“Khởi nghiệp phải biết chấp nhận những thách thức“

Mỹ Hà 09/05/2018 15:27

(Baonghean.vn) - Khởi nghiệp không phải là một khái niệm mới.Nhưng, với những người trẻ “khởi nghiệp” không dễ dàng nếu như không được trang bị các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm.

Giải đáp được những câu hỏi này cũng là mục đích của diễn giả, Tiến sỹ, CEO Võ Văn Thành Nghĩa với hơn 1000 sinh viên trên địa bàn tỉnh Nghệ An tại Trường Đại học Công nghiệp Vinh. Đây cũng là ngôi trường mà Tiến sỹ Võ Văn Thành Nghĩa đang phối hợp triển khai nhiều hoạt động khởi nghiệp thiết thực trên vai trò cố vấn Hội đồng quản trị.

Muốn khởi nghiệp thành công hãy bắt đầu từ làm thuê

Có nhiều lý do để Tiến sỹ Võ Văn Thành Nghĩa đến với chương trình này và chọn đối tượng để chia sẻ là những bạn trẻ, những sinh viên chuẩn bị ra trường: Ngày trước khi đang làm Tổng giám đốc của Tập đoàn Thiên Long, tôi đã cùng với các bạn sinh viên tình nguyện đồng hành với những sỹ tử trong những ngày đầu tiên các bạn đến với giảng đường đại học. Và nay, trước ngưỡng cửa cuộc đời, tôi lại muốn chia sẻ với những sinh viên câu chuyện khởi nghiệp được đúc kết từ những kinh nghiệm, những thành công và thất bại của chính bản thân mình.

Sự thất bại cũng là điều mà Tiến sỹ Võ Văn Thành Nghĩa nói đến đầu tiên trong câu chuyện khởi nghiệp. Tuy vậy, đây cũng là lý do mà ông mong muốn các bạn trẻ trước khi khởi nghiệp phải tự đưa ra quyết định cho mình và đừng “ảo tưởng”: Nếu cứ nói về thất bại, chắc chúng ta chưa khởi nghiệp đã thấy “sợ”. Nhưng nếu chỉ nhìn nó là màu hồng, rồi sau đó sẽ thất bại thì càng đáng lo ngại hơn.Ông cũng nói rằng: Dù có những lời khuyên nhưng khi các bạn đã ngoài 20 tuổi rồi, các bạn đã “đàng hoàng, chững chạc” rồi thì các bạn phải tự quyết định.

Với sự tin tưởng trên,Tiến sỹ Võ Văn Thành Nghĩa cũng yêu cầu những người trẻ tuổi phải trả lời được câu hỏi “mình là ai”. Và để làm điều đó, trước tiên mỗi người phải nhìn về tính cách của mình. Thứ 2, bản thân phải có năng lực. Nhưng “năng lực”, không có nghĩa là làm hết tất cả mọi việc mà phải có một đội nhóm. Lấy ví dụ cho vấn đề này, ông cho biết: Một người giỏi về y khoa có thể sáng tạo ra những cái máy có lợi cho sức khỏe. Nhưng, để thành công, để đưa được sản phẩm ra thị trường phải có người làm maketting, phải có người tính toán.

Từ “biết mình là ai, các bạn muốn gì, cần gì”, cựu CEO của tập đoàn Thiên Long cũng khuyên những người trẻ tuổi cần mạnh dạn “thử” khi quyết định khởi nghiệp. Tuy vậy, để khởi nghiệp thành công, ông cũng khuyên mọi người đừng nhầm lẫn việc “làm điều mình thích và ngộ nhận đó là khởi nghiệp”. Điều đặc biệt, dù khuyến khích khởi nghiệp nhưng muốn thực hiện ước mơ này, ông khuyên mỗi người hãy bắt đầu từ “làm thuê” bởi hạn chế lớn nhất của những sinh viên mới ra trường chính là kinh nghiệm. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: Hiện tại có tình trạng rất nhiều bạn trẻ đi học chỉ thích làm quan, làm lính sợxấu hổ. Nhưng, nếu không làm công nhân, thì làm sao là quản đốc, thành phó giám đốc và thành tổng giám đốc.Thực tế “muốn khởi nghiệp, phải từ từ, phải có một quá trình.Phải biết mình cần gì và đúng thời điểm nào.Nếu chưa có cơ hội, hẫy chờ và hãy tin rằng khởi nghiệp không có tuổi”.

+Trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên, Tiến sỹ Võ Văn Thành Nghĩa cho biết: Nói, khởi nghiệp mà không cần học đại học là một sự nhầm lẫn lớn. NhưngHọc và ứng dụng thành công là do chính mình, chứ không phải ở trường ở lớp. Thực tế, có rất nhiều trường hợp giỏi nhưng lại không chịu khó thì cũng khó thành công.

+ Trong khởi nghiệp, ông cũng cho biết, có nhiều thách thức. Tuy vậy, vào từng thời điểm khác nhau, thách thức sẽ khác nhau.Ví dụ, giai đoạn đầu khởi nghiệp, thách thức lớn nhất không phải là tiền mà là ý tưởng của mình. Khi biến ý thưởng thành hiện thực thì lại cần tiền. Khi có tiền thì thách thức là nguồn nhân lực. Ông cũng khuyên các bạn trẻ: Cố gắng đừng xem cái nào là thách thức nhất mà luôn nghĩ rằng cái nào cũng là thách thức để tránh chủ quan.

+ Về vấn đề làm thuê, ông cho rằng sinh viên bước chân ra trường đại học phải làm thuê. Điều này, có nhiều lợi ích,không cần vốn nhưng có thời gian tích lũy kinh nghiệm. Nhưng Tích lũy đến khi nào cho đủ và có người sẽ lấy đi sáng tạo của mình.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ, đừng bao giờ sợ đánh mất cơ hội. Thực tế, chỉ sợ các bạn đánh mất mình còn cơ hội có xung quanh chúng ta.Đừng bao giờ sợ ý tưởng của mình sợ người khác làm. Hãy nhìn người ta làm và nghĩ rằng mình có thể làm hay hơn.

Kết nối những cơ hội

Từ đầu năm 2018, đây là lần thứ 2, Tiến sỹ Võ Văn Thành Nghĩa đến với Trường Đại học Công nghiệp Vinh (IUV). Sự trở lại này, theo ông là nhằm thực hiện ba lời hứa với nguyên cựu Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn và nay là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, với ông Trần Lê Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường để thực hiện mong ước “làm được gì cho xã hội, cho cộng đồng thì làm”. Cuối cùng, ông đến với nhà trường, đến với những bạn trẻ trên quê hương xứ Nghệ, bởi một lời hứa “với cá nhân tôi, trách nhiệm tôi và là cách để tôi phụng sự tổ quốc”.

Việc đến và để chia sẻ về những kinh nghiệm, về những thất bại nhằm giúp cho các trẻ thành công, “thành công bền vững” cũng là nhiệm vụ thường xuyên hiện nay của ông, đặc biệt là trên cương vị của người đứng đầu VAL Making – một doanh nghiệp chuyên về hoạt động hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp và phụng sự xã hội.

Trước đó, tại lễ ký kết phối hợp Chương trình hợp tác "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2017-2020 giữa Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam) và VAL Making, ông cũng khẳng định: Chúng tôi sẽ giúp đỡ các bạn trẻ duy trì và phát triển ý tưởng của mình chứ không dừng lại ở việc đầu tư tài chính. Chủ tịch VAL Making cũng cho biết nguồn vốn mà Chương trình hỗ trợ các thanh niên được bảo đảm bởi nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần uy tín trên toàn thế giới.

Điều đặc biệt, đến thời điểm này, Trường Đại học Công nghiệp Vinh là trường đại học tư thục đầu tiên tại thành phố Vinh cùng Tỉnh đoàn, Sở Khoa họa Công nghệ và VAL Making tổ chức buổi tư vấn cho sinh viên đại học, cao đẳng năm cuối về vấn đề “nóng” này.

Trên vai trò là người kết nối, người cố vấn hội đồng quản trị, Tiến sỹ Võ Văn Thành Nghĩa cũng sẽ có những kế hoạch riêng để quan tâm đến những sinh viên năm cuối và cam kết sẽ tạo lập môi trường, điều kiện và các yếu tố khác để thúc đẩy, hỗ trợ các sinh viên thuận lợi trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Nói về hoạt động này, ông Trần Mạnh Hà – Quyền Hiệu Trưởng trường Đại học Công nghiệp Vinh cũng khẳng định: Mặc dù thời gian hoạt động chưa lâu nhưng IUV luôn quan tâm đến tương lai của sinh viên, thể hiện qua việc đào tạo các kỹ năng xin việc, kỹ năng làm việc tại các doanh nghiệp, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, v.v... Đặc biệt, IUV tạo một vườn ươm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của tỉnh ngay trong khuôn viên nhà trường thông qua việc cung cấp văn phòng và những điều kiện làm việc liên quan khác.

-Năm học 2018 – 2019, Trường Đại học Công nghiệp Vinh tuyển sinh 900 chỉ tiêu với 10 ngành đào tạo bằng hai phương thức tuyển sinh:

+ Sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia với tổ hợp các môn thi đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Trường Đại học Công nghiệp Vinh;

+Xét tuyển học bạ đối với các thí sinh tốt nghiệp THPT từ năm 2017 trở về trước và sẽ tốt nghiệp THPT năm 2018 theo 2 hình thức xét tuyển sau: Điểm trung bình tổ hợp các môn của quá trình học lớp 10; lớp 11 và lớp 12 hoặc điểm trung bình chung tổ hợp môn xét tuyển lớp 12 đạt yêu cầu.

-Hiện nay, Trường Đại học Công nghiệp Vinh cũng có những chương trình đào tạo mang tính thực tiễn, giúp sinh viên đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp về các ngành điện/điện tử, kế toán, CNTT, lữ hành.... Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện giúp sinh viên tiếp cận với công việc tương lại tại các doanh nghiệp thông qua việc đi thực tập/tham quan, tham gia các hội chợ việc làm do IUV đồng tổ chức với các đơn vị, ban ngành trong khu vực...

Ngoài ra, Trường Đại học Công nghiệp Vinh là 1 trong 8 trường Đại học của Việt Nam đang tham gia chương trình dự án tăng cường hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam để cải thiện các kỹ năng làm việc và kỹ năng doanh nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp (Dự ánV2WORK). Mục đích của dự án là xây dựng trung tâm giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ sinh viên sau khi ra trường, đảm bảo 100% sinh viên có việc làm ổn định với sự hỗ trợ của Hội đồng các trường Đại học Châu âu.

“Khởi nghiệp phải biết chấp nhận những thách thức“
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO