Khơi dậy nghị lực 'Người nghèo dũng cảm' để thoát nghèo bền vững
(Baonghean.vn) - Thực trạng người nghèo muốn mình thuộc diện hộ nghèo để hưởng các chính sách từ Nhà nước vẫn đang tồn tại. Cách làm hiện nay tại các địa phương, chuyển người nghèo từ đối tượng sang chủ thể, đã, đang khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của chính người dân.
Chủ thể thoát nghèo
Ở xã Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu), anh Hồ Sỹ Giáp, một mình nuôi con và bản thân sức khỏe không đảm bảo. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, trên cơ sở tuyên truyền, vận động, hỗ trợ của MTTQ huyện và xã bằng vốn vay 30 triệu đồng không lấy lãi trong vòng 3 năm cùng với định hướng lựa chọn mô hình sinh kế, anh Giáp cam kết vươn lên thoát nghèo. Lứa vịt đầu tiên 700 con, anh đã xuất bán vào hồi cuối tháng 3/2022, thu về hơn 55 triệu đồng; lứa 2 dự kiến sẽ bán vào đầu tháng 6/2022 tới. Để có thể giảm nghèo bền vững, anh cũng chia sẻ mong muốn có thêm nguồn vốn hỗ trợ vay để chăn nuôi bò sinh sản.
Mô hình sinh kế chăn nuôi vịt tại xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu bước đầu cho hiệu quả. Ảnh: Mai Hoa |
Cùng ở xã Quỳnh Lâm, gia đình chị Nguyễn Thị Luyến cũng không khá hơn khi chồng và con đều hưởng chế độ 202, quanh năm ốm đau nằm viện. Cuộc sống gia đình 4 con người đè lên người “trụ cột” là chị, vừa làm ruộng, vừa làm thợ nề bữa có, bữa không. Hoàn cảnh đó, dù ngôi nhà cấp 4 đã được xây dựng hàng chục năm nhưng cũng không có điều kiện làm lại. Chị Nguyễn Thị Luyến tâm sự: Đời người khó nhất là làm nhà. Giờ có MTTQ huyện, xã cùng anh em họ tộc, xóm làng hỗ trợ; có nhà rồi, cố gắng chăn nuôi, tìm việc làm thêm khi nông nhàn, vả lại con trai thứ 2 cũng sẽ học xong cấp 3 vào năm sau, nghĩa là có thêm lao động trong nhà nên cam kết thoát khỏi hộ nghèo vào năm 2023 chắc chắn làm được.
Gia đình anh Hồ Sỹ Giáp và chị Nguyễn Thị Luyến là 2 trong hơn 500 hộ nghèo ở huyện Quỳnh Lưu đã “dũng cảm” đăng ký và cam kết thoát nghèo trên cơ sở đồng hành, hỗ trợ của MTTQ từ năm 2020 đến nay.
Đồng chí Phạm Thị Hải Yến - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quỳnh Lưu cho biết: Chương trình “Người nghèo dũng cảm” do MTTQ huyện phát động từ đầu tháng 2/2020. Trên cơ sở rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân loại nguyên nhân nghèo của từng hộ, ở cấp xã tổ chức hội nghị hoặc đến từng hộ nghèo tuyên truyền, vận động, nâng cao sự tự trọng của người nghèo, không ỷ lại cơ chế, chính sách của Nhà nước. Ở cấp huyện tổ chức Hội nghị “Giải pháp giảm nghèo bền vững”, quy tụ những người nghèo có những phương án, kế hoạch thoát nghèo được xây dựng bài bản, khả thi thuộc nhiều lĩnh vực, loại hình để trao đổi, tìm phương án khả thi nhất trong thực tiễn.
Lãnh đạo MTTQ huyện Quỳnh Lưu nắm bắt nhu cầu của người dân trong triển khai hỗ trợ sinh kế. Ảnh: Mai Hoa |
Các hoạt động nêu trên đã làm thay đổi tư duy, nhận thức và tạo vững tin cho người nghèo sẵn sàng đăng ký, cam kết thoát nghèo với sự đồng hành, hỗ trợ của MTTQ. Căn cứ đơn đăng ký phương án sản xuất, nhu cầu hỗ trợ và cam kết thoát nghèo của hộ nghèo, MTTQ huyện cùng với xã tiến hành hỗ trợ. Như hỗ trợ giới thiệu học nghề gắn với hỗ trợ vốn để mở cơ sở sản xuất, kinh doanh sau học nghề; hỗ trợ vốn vay không lấy lãi để chăn nuôi hay đầu tư buôn bán; thiếu tư liệu sản xuất thì được hỗ trợ mô hình sinh kế chăn nuôi bò, hươu, vịt; hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết”…
Thông qua chương trình “Người nghèo dũng cảm” đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy và ý chí vươn lên thoát nghèo của chính người nghèo.
Thực trạng người nghèo muốn mình thuộc diện hộ nghèo để hưởng các chính sách từ Nhà nước đang tồn tại lâu nay ở các địa phương trong tỉnh. Cách làm của huyện Quỳnh Lưu thông qua Chương trình “Người nghèo dũng cảm” thời gian qua đã chuyển người nghèo từ đối tượng sang chủ thể thoát nghèo; nghĩa là người nghèo phải thực sự vào cuộc, chủ động, hăng hái vươn lên làm cho mình thoát nghèo, chứ không phải là đối tượng để các cấp, các ngành và các xã hội chăm lo với các chính sách cho không, tạo sự thụ động, tâm lý trông chờ, ỷ lại.
Cánh đồng rau ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Ảnh: Tư liệu |
Ở huyện Thanh Chương cũng triển khai “Ngân hàng giống chăn nuôi” để hỗ trợ những hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện và kinh nghiệm chăn nuôi, đặc biệt là có ý chí, mong muốn thoát nghèo và có cam kết chăn nuôi con giống tối thiểu đến năm 2025 để hỗ trợ giống. Theo đó, mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nuôi 1 con bò sinh sản hoặc 2 - 5 con dê sinh sản hoặc 2 - 5 con lợn nái; sau 2 năm rưỡi đối với hộ nuôi bò và 20 tháng đối với hộ nhận nuôi dê, lợn phải trả lại 50% giá trị cho giống để MTTQ chuyển hỗ trợ hộ khác.
Sự hỗ trợ từ phía các tổ chức và cộng đồng chỉ mang tính dẫn dắt và người nghèo, cận nghèo đóng giữ vai trò quyết định, vai trò chủ thể trong câu chuyện thoát nghèo.
Ngoài “Ngân hàng giống chăn nuôi”, huyện Thanh Chương còn triển khai hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo mua sắm các công cụ, trạng thiết bị mở các dịch vụ kinh doanh hàng tạp hóa hay rửa xe máy, bơm vá xe máy, xe đạp; hỗ trợ giống cây ăn quả cho những hộ có diện tích vườn nhà có thể trồng từ 20 cây ăn quả trở lên; hỗ trợ hệ thống tưới rau xanh, cây gia vị; hỗ trợ phân bón trồng cây hàng năm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài hỗ trợ bằng vật chất, huyện Thanh Chương cũng huy động MTTQ và các đoàn thể chính trị vào cuộc tư vấn, giúp đỡ hộ nghèo lựa chọn sinh kế phù hợp và quá trình thực hiện các mô hình sinh kế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăn nuôi hay chiến lược sản phẩm kinh doanh…
Huyện Thanh Chương tăng cường hỗ trợ khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế cho người dân. Ảnh: Mai Hoa |
Theo đồng chí Phan Đình Hà - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Chương, mọi sự hỗ trợ từ phía MTTQ, các đoàn thể và cộng đồng chỉ mang tính dẫn dắt và người nghèo, cận nghèo đóng giữ vai trò quyết định, vai trò chủ thể trong câu chuyện thoát nghèo.
Cùng với sự sáng tạo chuyển hướng trong hỗ trợ người nghèo, đưa người nghèo thành chủ thể thoát nghèo ở các địa phương, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ sinh kế cho người nghèo thông qua “Ngân hàng bò” theo hình thức hỗ trợ người nghèo, cận nghèo kinh phí mua con giống, bình quân mỗi hộ 15 triệu đồng, kết hợp với phần đối ứng cấp huyện, cấp xã hỗ trợ thêm và chính người dân cũng có đối ứng bằng việc đầu tư xây dựng chuồng, bỏ công sức chăm nuôi để đảm bảo vật nuôi phát triển.
Sau 3 năm, người nghèo, cận nghèo nhận hỗ trợ có trách nhiệm hoàn trả lại 50% giá trị đã được hỗ trợ đó để có nguồn hỗ trợ cho các hộ khác. Cách làm này làm thay đổi việc hỗ trợ người nghèo từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, từ đó sẽ khắc phục dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong người nghèo, cận nghèo hoặc mong muốn mình thuộc diện hộ nghèo để hưởng chính sách của Nhà nước.
Năm 2021, Ủy ban MTTQ tỉnh đã trích gần 10 tỷ đồng từ Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ cho 1.000 hộ nghèo, cận nghèo thuộc 19 huyện, thị xã trong tỉnh và hỗ trợ thông qua Hội Nông dân tỉnh để xây dựng mô hình sinh kế cho hội viên nông dân nghèo theo chương trình sinh kế.
Lãnh đạo huyện Thanh Chương tìm hiểu nhu cầu sản xuất của người dân. Ảnh: Mai Hoa |
Lồng ghép các nguồn lực giảm nghèo
Giảm nghèo là chủ trương lớn, xuyên suốt và có ý nghĩa chính trị xã hội nhân văn sâu sắc, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là phương châm hành động quyết liệt trong công tác giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thời gian qua.
Hiện nay, yêu cầu giảm nghèo trong giai đoạn mới đòi hỏi hiệu quả cao và bền vững. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng các cấp trong tỉnh cùng với triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị và chuyên đề toàn khóa về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”; tiếp tục đang đặt ra cho cả hệ thống chính trị trăn trở với một tư duy, cách làm khác trong công tác giảm nghèo, để người nghèo, cận nghèo không ỷ lại vào chế độ, chính sách của Nhà nước hay cộng đồng và luôn có khát vọng vươn lên tự thoát nghèo mãnh liệt.
Cần lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ người nghèo, cận nghèo vươn lên, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới.
Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm là giải pháp giảm nghèo bền vững. Ảnh: Mai Hoa |
Bên cạnh ý chí người nghèo thông qua đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, thuyết phục của cả hệ thống chính trị, theo ông Lê Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, các cấp, các ngành cũng cần chung tay hỗ trợ người nghèo, cận nghèo những vấn đề thiết yếu, như hỗ trợ hiệu quả việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; đặc biệt là hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ tư liệu sản xuất, gồm đất đai, con giống, cây giống…
Để làm việc này cần phải có nguồn lực đủ mạnh, bên cạnh nguồn huy động xã hội hóa thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đang tích cực phối hợp với UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể nhằm lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ người nghèo, cận nghèo vươn lên một cách có hiệu quả nhất, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.