Khơi lên khát vọng, ý chí của những người kém may mắn

Mỹ Hà 03/12/2022 15:53

(Baonghean.vn) - Ngày 3/12 hằng năm được lấy làm ngày Quốc tế Người khuyết tật nhằm cổ vũ, kêu gọi thế giới hướng về những người thiệt thòi, khó khăn do khuyết tật. Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hải Thanh – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh.

P.V: Thưa ông, trong những năm qua, với vai trò của mình, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh đã có những hoạt động gì để chăm lo cho những đối tượng còn kém may mắn?

Ông Nguyễn Hải Thanh: Những năm qua, với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, việc trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả khá cơ bản. Theo đó, hơn 59 nghìn người khuyết tật nhận được chế độ trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế; nhiều lớp dạy nghề ngắn hạn phù hợp với người khuyết tật được duy trì; việc khám, chữa bệnh cho người khuyết tật được quan tâm tổ chức…

Sau 12 năm hoạt động, các cấp Hội đã vận động bằng tiền và hiện vật quy ra hơn 185 tỷ 316 triệu đồng, trợ giúp cho 400 nghìn lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi và những người yếu thế khác bằng tiền mặt.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh tặng bò sinh kế cho những hộ gia đình người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: CSCC

PV: Khi nói về những người khuyết tật, chúng ta thường ghi nhận những tấm gương “tàn nhưng không phế”. Ông hãy đánh giá những nỗ lực vươn lên của người khuyết tật trong những năm vừa qua?

Ông Nguyễn Hải Thanh: Trên địa bàn Nghệ An, người khuyết tật chiếm khoảng 7% dân số. Nhiều người khuyết tật đang gặp khó khăn để hoà nhập với cộng đồng, sống tạm bợ, chưa có việc làm, tiếp cận với các dịch vụ như y tế, giáo dục, học nghề… còn trở ngại. Tuy nhiên, bằng nỗ lực của mình, thông qua các hoạt động Hội đã truyền cảm hứng đến người khuyết tật để giúp họ thực sự vươn lên, vượt qua mặc cảm bản thân và xã hội để làm việc có ích cho bản thân, gia đình.

Chương trình vinh danh các tập thể, cá nhân đạt danh hiệu "Sen vàng nhân ái xứ Nghệ" trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: CSCC

Hội cũng đã tổ chức các cuộc giao lưu, gặp mặt biểu dương người khuyết tật và trẻ mồ côi tiêu biểu theo các chủ đề: Người khuyết tật, trẻ mồ côi vượt lên chính mình, Hội ngộ doanh nhân người khuyết tật… để khơi dậy khát vọng và ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, tạo cho họ niềm tin và để họ được sống trong tình yêu thương, chăm sóc, đùm bọc, che chở của người thân và cộng đồng xã hội.

Chính vì vậy, dù điều kiện gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều người khuyết tật đã tự tạo việc làm phù hợp với sức khỏe và điều kiện cho phép như chăn nuôi, sản xuất, dịch vụ. Bên cạnh đó, nhiều người đã mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh, lập doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều người có thu nhập ổn định và khá giả. Đây thực sự là những tấm gương điển hình cho tinh thần vượt khó “tàn nhưng không phế”.

PV: Ông từng giữ cương vị Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và đã có 12 năm gắn bó với công tác bảo trợ người khuyết tật của tỉnh. Qua quá trình công tác, điều ông trăn trở nhất là gì, nhất là việc thực hiện các chính sách bảo trợ cho đối tượng này?

Ông Nguyễn Hải Thanh: So với những người bình thường, người khuyết tật kém may mắn hơn. Tôi rất đồng cảm và chia sẻ với người khuyết tật bởi họ chịu thiệt thòi về thể hình, sức khỏe, trong đó có một số người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thương binh. Ngoài ra, phần lớn họ lại thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, kinh tế và điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, bản thân và người thân phải gánh chịu.

Chị Như Hoa - một tấm gương người khuyết tật biết vươn lên nghịch cảnh ở thành phố Vinh đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khó khăn, cùng cảnh ngộ. Ảnh: Mỹ Hà

Trong những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội đã quan tâm song với người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng là nạn nhân da cam/dioxin họ còn rất khó khăn cả về tinh thần và vật chất. Phải chăng Nhà nước cần có ưu ái nhiều hơn nữa cũng như rất cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng đối với những người yếu thế này.

P.V: Chúng ta đang kỷ niệm 30 năm ngày Quốc tế Người khuyết tật. Trong 3 nội dung chính của sự kiện này có một nội dung rất ý nghĩa; đó là xây dựng và nâng cao nhận thức của chính người khuyết tật nhằm xoá bỏ rào cản, sự tự ti và tính vô hình của họ trong xã hội. Vậy, theo ông, vì sao một bộ phận người khuyết tật vẫn đang tự ti, phải chăng còn những rào cản từ xã hội?

Ông Nguyễn Hải Thanh: Việc bảo vệ quyền của người khuyết tật và thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc. Đồng thời, đã ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật để họ có thể vay vốn, trợ giúp xã hội, chăm sóc, phục hồi chức năng.

Ông Nguyễn Hải Thanh (ngoài cùng bên phải) và đại diện các tổ chức doanh nghiệp trao hỗ trợ cho những người khuyết tật gặp khó khăn. Ảnh: HBTCC

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực thì vẫn còn những rào cản xã hội do nhận thức của cộng đồng, gia đình và bản thân người khuyết tật vẫn chưa đúng và chưa đầy đủ. Một bộ phận người khuyết tật chưa tự tin vượt lên số phận và chưa được hỗ trợ kịp thời để vươn lên hòa nhập cộng đồng và chưa cố gắng tham gia các nội dung để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã ban hành đối với người khuyết tật.

Thực tế, còn nhiều người khuyết tật chưa được học nghề, tư vấn hỗ trợ tìm việc làm và vay vốn để phát triển sản xuất.

Những năm gần đây, người thân, gia đình và xã hội đã có suy nghĩ, cách nhìn tích cực về người khuyết tật. Song khuyết tật bẩm sinh hoặc các lý do khác đều đeo bám họ suốt cuộc đời, còn là gánh nặng của gia đình và người thân. Tôi nghĩ rằng, khi nào gia đình và người thân thực sự coi người khuyết tật là người đã gánh phần khó khăn và không may mắn cho họ, cho xã hội, mỗi người cùng đồng cảm chia sẻ thì sự tự ti và rào cản sẽ được giải tỏa.

P.V: Rõ ràng, với những khó khăn, đặc thù riêng, việc để hòa nhập, vươn lên và làm chủ cuộc sống của những người khuyết tật là một hành trình còn lắm gian nan. Vậy theo ông, thời gian tới, Nhà nước và tỉnh nhà cần tập trung vào những nội dung gì để giúp đỡ người khuyết tật cả về vật chất lẫn tinh thần? Hội Bảo trợ có giải pháp gì để kết nối và hỗ trợ người khuyết tật trong toàn tỉnh?

Ông Nguyễn Hải Thanh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết “Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn”.

Hội bảo vệ quyền trẻ em và bảo trợ người khuyết tật trao tặng hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên là người khuyết tật trên địa bàn huyện Tương Dương. Ảnh: CSCC

Chỉ thị số 11/ CT –TU ngày 8/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giúp đỡ người khuyết tật Nghệ An cũng đã chỉ rõ: Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức người khuyết tật và tổ chức vì người khuyết tật. Bên cạnh đó, cần củng cố, kiện toàn, đồng bộ tổ chức của người khuyết tật và tổ chức vì người khuyết tật từ tỉnh đến cơ sở, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức theo phương châm “Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên nhân ái, bình đẳng, hòa nhập cộng đồng”.

Đó cũng là nhiệm vụ mà tổ chức Hội phải quán triệt và tổ chức thực hiện trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Để người khuyết tật sớm vượt qua khó khăn, tôi cũng mong Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật và công tác trợ giúp người khuyết tật. Trong đó, chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho người khuyết tật.

Trong xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho người khuyết tật sẽ tập trung thực hiện mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho người khuyết tật; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng…

Trước mắt, tôi mong cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện, xã chưa có tổ chức hội người khuyết tật cần quan tâm kiện toàn tổ chức của đơn vị mình trong năm 2022 để hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, cho những người khuyết tật một mái nhà chung giúp họ hòa nhập cộng đồng, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện!

Mới nhất

x
Khơi lên khát vọng, ý chí của những người kém may mắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO