Khởi sắc thu hút đầu tư
Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, có vị trí địa lý thuận lợi, những năm gần đây nhờ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, tăng cường xúc tiến, quảng bá, Nghệ An đã thu hút được càng nhiều dự án có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
(Baonghean) - Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, có vị trí địa lý thuận lợi, những năm gần đây nhờ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, tăng cường xúc tiến, quảng bá, Nghệ An đã thu hút được càng nhiều dự án có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài những dự án lớn đang hoạt động như: Chăn nuôi và chế biến sữa quy mô tập trung - TH True Milk, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; Mía đường Tate & Lyle; các dự án thủy điện (Bản Vẽ, Hủa Na, Khe Bố...); Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam, bia Hà Nội, các dự án nhà máy xi măng… đang tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế Nghệ An, thì trong điều kiện suy thoái kinh tế, thu hút đầu tư ngoài ngân sách vài năm lại nay tiếp tục có những thành tựu và triển vọng.
Từ năm 2011 đến giữa năm 2013, có 178 dự án/34.080 tỷ đồng được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó: đầu tư trong nước có 170 dự án/32.682 tỷ đồng được cấp giấy chứng nhận đầu tư (so với kế hoạch nhiệm kỳ đạt 90,78% số vốn đăng ký); vốn thực hiện của các dự án đạt trên 6.700 tỷ đồng, bằng 20.53% vốn đăng ký: Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Có 8 dự án/1.398 tỷ đồng (tương đương 69,9 triệu USD) được cấp giấy chứng nhận đầu tư (so với kế hoạch nhiệm kỳ đạt 13,98% số vốn đăng ký). 100% dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động. Vốn thực hiện đạt 910 tỷ đồng, bằng 65% vốn đăng ký.
Điều đáng mừng là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong thời kỳ này đã khai thác hiệu quả nguồn lao động dồi dào của địa phương. 4 dự án dệt may, 2 dự án sản xuất điện tử, 2 siêu thị (Big C, Metro) đã tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động địa phương. Những dự án này cũng được triển khai nhanh, hoạt động sớm.
Nhà máy điện tử BSE Nghệ An tại Khu kinh tế Đông Nam.
Về vốn ODA, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 41 chương trình, dự án ODA, (bao gồm cả các dự án đang vận động), trong đó có 26 dự án do tỉnh làm chủ quản, 15 dự án do các bộ, ngành làm cơ quan chủ quản. Tổng mức đầu tư lên đến 15.020 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 11.863 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 78,9%, cao nhất khu vực Bắc Trung bộ. Vốn giải ngân các dự án ODA đạt 1.776,9 tỷ đồng, bằng 52,5% vốn cam kết.
Nhiều dự án có ý nghĩa kinh tế - dân sinh quan trọng như: Cải tạo mạng giảm thất thoát nước Thành phố Vinh (giai đoạn 1); Cải tạo, mở rộng Nhà máy nước Thị xã Cửa Lò; Mở rộng hệ thống cấp nước Thị xã Thái Hòa (vốn vay ADB); Dự án Chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế (ADB); Quản lý thiên tai WB 5; Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Nghệ An (WB); Khôi phục nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An (JICA); Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp (WB3) - Nghệ An; Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ Nghệ An; Đường giao thông liên xã Hội Sơn - Hoa Sơn - Tường Sơn, huyện Anh Sơn; Dự án Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thoát nước Thành phố Vinh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu; Dự án Nâng cấp xây dựng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, giai đoạn 3.
Ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho biết: Công tác tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư ngày một đúng trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn lĩnh vực dự án cụ thể để kêu gọi thu hút đầu tư. Trong hoạt động này phải kể đến Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Bắc Trung bộ (10/2011); Hội nghị Gặp mặt các nhà đầu tư Đầu Xuân hàng năm (ngày 14/1 - Âm lịch, từ năm 2009 – 2013); Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ, tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Xiêng Khoảng (25/8/2012 tại Thị xã Cửa Lò); tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vào các tỉnh Tây Bắc (4/2013), tại Tuyên Quang; tổ chức thành công hoạt động Xúc tiến đầu tư và thương mại tại Nhật Bản nhằm quảng bá môi trường đầu tư tỉnh Nghệ An (7/2012)...
Tỉnh Nghệ An cũng đã rà soát, bổ sung các loại quy hoạch và cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung trung tâm nhiệt điện Hoàng Mai vào tổng sơ đồ điện VI; Bổ sung quy hoạch xi măng Hoàng Mai, Tân Kỳ, Tân Thắng vào quy hoạch ngành; Cảng nước sâu Cửa Lò, Cảng Đông Hồi vào quy hoạch phát triển cảng biển đến năm 2020; Mở lại tuyến bay Vinh - Hà Nội và quy hoạch Sân bay Vinh trong tương lai gần có các tuyến bay quốc tế đến các nước trong khu vực; Quy hoạch sản xuất công nghiệp, khoáng sản, vật liệu xây dựng; Quy hoạch phát triển đô thị, sử dụng đất và các loại quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm khác. Phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc tổ chức thành công Hội nghị trao đổi kinh nghiệm xúc tiến đầu tư 3 miền Bắc - Trung - Nam tại Bãi Lữ - Nghệ An…
Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục thu hút đầu tư các dự án có định hướng và chọn lọc, chú trọng chất lượng dự án. Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động, chiếm ít diện tích, thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên; hạn chế các dự án có công nghệ, thiết bị lạc hậu, đóng góp ngân sách ít và sử dụng đất đai nhiều.
Các dự án sẽ tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản (chè, cà phê, cao su, hoa quả, thực phẩm, lâm sản, thủy sản); cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông; sản xuất vật liệu mới, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng (xi măng, vật liệu không nung, gạch granite ốp lát tự nhiên và nhân tạo, chế biến đá trắng); điện, thiết bị tự động hoá, công nghệ sinh học; hóa dầu; dệt may, da giày; hàng thủ công mỹ nghệ; các dự án công nghiệp hỗ trợ; xây dựng cơ sở hạ tầng theo các hình thức BOT, BT, PPP (khu, cụm công nghiệp, đường giao thông, cấp thoát nước, xử lý rác thải, chất thải...).
Ngoài ra, tỉnh tập trung ưu tiên thu hút đầu tư để lấp đầy Khu kinh tế Đông Nam và các KCN đã được phê duyệt; ở Thành phố Vinh; thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại, du lịch, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm sóc y tế hiện đại, tài chính, tín dụng, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ cao, ít diện tích. Thu hút đầu tư vào Thị xã Cửa Lò các dự án phát triển dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, thương mại. Khu vực miền Tây Nghệ An phát triển đầu tư chăn nuôi đại gia súc, cây công nghiệp và chế biến nông, lâm sản: mía, cao su, chè, chế biến hoa quả, chế biến thịt, sữa; tiếp tục triển khai các dự án thủy điện, xi măng, vật liệu xây dựng, khoáng sản.
Bài, ảnh: Hồng Sọc