Khoảng lặng trước bão
(Baonghean) - Chút lặng yên thoáng qua đôi khi lại là tín hiệu của một đợt giông tố sắp ập đến, và những người trong cuộc phải hết sức cảnh giác với diễn biến tình hình.
Đó đã và sẽ là tình cảnh mà Tây Ban Nha nói chung và Catalonia nói riêng phải đối diện sau nỗ lực xuống thang căng thẳng chưa kịp lóe sáng đã vội tan biến. Và đó cũng là sự bất ổn tại Washington khi ông chủ của họ “lấp lửng” về tương lai thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký với Iran.
Cảnh sát Tây Ban Nha đụng độ với người dân ngoài điểm bỏ phiếu trưng cầu ý dân tại Barcelona hôm 1/10. Ảnh: AFP |
Catalonia chưa yên
Cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất tại Tây Ban Nha trong nhiều thập niên qua tưởng như đã xuất hiện tín hiệu cho thấy các bên đang tìm cách tháo ngòi căng thẳng sau khi Madrid đưa ra lời xin lỗi đầu tiên với người dân Catalonia bị thương do va chạm với cảnh sát trong cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp. Tuy nhiên, chuyện không hề đơn giản, thậm chí còn có khả năng xảy ra thêm nhiều vụ biểu tình hơn, kéo dài bất ổn ở khu vực Đông Bắc đất nước - địa điểm du lịch có dân số 7,5 triệu người, chiếm 1/5 nền kinh tế Tây Ban Nha.
Các nhà lãnh đạo Catalonia đã dọa đơn phương tuyên bố độc lập còn Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy lại cam kết ngăn chặn, bác mọi yêu cầu hòa giải tranh chấp. Những người ủng hộ ly khai đã kêu gọi biểu tình trên khắp lãnh thổ Tây Ban Nha và một cuộc biểu dương lực lượng quy mô đã diễn ra tại Barcelona hôm 7/10.
Cùng ngày, những người ủng hộ đối thoại để chấm dứt khủng hoảng cũng lên kế hoạch gặp gỡ trong nỗ lực gây sức ép lên các thị trưởng trên toàn quốc. Sáng kiến chưa có tên này lan tỏa khắp mạng xã hội, kêu gọi thúc đẩy đối thoại.
Ấy thế mà chỉ 1 ngày trước đó, ngày 6/10 chứng kiến những tín hiệu đầu tiên cho thấy khả năng các bên đã sẵn lòng lùi lại khỏi bờ vực xung đột chính trị đe dọa gây bất ổn cho châu Âu. Sau nhiều ngày với giọng điệu không mấy vui vẻ, chính quyền trung ương Tây Ban Nha cho biết hối tiếc về thương vong và đề xuất Catalonia tổ chức bầu cử khu vực để giải quyết khủng hoảng.
“Tôi không thể làm gì hơn ngoài việc hối tiếc, thay mặt các sỹ quan cảnh sát có liên quan nói lời xin lỗi” tới những người bị thương trong vụ xô xát hôm trưng cầu ý dân cuối tuần trước, đại diện chính phủ Tây Ban Nha tại Catalonia Enric Millo cho hay.
Trong khi đó, người đứng đầu Catalonia là Santi Vila trong khi đó lại nói rằng, phe cánh của ông có thể cân nhắc “ngừng bắn” trong tranh chấp này, để tránh đợt trấn áp tiếp theo của Madrid.
Theo báo chí phương Tây, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã lệnh đình chỉ cuộc ly khai dự kiến diễn ra ngày 9/10 tới tại nghị viện Catalonia, nơi một số nhà lãnh đạo sẽ kêu gọi tuyên bố độc lập. Nếu kịch bản ly khai trên xảy ra, không nghi ngờ gì Tây Ban Nha rất có thể sẽ phản ứng bằng việc đình chỉ trạng thái tự trị hiện nay của khu vực này, áp quyền cai trị trực tiếp từ Madrid.
Đó là chưa kể trên mặt trận khác, bởi chính phủ tại Madrid đã thúc đẩy biện pháp gây sức ép lên Catalonia về mặt kinh tế, thông qua nghị quyết cho các doanh nghiệp chuyển trụ sở sang khu vực khác dễ dàng hơn.
Thông qua đó, giới chức Catalonia sẽ bị đặt vào thế phải rất thận trọng và cân nhắc kỹ khi đưa ra quyết định, tránh đẩy người dân vào cảnh khốn cùng, vừa bất ổn về chính trị, vừa khó khăn về kinh tế. Trong thời gian ngắn hạn có lẽ dư luận vẫn tiếp tục phải chứng kiến hình ảnh một Catalonia chưa yên, khi mà 2 bên chưa chịu nhún nhường và xuống thang hiệu quả.
Donald Trump có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tuần tới. Ảnh: AP |
Sắp cấm thỏa thuận hạt nhân Iran?
Ngày làm việc cuối của tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump không biết hữu ý hay vô tình đã thổi bùng tâm trạng thiếu chắc chắn đang lơ lửng trên bầu trời Washington khi sử dụng một bức ảnh tập thể trước bữa tối cùng các nhà lãnh đạo quân sự và gia quyến, nhằm ngầm cảnh báo rằng buổi tiệc tối hôm ấy đại diện cho “khoảng lặng trước cơn bão”.
Khi ký giả đặt câu hỏi, chủ nhân Nhà Trắng chỉ nói: “Rồi anh sẽ biết”, mà không đề cập rõ liệu ông đang đe dọa động thái quân sự, hay đơn thuần chỉ đang “xới” thêm căng thẳng mà thôi. Câu nói có vẻ như hết sức mơ hồ của Trump đã thu hút sự quan tâm của dư luận, khiến thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders phải nhiều lần từ chối giải thích rõ, song vô tình vẫn để lộ “từ khóa” Iran và Triều Tiên khi bị phóng viên “hỏi xoáy”.
Theo Guardian, Mỹ hiện đang trong thời kỳ căng thẳng hạt nhân với Triều Tiên, thậm chí có xu hướng tăng ở vùng Vịnh nếu Trump phủi tay sạch trơn khỏi thỏa thuận hạt nhân. Cũng hôm 6/10, một số kênh truyền thông xác nhận điều vốn bị nghi ngờ lâu nay tại Washington và các thủ đô nước ngoài: đó là Trump sẽ bác bỏ các phụ tá an ninh quốc gia cấp cao của mình và sẽ không chứng nhận thỏa thuận hạt nhân quốc tế 2015 ký với Iran, với lý do nó không phục vụ lợi ích an ninh của Mỹ.
Nếu điều này đúng như dự kiến diễn ra vào tuần tới, thì nó sẽ kích hoạt quãng thời gian 60 ngày để Quốc hội tái áp đặt trừng phạt. Trong trường hợp họ quyết định làm vậy thì sẽ khiến thỏa thuận từng được đánh giá mang tính lịch sử sụp đổ, đồng thời quay trở lại tình trạng bế tắc căng thẳng tại Trung Đông về chương trình hạt nhân Iran.
Đâu chỉ có vậy, việc thỏa thuận Iran không được chứng nhận cũng đe dọa châm ngòi cho một cuộc đối đầu hạt nhân thứ 2 trong thời điểm Mỹ đã sẵn sàng tham gia cùng Triều Tiên. Minh chứng là, khủng hoảng đó đã leo thang gần đây, mà đơn cử như vụ thử hạt nhân thứ 6 của Bình Nhưỡng, chuỗi thử tên lửa tầm trung và liên lục địa, và cuộc khẩu chiến giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Trung…
Mỹ cần hết sức cảnh giác, bởi một mối đe dọa thoạt trông không quá ghê gớm, song chỉ cần đưa ra sai thời điểm, cũng có thể khiến tình hình vượt ngoài sức tưởng tượng.
Phú Bình
TIN LIÊN QUAN |
---|