Khơi nguồn lực phát triển cho 27 xã vùng biên ở Nghệ An

14/09/2017 08:15

(Baonghean) - Để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các xã vùng biên giới còn nhiều khó khăn phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tỉnh Nghệ An đang xây dựng “Đề án phát triển cho 27 xã vùng biên”.

“Cái khó đang bó cái khôn”

Xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, hạ tầng kinh tế, xã hội còn hạn chế đang đặt ra nhiều thách thức trong thực hiện chương trình xây dựng NTM .

Ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã cho hay: Với điều kiện của một xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, địa bàn rộng, diện tích lớn, dân cư ở không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh còn thiếu thì việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM theo kế hoạch là điều thực sự khó khăn. Đặc biệt là các tiêu chí cần nhiều vốn như thủy lợi, giao thông, điện, trường học, nhà văn hóa, giảm nghèo... Vì vậy, dù triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM cùng thời gian với nhiều địa phương khác, nhưng đến nay Tri Lễ mới tạm đạt được 7/19 tiêu chí NTM gồm: Quy hoạch, hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh, giáo dục, y tế, tổ chức sản xuất và môi trường.

Xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: P.V
Xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: P.V

Khó khăn nhất trong xây dựng NTM đối với Tri Lễ là xã còn 8 bản chưa có đường giao thông và 8 bản chưa có điện lưới Quốc gia, đó là các bản: Tà Phàn, bản Bò, D1, D2, Na Túi, Na Chạng… Chính quyền và người dân nơi đây mong muốn được các cấp quan tâm đầu tư làm đường đến các bản và kéo điện lưới về cho bà con sử dụng.

Anh Lữ Văn Dũng - Phó bản Bò, xã Tri Lễ chia sẻ: Bà con trong bản dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng thì sẵn sàng bán vật nuôi để đóng góp tiền làm đường. Nhưng với tiêu chí điện thì bất khả kháng, phải chờ đợi Nhà nước đầu tư...

Chủ tịch UBND huyện Quế Phong ông Lê Văn Giáp cho rằng: Mặc dù những năm qua Nhà nước đã quan tâm đầu tư nhiều nguồn vốn thực hiện các mô hình phát triển kinh tế tại các xã biên giới, nhưng do dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nên việc huy động người dân đóng góp tiền vào xây dựng NTM là rất khó khăn. Đến nay, 4 xã biên giới của huyện: Tri Lễ, Nậm Giải, Hạnh Dịch và Thông Thụ mới đạt từ 6 - 7 tiêu chí/xã.

Còn tại huyện Kỳ Sơn, có 11 xã biên giới giáp với nước bạn Lào. Những khó khăn nơi vùng biên đang là lực cản lớn đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ông La Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Các xã biên giới ở Kỳ Sơn có vai trò và vị trí quan trọng đối với địa bàn huyện và tỉnh. Nơi đây cũng là vùng sản xuất lúa ruộng lớn nhất huyện với diện tích chiếm trên 70%, là nơi cung cấp nhiều mặt hàng đặc sản gà đen, lợn Mông, rau cải ngồng, mận...

Đặc biệt, các xã vùng biên giữ vai trò vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, hiện nay cuộc sống của người dân vùng biên ở Kỳ Sơn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo nơi đây còn trên 61,7%, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/năm. Số tiêu chí đạt được trung bình của các xã vùng biên còn thấp. Mới có 9 xã đạt 5 tiêu chí, 1 xã đạt 6 tiêu chí và 1 xã đạt 8 tiêu chí.

Xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong hiện còn 8 bản chưa có đường giao thông đến trung tâm bản. Ảnh: Xuân Hoàng
Xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong hiện còn 8 bản chưa có đường giao thông đến trung tâm bản. Ảnh: Xuân Hoàng
27 xã biên giới ở Nghệ An tập trung tại các huyện: Kỳ Sơn có 11 xã; Tương Dương 4 xã; Con Cuông 2 xã; Quế Phong 4 xã; Anh Sơn 1 xã; Thanh Chương 5 xã.

Thực trạng khó khăn của các xã ở Quế Phong và Kỳ Sơn nêu trên cũng là hoàn cảnh chung của các xã vùng biên khác trong tỉnh Nghệ An. Cả tỉnh có 27 xã biên giới, chủ yếu đất nông nghiệp, hạ tầng cụm công nghiệp, TTCN chưa có, hệ thống giao thông có tổng số đường trục xã 516,3 km, đã cứng hóa 272,51km, đạt 52,8%. Riêng trục thôn (bản) 500,62km, đã cứng hóa 103,49km, đạt 21%. Tuy nhiên do khí hậu, địa hình phức tạp, đa số các tuyến đường hiện đã xuống cấp.

Với nhiều chương trình đầu tư, trên địa bàn 27 xã có 201 công trình thủy lợi, đã kiên cố 100 công trình đạt 49,5%; có 313 km kênh mương, trong đó đã được kiên cố 153,6 km, đạt tỷ lệ 49,1%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tại các xã vùng biên chậm, thiếu bền vững; tỷ lệ hộ nghèo cao 46,3%; thu nhập bình quân thấp 15,3 triệu đồng/người/năm, bằng 48,6% so với bình quân chung của tỉnh. Kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập. Tính bình quân, các xã biên giới mới đạt 7,4 tiêu chí NTM/xã.

Kỳ vọng những giải pháp “tăng tốc”

Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chương trình dự án đã về với miền Tây, với đồng bào dân tộc. Tuy nhiên các nguồn lực, tiềm năng chưa được khai thác và chưa có những chính sách tạo đòn bẩy cho các xã đột phá phát triển.

Trước thực tế đó, tỉnh Nghệ An đã dự thảo để ban hành riêng một đề án phát triển cho 27 xã biên giới. Theo ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, để các xã biên giới có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng NTM, ngoài đầu tư làm đường, kéo điện, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ổn định cuộc sống lâu dài, bằng cách xây dựng mô hình phát triển kinh tế dài hơi; cần có chính sách nâng mức hỗ trợ tiền quản lý rừng hàng năm.

Còn ông La Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đề xuất: Phát triển bền vững là nhu cầu tất yếu và nguyện vọng, mong muốn của đồng bào các xã biên giới. Các cấp ngành cần có chính sách khuyến khích tích cực hơn trong phát triển nông, lâm nghiệp, chú trọng trồng các loại cây đặc sản (như lúa thơm, khoai sọ, bí xanh, miến dong, chè tuyết Shan, gừng, rau xanh các loại).

Bên cạnh đó, có chính sách cho đồng bào phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê địa phương, gà đen, lợn đen, dược liệu, lâm sản phụ từ rừng như lá dong, măng các loại... Vấn đề cốt lõi là cần có doanh nghiệp liên kết với chính quyền và người dân để lo đầu ra cho sản phẩm.

Khoai sọ - một trong những sản phẩm nổi bật của huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Quang An
Khoai sọ - một trong những sản phẩm nổi bật của huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Quang An

Đề cập đến Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới 27 xã đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Văn Hằng - Phó Chánh Văn phòng Nông thôn mới tỉnh cho biết: Sau khi đề án xây dựng xong, tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt thực hiện và ban hành cơ chế hỗ trợ đặc thù xây dựng nông thôn mới các xã, trong đó, chú trọng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, xây dựng mô hình phát triển sản xuất hàng hóa từ kinh tế rừng, đất rừng hiệu quả để tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân...

Thu hoạch bí xanh ở Kỳ Sơn. Ảnh: Quang An
Thu hoạch bí xanh ở Kỳ Sơn. Ảnh: Quang An

Ngoài vốn Nhà nước, tỉnh, huyện, các địa phương cũng phát động phong trào kêu gọi doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức chính trị - xã hội giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới. Lồng ghép, ưu tiên các nguồn vốn do bộ, ngành quản lý để đầu tư thực hiện đề án; đề xuất các nguồn ODA để ưu tiên thực hiện riêng cho đề án.

Cùng đó, ngành Nông nghiệp sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch sắp xếp bố trí dân cư biên giới theo Quyết định 570/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Sẽ dành nguồn lực đầu tư mới và nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn từng bước đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

DỰ THẢO ĐỀ ÁN HỖ TRỢ 27 XÃ BIÊN GIỚI
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NÊU MỤC TIÊU:

- Đến năm 2020, phấn đấu 78% trường học, điểm trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất trường học. Đầu tư nâng cấp, xây dựng 24/27 nhà văn hóa xã, trong đó xây mới 9 nhà, nâng cấp 15 nhà. Xây dựng mới 20 khu thể thao xã và nâng cấp 6 khu thể thao xã; Xây dựng mới 60 nhà văn hóa thôn và nâng cấp 88 nhà văn hóa thôn. Đầu tư nâng cấp xây dựng mới cơ sở hạ tầng thương mại dịch vụ 22 xã... Phấn đấu đến năm 2020, các xã đạt bình quân 11,4 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 8 tiêu chí.

- Đến năm 2025, đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 1.189,24 km đường giao thông, trong đó nâng cấp 848,63 km, xây dựng mới 374,03km; Có 20 xã (87%) đạt tiêu chí thủy lợi; 65% công trình thủy lợi được kiên cố và 80% kênh mương được kiên cố hóa;

- Đề án đặt mục tiêu tăng thu nhập bình quân 22,9 triệu đồng/người/năm (xã cao nhất 40,3 triệu đồng/người/năm và thấp nhất khoảng 13,5 triệu đồng/người/năm). Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 15-16%.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Khơi nguồn lực phát triển cho 27 xã vùng biên ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO