Bộ Tài chính, bắt buộc khoán xe công sẽ giúp giảm khoảng 684 xe phục vụ chức danh và tối đa 10.000 xe phục vụ công tác chung, ngân sách không phải chi hàng ngàn tỷ đồng để mua xe. Ảnh: Tự Trung.

Giảm 42-62% xe phục vụ công tác chung

Ông Thắng cho biết đối với xe phục vụ công tác chung, hiện có đến hơn 17.000 chiếc.

Và để đảm bảo tiết giảm số lượng xe, Bộ Tài chính cũng muốn siết, như những đơn vị cục, vụ thuộc các bộ, ngành ở cơ quan trung ương có biên chế dưới 50 người thì được trang bị 1 xe/2 đơn vị.

Còn có biên chế trên 50 người thì được trang bị tối đa 1 xe/đơn vị.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đặt ra phương án 2 là trường hợp biên chế dưới 50 người thì 3 đơn vị mới được trang bị 1 ôtô, biên chế trên 50 người thì 1 xe/2 đơn vị.

Còn xe phục vụ công tác chung ở các địa phương như văn phòng UBND, văn phòng HĐND thì được tăng lên 4 xe, tức là thêm 2 xe so với hiện nay.

Đây là những cơ quan có khoảng chục chức danh được sử dụng xe công. Và thực tế, thời gian qua việc giảm số lượng xe cũng chưa thực sự phù hợp, đảm bảo tốt nhất công việc. Văn phòng tỉnh ủy sẽ được trang bị tối đa 2 xe.

Ông Thắng cũng cho biết ước tính tổng số xe địa phương giảm 42 - 62%, ước tính khoảng 7.160 - 10.560 xe, tùy theo phương án.

Dù không trả lời cụ thể về hiệu quả kinh tế khi áp dụng mức khoán chi phí đưa đón xe công và việc cắt giảm số lượng xe công phục vụ công tác chung là bao nhiêu, nhưng ông Thắng cho biết là rất lớn.

Bộ Tài chính sẽ tính cụ thể khi trình lên Thủ tướng Chính phủ. Song, ước tính với việc giảm 684 đầu xe phục vụ chức danh và tối đa là 10.000 xe phục vụ công tác chung thì riêng khoản chi phí để vận hành lượng xe này, ngân sách cắt giảm được 3.400 tỷ đồng mỗi năm.

Mặt khác, với giá mua xe bình quân 800 triệu đồng/chiếc thì ngân sách cũng không phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để mua xe.

Theo ông Trần Đức Thắng, một trong những phương án xử lý xe dôi dư sau khi khoán xe công là bán đấu giá, nộp vào ngân sách nhà nước.

Nhiều ý kiến ủng hộ khoán xe công

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nói rằng vấn đề tiết kiệm trong sử dụng xe công hiện nay phụ thuộc trước hết vào ý thức của người có chế độ được xe công đưa đón, đồng thời là việc giám sát quá trình sử dụng xe.

“Việc lạm dụng xe công vào việc tư là có thật, nhưng không phải tất cả những người thuộc diện được đưa đón đều lạm dụng.

Tôi đang sử dụng một chiếc xe công đã rất cũ và tôi sẵn sàng nhận khoán với điều kiện có văn bản pháp luật quy định hợp lý, công bằng với mọi đối tượng. Việc phục vụ công tác, họp hành sau khi khoán xe phải được tính toán hợp lý, thuận lợi” - ông Lợi nói.

Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết trước đây ông tự lái xe riêng đi làm và cũng có ý định nhận khoán theo cơ chế của Văn phòng Quốc hội đang thực hiện (10 triệu đồng/tháng), nhưng sau một thời gian thì ông cũng đăng ký nhận xe công.

“Tôi thấy tự lái xe đi làm không tiện, bởi trên đường đi vẫn phải suy nghĩ công việc, phải nghe nhiều cuộc điện thoại. Sự phân biệt giữa xe biển trắng, biển xanh cũng gây phiền hà.

Có lần tôi đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đi họp, gác cổng nói xe biển trắng không được vào sân trong nên tôi phải để xe ngoài vỉa hè. Tôi ủng hộ mọi chính sách tiết kiệm công sản” - ông Nhưỡng bày tỏ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha tâm sự: “Nếu khoán xe công một cách đồng bộ, thật sự tiết kiệm, hiệu quả thì tôi sẵn sàng nhận khoán. Tôi có thể đi làm bằng xe máy, taxi. Khi báo chí, dư luận đề cập tình trạng sử dụng xe công không đúng mục đích thì những người nghiêm túc trong việc sử dụng xe cũng chạnh lòng, cảm thấy như bị xúc phạm”.

Theo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN

Khoán xe công, tiết kiệm 3.400 tỷ đồng/năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO