Tổng thống Macron thăm Trung Quốc: Triển vọng mở ra “chương châu Á”
Ông Emmanuel Macron ngày 8/1 sẽ đến Tây An, Trung Quốc để bắt đầu chuyến công du châu Á đầu tiên trên cương vị Tổng thống Pháp.
Khởi đầu đầy triển vọng
Đối với Tổng thống Pháp Emmnanuel Macron chuyến thăm đến Trung Quốc từ ngày 8-10/1 này ghi nhận nhiều cái “đầu tiên”.
Tổng thống Pháp Emmnanuel Macron. Ảnh: AP |
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2018, là chuyến đi châu Á đầu tiên của ông Macron trên cương vị Tổng thống Pháp và cũng là lần đầu tiên ông thăm Trung Quốc, cường quốc kinh tế số 1 châu Á và là đối tác quan trọng hàng đầu của cả Pháp lẫn Liên minh châu Âu.
Tất cả những “đầu tiên” này biến chuyến đi này thành hành động chính thức mở ra “chương châu Á” trong chính sách đối ngoại nước Pháp dưới thời ông Macron.
Khi mới lên nắm quyền tháng 5/2017, ông Macron chủ yếu tập trung nỗ lực ngoại giao của mình vào khu vực châu Âu. Đến các tháng cuối năm 2017, đến lượt châu Phi và Trung Đông.
Châu Á là khu vực mà một Tổng thống trẻ đang rất thành công về đối ngoại như ông Macron chưa hề tuyên bố hay thực thi một chiến lược nào cụ thể.
Chuyến đi đến Trung Quốc, vì vậy, sẽ hé mở những chỉ dấu đầu tiên về việc nước Pháp tiếp cận ra sao với Trung Quốc nói riêng và khu vực châu Á nói chung.
Điều này đáng chú ý hơn khi Trung Quốc không chỉ là đối tác cực kỳ quan trọng với Pháp và châu Âu mà còn vì trong giai đoạn tranh cử cũng như khi mới lên làm Tổng thống Pháp, ông Macron luôn nhấn mạnh Trung Quốc như là một đối thủ chiến lược với Liên minh châu Âu.
Thậm chí, ông Macron luôn dùng yếu tố cạnh tranh với Trung Quốc như một đòn bẩy để thúc đẩy các dự án cải cách của Liên minh châu Âu.
Vì thế, giới quan sát ở châu Âu rất quan tâm, xem từ lời nói đến hành động, vị Tổng thống trẻ của Pháp sẽ xử lý mối quan hệ với một đối tác đang ngày càng “ám ảnh” châu Âu ra sao.
Bởi, chắc chắn không phải ngẫu nhiên là ông Macron chọn Trung Quốc là nước châu Á đầu tiên để công du, thay vì các đối tác quan trọng và “dễ chịu” hơn của Pháp ở châu Á như Nhật Bản hay Ấn Độ.
“Con đường” và nỗi ám ảnh
Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng của Liên minh châu Âu, chiếm 15% tổng kim ngạch thương mại của khối. Với Pháp, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại quan trọng bậc nhất ở châu Á.
Đó là lí do mà tháp tùng ông Macron trong chuyến đi đến Trung Quốc lần này là những tập đoàn lớn nhất của Pháp trong các lĩnh vực công nghiệp hàng không, thực phẩm, năng lượng, cơ sở hạ tầng.
Một cơn mưa hợp đồng đã được báo chí Pháp nhắc đến trước chuyến đi. Theo dự kiến, các doanh nghiệp Trung Quốc và Pháp sẽ ký kết khoảng 50 hợp đồng kinh tế trong dịp này, trong đó đáng chú ý là việc tập đoàn Airbus bán 100 máy bay cho doanh nghiệp hàng không Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc thì mối bận tâm lớn nhất của Pháp lại nằm ở một khía cạnh khác, là vấn đề thâm hụt thương mại và khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Pháp.
Hiện tại, Pháp đang là bên gánh chịu thâm hụt trong trao đổi thương mại với Trung Quốc, lên tới con số rất lớn, khoảng 30 tỷ euro trong năm qua.
Đây là thâm hụt thương mại lớn nhất của Pháp với một đối tác kinh tế trên thế giới và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng.
Nhiều năm qua, các đời chính phủ Pháp đều đặt ra ưu tiên hàng đầu trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc là phải thiết lập lại sự cân bằng trong trao đổi thương mại, bằng cách kêu gọi Trung Quốc thực thi nguyên tắc “có đi, có lại”, mở cửa thị trường mạnh hơn cho doanh nghiệp Pháp.
Đó cũng là điều mà ông Macron sẽ cố truyền tải đến ông Tập tại Bắc Kinh.
Nhưng, cũng còn các chủ đề quan trọng khác cần bàn thảo.
Việc ông Macron đến Tây An, nơi xuất phát của “Con đường tơ lụa” cổ xưa nối liền phương Đông và phương Tây, mang một thông điệp rõ ràng.
Thời gian gần đây, đại dự án của Trung Quốc “Một con đường, một vành đai” nhằm tái hiện con đường tơ lụa trong thời đại mới, đang gây cả sự chú ý lẫn lo ngại của các nước châu Âu.
Lợi ích kinh tế hứa hẹn rất lớn nhưng các thách thức văn hóa, quản trị hay cả ảnh hưởng địa chính trị cũng là các dấu hỏi lớn với các quốc gia châu Âu, nhất là một nước luôn muốn duy trì vị thế cường quốc không chỉ trong khu vực như Pháp.
Vấn đề của nước Pháp với đại dự án của Trung Quốc, như phân tích của các học giả Pháp, là phải định vị xem Pháp sẽ đứng ở đâu và giữ vai trò Một đối tác then chốt hay đơn giản chỉ là ga cuối của đoàn tàu xuyên lục địa kéo dài từ Tây An đến Lyon?
Và cuối cùng, ông Macron cũng phải nêu lên với các nhà lãnh đạo Trung Quốc một lo ngại khác rất mang “tính châu Âu”: các khoản đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu và ngược lại.
Vài năm qua, đầu tư của Trung Quốc vào lục địa già tăng mỗi năm vài chục %, thậm chí đến 77% như năm 2016. Ngược lại, đầu tư của khối EU vào Trung Quốc mỗi năm lại giảm, năm 2017 giảm 23%.
Nhưng, lo lắng lớn nhất không nằm ở con số mà là ở nơi mà các con số này đổ vào: châu Âu đang lo lắng khi Trung Quốc đầu tư nhiều vào các ngành công nghiệp mũi nhọn tại các nước.
Trong năm 2017, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã nói đến việc phải ra luật hạn chế đầu tư nước ngoài, mà ám chỉ rõ ràng đến Trung Quốc, đổ vào các ngành mũi nhọn của châu Âu, với nỗi lo đánh mất công nghệ và bị tổn hại lợi ích quốc gia.
Chính ông Macron cũng đề cập đến việc tương tự trong diễn văn về tầm nhìn tương lai của Liên minh châu Âu cuối tháng 9/2017.
Vấn đề bây giờ là ông Macron sẽ nói chuyện đó ra sao với các nhà lãnh đạo Trung Quốc?./.