Khoảnh khắc của Anh hùng Cao Như Thiêm
Một khoảnh khắc ngắn trong giây phút cuối đời mình… Cao Như Thiêm đã toả sáng phẩm cách anh hùng. Và dù muộn mằn, hơn 40 năm sau, ngày 22/4/2010… Liệt sỹ Cao Như Thiêm đã được Đảng, Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ.
(Baonghean) - Một khoảnh khắc ngắn trong giây phút cuối đời mình… Cao Như Thiêm đã toả sáng phẩm cách anh hùng. Và dù muộn mằn, hơn 40 năm sau, ngày 22/4/2010… Liệt sỹ Cao Như Thiêm đã được Đảng, Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ.
|
“Biết không khuất phục được anh, bọn giặc dựng anh dậy, tựa lưng vào gốc đa và lùi lại. Thiêm nghĩ chúng sẽ bắn mình, nên anh cố đứng thẳng, xoay người về phương Bắc hô lớn : Đảng Lao động Việt Nam muôn năm, Bác Hồ muôn năm, Việt Nam nhất định thắng…
Tiếng hô của anh vang lên, gấp gáp như cùng lúc với tiếng súng kẻ thù từng loạt ghim chi chít vào cơ thể Cao Như Thiêm , người Đảng viên, người chiến sỹ ưu tú của trung đoàn 27, người con yêu quý của quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam trong trận đánh đầu tiên của Trung đoàn tại mặt trận Quảng Trị những năm tháng chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược…” (Trích Lịch sử Trung đoàn 27 Triệu Hải – trang 28)
Trên đây là đoạn trích trong trang 28 - Lịch sử Trung đoàn 27 Triệu – Nhà XBQĐND (tái bản 2008) kể về khoảnh khắc hy sinh của một ngưòi lính trung đoàn ngay tại trận đánh đầu tiên của đơn vị tại chiến trường Bắc Quảng Trị. Đó là thượng sỹ Cao Như Thiêm, đại đội 2, tiểu đoàn 2 Trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh (nay là trung đoàn 27 Triệu Hải - Sư đoàn 390 Quân đoàn 1).
Điều kỳ lạ, câu chuyện về khoảnh khắc cuối cùng của một người chiến sĩ quân giải phóng lại được chính những binh sỹ phía bên kia trận tuyến kể lại với sự ngưỡng phục. Chắp nối những câu chuyện của những người dân Đông Hà truyền nhau những mẩu chuyện nghe được từ những binh sĩ nguỵ sau khi rút chạy về thị trấn kể lại. Hôm đó (6/3/1968), sau khi bị một đại đội quân giải phóng diệt gọn cả toán thám báo nguỵ, bọn lính nguỵ được tăng viện thêm 2 đại đội “kỵ binh bay” Mỹ, chia thành nhiều hướng đánh thẳng vào chốt của quân ta. Trong thế trận không cân sức, một tổ 3 người đối mặt với hàng trăm tên lính Mỹ, Cao Như Thiêm đã bình tĩnh chỉ huy tổ của mình quyết liệt đánh bật từng đợt phản kích của địch. Giằng co từng tấc trận địa, hai chiến sỹ lần lượt hy sinh. Cao Như Thiêm cũng trúng đạn vào chân nhưng vẫn bình tĩnh điểm từng loạt đạn vào quân địch. Đóan người chiến sỹ giải phóng bị thương nên chỉ nằm một vị trí chiến đấu, bọn địch hùa nhau bao vây bắt sống. Tuy nhiên, mỗi lần xộc tới, bọn địch vẫn phải chùn lại trước những loạt đạn căng cứng, dai dẳng của người lính giải phóng. Cho đến khi thấy không còn tiếng súng, đoán đối phương đã bắn đến viên đạn cuối cùng, bọn địch mới ùa lên. Bắt được Cao Như Thiêm, sau một trận đấm đá tàn ác vào cơ thể sũng máu từ vết thương, bọn địch hết hăm doạ đến dụ dỗ anh khai phiên hiệu và quân số đơn vị... Nhưng đáp lại là thái độ bình thản trong im lặng của người chiến sỹ giải phóng.
Trong cuộc hành hương “Ấm rừng đồng đội” về Quảng Trị, ngày 27/ 7/2010 các đồng đội
cùng thời đã đến thắp hương viếng Anh hùng LS Cao Như Thiêm
tại di tích Đình làng Gia Bình (Gio An).
Ảnh: Lê Bá Dương
Biết không khuất phục được anh, bọn giặc dựng anh dậy, tựa lưng vào gốc đa và lùi lại. Thiêm nghĩ chúng sẽ bắn mình, anh dồn hết sức lực còn lại, đứng thẳng, xoay người về phương Bắc hô lớn :
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm, Bác Hồ muôn năm, Việt Nam nhất định thắng…
Tiếng hô của anh vang lên, gấp gáp như cùng lúc với tiếng súng kẻ thù từng loạt ghim chi chít vào cơ thể Cao Như Thiêm, người đảng viên, người chiến sỹ ưu tú của Trung đoàn 27, người con yêu quý của quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam trong trận đánh đầu tiên của Trung đoàn tại mặt trận Quảng Trị những năm tháng chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Chiến tranh một mất một còn, trong suốt chặng đường kháng chiến, rất nhiều những tâm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ đã góp những chiến công xây nên truyền thống Trung đoàn Anh hùng. Song không ai trong những người lính từng kề vai sát cánh, dầm bom, đội đạn những ngày gian nan trận mạc thời đó có thể quên được khoảnh khắc hy sinh trong tư thế, khí phách anh hùng của Cao Như Thiêm. Và chính khoảnh khắc anh hùng đó, đã không chỉ loé sáng, mà còn trở thành tấm gương cho các thế hệ cán bộ chiến sỹ trung đoàn tiếp tục đi hết chiều dài của công cuộc chiến tranh giải phóng.
Sinh ngày 23/8/1945 tại xã Diễn Thọ, Huyện Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1965, Cao Như Thiêm tốt nghiệp trung cấp thuỷ lợi, được phân công phụ trách kỹ thuật nông nghiệp cho hợp tác xã. Trong phong trào bám ruộng lội đồng, chắc tay cày, hay tay súng.. Ngoài công việc của một cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, Cao Như Thiêm còn tích cực than gia công tác đoàn. Và với phẩm chất trong sáng, tinh thần trách nhiệm trong công tác chuyên môn cũng như sự sự năng động trong hoạt động xây dựng đoàn thể, ngay đầu tháng 3/1966, Cao Như Thiêm được kết nạp vào đội ngũ Đảng Lao động Việt Nam. Ngay sau khi được công nhận đảng viên chính thức (9/1966), tháng 10/1966, người bí thư đoàn xã Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An đã được bầu vào đảng uỷ xã Diễn Thọ.
Thế hệ trẻ Trung đoàn 27. Ảnh: Lê Bá Dương
Trong những năm cuối thập kỷ 60, từ nhu cầu xây dựng và phát triển các đơn vị quân đội trực tiếp chiến đấu trên các mặt trận, tháng 12/1967 Cao Như Thiêm nhập ngũ theo chế độ điều động cán bộ đảng viên tăng cường cho quân đội. Và sau thời gian xây dựng đơn vị tại C2/D3 Tỉnh đội Nghệ An, anh được điều về đại đội 2, tiểu đoàn 2, trung đoàn 27, mặt trận B5. Và Ngày 6/3/1968, trong trận đánh đầu tiên của Trung đoàn 27 tại làng Gia Bình (Gio An, Gio Linh, Quảng Trị), Cao Như Thiêm đã hoá thân mình vào khoảnh khắc anh hùng của ngưòi chiến sỹ giải phóng quân.
Từ câu chuyện về khoảnh khắc hy sinh của người chiến sỹ giải phóng, ngay sau ngày giải phóng, đồng bào địa phương Gia Bình đã đều đặn thắp hướng giỗ vọng tại nơi Cao Như Thiêm và đồng đội của anh hy sinh. Và với tâm niệm: “thờ liệt sỹ trong lòng dân” thay vì xây bia liệt sỹ, các đồng đội đã vận động nhà đầu tư xây tặng cho dân làng một ngôi đình và gửi tấm bia ghi công liệt sỹ ngay trước sân đình, để ngày một, hôm rằm… trong đình có hương, ngoài bia có hoa… thứ bậc tiền hiền, hậu hiền.. ngày nối ngày luôn ấm khói hương.
Vâng, vỏn vẹn 3 tháng trong đội hình trung đoàn. Vỏn vẹn một khoảnh khắc ngắn trong giây phút cuối đời mình… Cao Như Thiêm đã toả sáng phẩm cách anh hùng. Và dù muộn mằn, hơn 40 năm sau, ngày 22/4/2010, Liệt sỹ Cao Như Thiêm đã được Đảng, Nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ.
Lê Bá Dương