Khởi sắc từ một nghị quyết
(Baonghean) - Sau 5 năm thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng hệ thống trường chuẩn quốc gia theo Nghị quyết số 12 của BTV Thị ủy, ngành Giáo dục Thị xã Thái Hòa đã có những bước đột phá toàn diện. Chất lượng dạy và học được nâng lên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân…
Giờ ăn của các bé Trường Mầm non Tây Hiếu (Thị xã Thái Hòa). |
Sau khi chia tách khỏi huyện Nghĩa Đàn, hệ thống trường lớp trên địa bàn Thị xã Thái Hòa nhiều nơi xuống cấp, trình độ và năng lực của đội ngũ giáo viên còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu mới trong công tác dạy và học của một đô thị được xác định là trung tâm vùng Tây Bắc. Thực tế đó, đòi hỏi các cấp ủy đảng và chính quyền Thị xã Thái Hòa phải có những bước đi, cách làm cụ thể để phát triển ngành Giáo dục, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. Năm 2009, Ban Thường vụ Thị xã đã ban hành Nghị quyết số 12 về “Xây dựng hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2009 – 2015, có tính đến năm 2020”. Nghị quyết ra đời trở thành “kim chỉ nam” để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và ngành Giáo dục thống nhất hành động, tập trung chăm lo cho sự nghiệp trồng người.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện kiên cố hóa trường học gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia tại các địa phương theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tại xã Tây Hiếu, địa phương còn khó khăn so với các phường trung tâm của Thị xã Thái Hòa, việc đầu tư cho sự nghiệp giáo dục được ưu tiên hàng đầu. Thực hiện Nghị quyết số 12 của Thị ủy, Đảng ủy xã đã xây dựng đề án chuyên đề về xây dựng trường chuẩn quốc gia với cách triển khai linh hoạt, sáng tạo, quyết đoán trong điều kiện nguồn thu ngân sách thấp và nguồn xã hội hóa ở mức độ chừng mực. Đồng chí Tạ Bá Ngọc – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tây Hiếu cho biết: “Ban Thường vụ Đảng ủy xã hết sức trăn trở tìm nguồn kinh phí thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học. Xã quyết định thực hiện theo phương châm: Dùng nguồn ngân sách thu được từ cấp quyền sử dụng đất hàng năm kết hợp với vốn hỗ trợ của tỉnh và thị xã đầu tư cho xây dựng hệ thống trường lớp. Còn nguồn xã hội hóa được sử dụng để làm các công trình phụ như: sân, bờ rào, mái che cho các trường học”. Với định hướng đúng, cách phối hợp nhịp nhàng và sự đồng tình ủng hộ cao trong nhân dân, tổng số tiền huy động được từ các nguồn để đầu tư xây dựng kiên cố hóa trường học ở Tây Hiếu lên đến 8 tỷ đồng. Nhờ đó, diện mạo trường lớp ở Tây Hiếu đổi thay từng ngày. Trường Mầm non xã Tây Hiếu, đơn vị đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 là minh chứng cho hướng đi đúng đắn này. Cô giáo Nguyễn Thị Lài - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với sự đầu tư xây dựng của tỉnh, thị, xã cùng với sự đóng góp của phụ huynh nên 440 trẻ tại cả 3 điểm trường đều được học bán trú trong môi trường thoáng mát, sạch sẽ, trang, thiết bị giáo dục đầy đủ góp phần phát triển kỹ năng toàn diện cho trẻ”. Thầy và trò Trường Tiểu học và THCS xã Tây Hiếu không giấu được niềm vui khi dãy phòng học 2 tầng, 8 phòng đang được tích cực thi công và sẽ đưa vào sử dụng vào đầu năm học tiếp theo, đáp ứng đầy đủ phòng học cho học sinh trên địa bàn xã.
Không chỉ ở Tây Hiếu mà tất cả các đảng ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn Thị xã Thái Hòa đều có kế hoạch, đề án thực hiện Nghị quyết số 12 của Thị ủy theo hướng kiên cố hóa trường học gắn liền với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với nhiều cách làm phù hợp thực tế của mỗi địa phương. Chỉ sau 4 năm thực hiện nghị quyết, toàn thị xã đã có 156 phòng học, 8 khu nhà hiệu bộ, 6 bếp ăn bán trú, 12 phòng chức năng được đầu tư xây dựng mới với tổng giá trị hơn 78 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách thị xã 11,7 tỷ đồng; xã, phường 15,7 tỷ đồng và xã hội hóa hơn 4 tỷ đồng, còn lại là kinh phí từ nguồn vốn kiên cố hóa của Nhà nước.
Riêng với Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã, việc triển khai nghị quyết được 30 chi bộ đảng trong toàn ngành quán triệt và xây dựng đề án thực hiện theo hướng: bám sát các tiêu chí trường chuẩn quốc gia đi đôi với chọn hướng đột phá rõ ràng. Và hướng đột phá được xác định là tập trung đổi mới công tác quản lý theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường, thực hiện công khai dân chủ; đội ngũ giáo viên được tuyển dụng, bổ sung, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và xây dựng đội ngũ cốt cán mạnh về chuyên môn, vững vàng về chính trị, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn. Sau gần 5 năm thực hiện, nghị quyết đã chứng minh được hiệu quả trong cuộc sống, nhiều chỉ tiêu đặt ra đã hoàn thành: 100% giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn, 100% học sinh lớp 3 trở lên được học ngoại ngữ; 100% học sinh mầm non và tiểu học học 2 buổi mỗi ngày, đặc biệt toàn thị xã đã có 24/32 trường học đạt chuẩn quốc gia, tăng 14 trường so với khi mới thành lập thị xã. Do đó, từ vị trí xếp thứ 13/20 huyện thành thị năm 2008 về chất lượng giáo dục, TX. Thái Hòa đã vươn lên vị trí thứ 7 và tỷ lệ học sinh khá giỏi về văn hóa nằm trong tốp 6 huyện, thị trong tỉnh năm học 2012 -2013, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Nghị quyết số 12 được ban hành kịp thời, có tính khả thi cao, đáp ứng được kỳ vọng của các cấp ủy đảng, chính quyền và giáo viên, học sinh, phụ huynh. Vì vậy, công tác tổ chức thực hiện nhận được sự đồng tình cao trong các cấp, các ngành và dư luận nhân dân. Đó cũng là tiền đề quan trọng đưa nghị quyết đi vào cuộc sống hiệu quả, mang lại những đổi thay căn bản cho nền giáo dục Thái Hòa”, đồng chí Trần Minh Hải - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Thị xã Thái Hòa đánh giá.
Những kết quả trên cũng là nền tảng vững chắc trong quá trình xây dựng ngành Giáo dục Thị xã Thái Hòa phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao trong nhân dân trong chặng đường tiếp theo. Đồng chí Phạm Quang Toản - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Thái Hòa cho biết: “Quan điểm của Thị ủy Thái Hòa là luôn ưu tiên nguồn lực phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thời gian tới, căn cứ những kết quả đã đạt được, Thị ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Thành Duy