Khơi dòng văn học thiếu nhi

Tống Phước Bảo 13/10/2022 15:45

(Baonghean.vn) - Mấy năm gần đây, văn học thiếu nhi dường như bình lặng giữa dòng chảy văn học nước nhà. Các tác giả viết mảng văn học thiếu nhi vẫn còn quá ít, chất lượng tác phẩm vẫn chưa nổi trội, chưa đánh trúng tâm lý độc giả nhí. Giữa rất nhiều hình thức giải trí ngày càng phát triển trên Internet, văn học dành cho thiếu nhi dường như chìm lắng!

Nỗ lực từ các cuộc vận động và giải thưởng

Đầu năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam đã có cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi 5 năm, với nhiều giải thưởng có giá trị. Có thể thấy, đây là quyết định kịp thời và đầy nỗ lực để lan tỏa một dòng sách văn học đến đối tượng được xem là tương lai của đất nước. Chia sẻ những kỳ vọng vào cuộc vận động sáng tác lần này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói: “Tôi nghĩ, cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi sẽ mở ra một giai đoạn mới cho văn học thiếu nhi sau một thời gian dài quá trống vắng. Mở cuộc vận động có tính chiến lược sẽ có khả năng tạo ra những kỳ vọng: tạo cảm hứng mới và trách nhiệm của nhà văn cho đề tài văn học thiếu nhi; tạo ra những thay đổi trong thi pháp, thể loại nhằm đổi mới văn học thiếu nhi; có được những tác phẩm hay ở lĩnh vực văn học thiếu nhi của các nhà văn Việt Nam”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao số tiền ủng hộ cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi cho Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều.

Cuối năm 2021, Giải Mai Vàng lần đầu tiên trao cho 1 tác phẩm văn học, đó là truyện dài “Cà Nóng chu du Trường Sa” của nhà văn Bùi Tiểu Quyên. Đây là cuốn sách được viết sau chuyến trải nghiệm thực tế ở Trường Sa, thu hút đông đảo độc giả nhí và gây dấu ấn trên văn đàn. Ngày 3/10 vừa qua, truyện dài thiếu nhi này cũng được vinh danh giải C ở Giải thưởng Sách Quốc gia lần 5. Nhưng, để có một tác phẩm dành cho thiếu nhi gây hiệu ứng tích cực như vậy là một câu chuyện không phải dễ.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên chia sẻ những yếu tố thu hút độc giả nhí: “Viết cho thiếu nhi luôn là thử thách với người cầm bút. Để có một tác phẩm thu hút bạn đọc nhỏ tuổi, trước hết phải là sự gần gũi, chân thực với thế giới trẻ thơ và ít nhiều gợi được sự tò mò cho các em. Trẻ con hồn nhiên nhưng cũng rất khó tính, đọc những trang đầu, thậm chí là những dòng đầu truyện mà cảm thấy xa lạ, ít khơi gợi trí tò mò, tưởng tượng, mong muốn tìm hiểu khám phá thì có thể các bé sẽ không đọc nữa. Thứ hai chính là sự hài hước. Điều này thuộc về cái duyên kể chuyện của mỗi nhà văn. Việc tạo ra những tình tiết hài hước, gây cười trong tác phẩm vừa mềm hóa câu chuyện, vừa mang đến sự thích thú cho bạn đọc nhỏ tuổi lẫn bạn đọc trưởng thành. Thứ ba, câu chuyện truyền tải thông điệp nhân văn, có ý nghĩa giáo dục cho trẻ nhỏ nhưng không thể khiên cưỡng, áp đặt, giáo điều. Mỗi nhà văn sẽ có những cách kể, cách khai thác đề tài và truyền tải thông điệp khác nhau, nhưng cho dù là như thế nào, vẫn cần phải đặt mình vào góc nhìn/sự tiếp nhận của trẻ nhỏ, hiểu những điều trẻ nhỏ mong muốn và chơi với trẻ con bằng sự sẻ chia, thấu hiểu ấy”.

Học sinh đọc sách trong thư viện trường học. Ảnh: Mỹ Hà

Chung tay khơi dòng

Nếu nỗ lực của người sáng tác mà không có sự chung tay lan tỏa từ những nhà xuất bản, những đơn vị phát hành thì cũng chưa thể tạo hiệu ứng mạnh mẽ cho sách thiếu nhi. Nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách những năm gần đây chưa tập trung vào mảng sách thiếu nhi, chỉ có một số ít quan tâm như Kim Đồng, Linh Lan Books, Sbooks…

Anh Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc của Sbooks là một người trẻ đến với nghề xuất bản sách bằng tâm thế chắp cánh văn chương. Lợi thế của người trẻ khi làm sách là biết áp dụng công nghệ vào quản trị và phát hành để tinh gọn cũng như chuẩn hóa việc đẩy mạnh sách bằng truyền thông. Sbooks cũng là đơn vị mạnh dạn đầu tư cho dòng sách thiếu nhi. Mùa hè năm 2022 vừa qua, Sbooks cũng cho ra đời nhiều đầu sách văn học thiếu nhi như tập thơ “Những ngọn đèn thơm” của nhà văn Hồ Huy Sơn, tập truyện dài “Điều kỳ diệu dưới gốc Anh Đào” của nhà văn Võ Thu Hương...

Học sinh trường Tiểu học Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu tham gia Ngày hội đọc sách. Ảnh: Cảnh Yên

Chia sẻ vì sao mạnh dạn đầu tư vào văn học thiếu nhi và các bước đi của mình, chàng giám đốc trẻ tâm sự: “Sbooks nhận thấy dòng sách viết cho thiếu nhi nắm giữ vai trò quan trọng, chủ chốt trong việc xây dựng văn hóa đọc bền vững của một quốc gia. Quá trình xây dựng văn hóa đọc là một hành trình rất dài và có tính kế thừa, vì vậy Sbooks mong muốn dành tặng nhiều sách thiếu nhi như món quà tri thức, đóng góp vào hành trình nuôi dưỡng tâm hồn, đào tạo trí tuệ đến thế hệ búp măng non”.

Được biết, nhiều ấn phẩm dành cho thiếu nhi đã, đang và sẽ ra mắt phục vụ độc giả nhí. Có thể kể đến tác phẩm "Tuổi thần tiên" và bộ 6 cuốn truyện cho thiếu nhi sắp sửa phát hành đến bạn đọc. Việc chọn lựa, kiểm duyệt những đề tài, chủ đề, nội dung phù hợp với dòng sách thiếu nhi cần phải cẩn thận, chặt chẽ, bởi những ấn tượng sâu sắc trong quá trình đọc sẽ tác động rất lớn đến nền tảng nhận thức của trẻ nhỏ. Trẻ em có những tiêu chí, chuẩn mực đọc đặc thù, vì thế để các bạn nhỏ đón nhận nồng nhiệt các ấn phẩm, các tác giả, nhà xuất bản phải không ngừng nghiên cứu, tìm tòi để chạm đúng vào mối quan tâm, yêu thích của các em. Từ đó, giúp các em kích thích được các giác quan và trí tưởng tượng, khơi dậy niềm đam mê với sách.

Nhưng nếu chỉ từ các cuộc vận động sáng tác, sự nỗ lực của các nhà văn, sự quan tâm của các đơn vị xuất bản, phát hành thì liệu đã đủ để văn học thiếu nhi vượt thoát lối mòn? Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chia sẻ những ý kiến rất thấu đáo: “Trước hết phải có được những tác phẩm thiếu nhi xuất sắc có sức mạnh quyến rũ bạn đọc nhỏ tuổi. Khi có được những tác phẩm xuất sắc thì chúng ta phải tìm mọi cách để những tác phẩm đó đến được bạn đọc nhỏ tuổi. Dự án "Sách miễn phí cho trẻ em miền núi và vùng sâu, vùng xa" là một cách bắt đầu và đã có những tín hiệu tốt. Hội nhà văn Việt Nam mang sách tới tận tay các em thay vì đổ một đống sách vào thư viện hay phòng văn hoá. Những đứa trẻ bắt đầu có quyền sở hữu những cuốn sách. Vì thế sự gắn bó với những cuốn sách đã thay đổi và từng bước chúng sẽ tìm thấy đời sống và giấc mơ của chúng từ những cuốn sách. Cùng với việc đó, chúng ta cần tạo ra các diễn đàn tuyên truyền đọc sách cho trẻ em thông qua gia đình và nhà trường. Nếu cha mẹ và thầy cô thờ ơ với sách thì trẻ em cũng sẽ thờ ơ với sách. Phải làm cho xã hội hiểu một cách máu thịt là: sách chính là một phép màu biến con em họ trở thành những con người tử tế. Một đứa trẻ không có cảm xúc với sách sẽ không có cảm xúc với con người.”

Rõ ràng, với đam mê và dấn thân của người sáng tác; sự hỗ trợ và hết lòng của nhà xuất bản, các đơn vị phát hành, thì để khơi dòng cho văn học thiếu nhi chảy mãnh liệt hơn nữa vẫn phải cần nhiều yếu tố từ phía gia đình tác động, chọn lựa, định hình văn hóa đọc cho các em. Sự chung sức và tạo điều kiện từ các cơ quan, ban, ngành và những cuộc thi chuyên biệt để văn học thiếu nhi là mảnh đất màu mỡ được gieo mầm, nảy cành, sanh trái. Quãng thời gian không ngắn, nhưng nếu từ bây giờ chúng ta không cùng nhau khơi dòng, thì năm năm, chục năm sau, văn học thiếu nhi vẫn là một dòng chảy bình lặng giữa nhiều dòng chảy văn chương đang rộn ràng.

Mới nhất
x
Khơi dòng văn học thiếu nhi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO