Khởi sắc trên quê hương cách mạng
(Baonghean) - Người dân Đô Lương hôm nay đang viết tiếp truyền thống của vùng đất cách mạng bằng những việc làm thiết thực, làm nên diện mạo mới của quê hương.
Khởi sắc từ những vùng quê
Đến thị trấn Đô Lương trong những ngày tháng 8 lịch sử, Tượng đài chiến thắng Đô Lương sừng sững, thể hiện khí phách hiên ngang, tinh thần anh hùng dân tộc của đất và người xứ Lường. Khí thế thi đua lập thành tích chào mừng ngày Tết Độc lập 2/9 của người dân thị trấn rộn ràng hơn. Nhiều công trình mới đang khẩn trương hoàn thành.
Lãnh đạo huyện Đô Lương kiểm tra dự án Nhà máy may Minh Anh tại xã Quang Sơn. Ảnh Thanh Lê |
Ông Trương Công Thảo - Bí thư thị trấn Đô Lương cho biết: Nhân dân Đô Lương từ lâu đã tăng cường giao lưu buôn bán, kinh doanh. Chợ Lường xưa đã nổi danh về sự trù phú và đô hội, thu hút người tứ xứ về mua bán, trao đổi. Những ngày chợ họp, trên sông thuyền bè san sát, tấp nập ngược xuôi, đường bộ người đông đúc, nhộn nhịp. Chợ trâu, bò nằm trên bến chợ cũng sôi động mua bán. Ngoài ra, còn có chợ Cổng Đá, nơi chuyên sản xuất bánh đa, kẹo lạc nổi tiếng một thời để phân phối đi khắp nơi trong tỉnh. Nay làng nghề kẹo lạc, bánh đa vẫn giữ nguyên truyền thống nếp xưa đó. Có thể nói, đây là thế mạnh để thị trấn Đô Lương trở thành một vùng kinh tế năng động, giàu có, đồng thời phát triển nhanh trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội...
Cũng nhờ sự giao thương thuận lợi nên đời sống văn hóa tinh thần của người dân thị trấn Đô Lương phát triển phong phú, đa dạng. Nổi bật nhất là tinh thần đoàn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, đạo lý ở đời. Mặc dù là dân nhiều nơi về sinh sống nhưng người dân thị trấn Đô Lương luôn tâm niệm “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Vì vậy, người dân nơi đây luôn “tối lửa tắt đèn” có nhau, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn, hoạn nạn... Ngoài ra, còn có các phường, hội khác như phường tiền, phường gạo... thể hiện sự gắn kết láng giềng, giúp nhau làm ăn, phát triển sản xuất.
Trung tâm thị trấn Đô Lương. Ảnh: Hữu Hoàn |
Từ thị trấn Đô Lương, đi khoảng 30 phút về phía Tây Nam đến xã Đặng Sơn - một trong những xã hiện có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia gắn với các phong trào cách mạng. Đó là di tích họ Hoàng Trần, đình Phú Nhuận, đền Xuân Như, đền Tiên Đô. Đặng Sơn cũng là quê hương của đồng chí Trần Tố Chấn - Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng CS Đông Dương khóa I. Hiện nay, các di tích gắn với phong trào cách mạng đã được nhân dân xã Đặng Sơn trùng tu, tôn tạo, trở thành địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Ông Hoàng Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn chia sẻ: Cán bộ, nhân dân xã luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất và xây dựng quê hương. 5 năm qua, kinh tế Đặng Sơn tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, trồng các giống lúa, rau màu có giá trị kinh tế cao. Khuyến khích các ngành nghề như mộc dân dụng, xây, gò hàn cơ khí, sản xuất bánh đa nem, ươm tơ kéo sợi... góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Bứt phá để phát triển
Sức sống mới của những vùng quê cách mạng ở Đô Lương đang lan tỏa, góp phần xây dựng huyện Đô Lương ngày càng phát triển. Đến nay, 100% đường giao thông liên xã được nhựa hóa, 98% giao thông thôn xóm được đổ bê tông. Đặc biệt, sau hơn 5 năm (2010 - 2016) xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn huyện Đô Lương từ chỉ có 124 tiêu chí đến nay đạt 454 tiêu chí NTM (bình quân mỗi xã tăng 2,36 tiêu chí). Năm 2017, huyện tiếp tục chỉ đạo 10 xã đã được công nhận xã nông thôn mới tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đồng thời tập trung chỉ đạo 8 xã: Lưu Sơn, Trung Sơn, Đặng Sơn, Bồi Sơn, Đà Sơn, Đông Sơn, Bắc Sơn, Lam Sơn hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có 26 xã đạt xã NTM, để Đô Lương trở thành huyện NTM.
Sản phẩm nồi đất Trù Sơn - Đô Lương vẫn còn được người tiêu dùng sử dụng hiện nay. Ảnh: Xuân Hoàng |
Thực hiện mục tiêu phát triển trở thành vùng kinh tế năng động của tỉnh, công tác thu hút đầu tư được huyện Đô Lương đẩy mạnh. Các khu công nghiệp trên địa bàn từng bước phát huy hiệu quả. Công ty may Prex Vinh, thuộc Cụm công nghiệp Lạc Sơn, sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, đến nay đã khẳng định vai trò tạo động lực với các sản phẩm trang phục thể thao, quần áo da, áo chống nóng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Đông Âu. Ông Lê Chư Tú - Quản lý Công ty may Prex Vinh cho biết: Với 2 phân xưởng may được đầu tư hạ tầng hiện đại, tiên tiến, hàng năm, công ty xuất khẩu đạt trên 2 triệu sản phẩm với doanh thu gần 300 tỷ đồng/năm. Hiện công ty đang tạo việc làm cho gần 5.000 công nhân trong vùng và các huyện lân cận như Yên Thành, Anh Sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương với mức lương bình quân đạt từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Trồng rau cho thu nhập cao ở xã Tân Sơn ( Đô Lương). Ảnh tư liệu |
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển, huyện Đô Lương đang tập trung thu hút đầu tư có hiệu quả tại Cụm công nghiệp Lạc Sơn; kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp Thượng Sơn; tiếp tục xin chủ trương cấp thẩm quyền bổ sung, quy hoạch cụm công nghiệp Hòa Sơn; phối hợp đảm bảo cho Nhà máy Xi măng Sông Lam hoạt động ổn định; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án khu quy hoạch đô thị Cầu Dâu; kêu gọi nhà đầu tư để quy hoạch vùng đô thị Nam thị trấn; xây dựng trung tâm thương mại tại phía Bắc đối diện cụm công nghiệp thị trấn; quy hoạch các thị trấn, thị tứ được UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 xây dựng thị trấn Đô Lương hội đủ các yếu tố trở thành thị xã.
Thanh Thủy - Lương Mai
TIN LIÊN QUAN |
---|