Khởi tranh Asian Cup 2023: Từ châu lục bước ra thế giới
Qua 17 lần tổ chức, Asian Cup đã trở thành một ngày hội thực sự của bóng đá châu Á. Những đội bóng mạnh nhất khu vực sẽ cạnh tranh cho chức vô địch danh giá nhằm thể hiện đẳng cấp trên bình diện châu lục.
Qua 17 lần tổ chức, Asian Cup đã trở thành một ngày hội thực sự của bóng đá châu Á. Những đội bóng mạnh nhất khu vực sẽ cạnh tranh cho chức vô địch danh giá nhằm thể hiện đẳng cấp trên bình diện châu lục.
Đây sẽ là cơ hội để người hâm mộ được chứng kiến những trận cầu sôi động và hấp dẫn không kém so với các giải đấu hàng đầu như EURO hay World Cup.
Ngày hội lớn của châu Á
Asian Cup 2023 sẽ được tổ chức tại Qatar từ ngày 12/1 đến 10/2/2024. Đây là lần thứ hai Qatar trở thành chủ nhà của một giải bóng đá lớn sau khi đã đăng cai thành công vòng chung kết World Cup 2022. Trước đó, chưa có quốc gia nào từng đăng cai Asian Cup sau khi đăng cai World Cup, điều này cũng khiến Asian Cup ở Qatar trở nên độc đáo và đáng chờ đợi.
Qatar không phải là chủ nhà ban đầu của Asian Cup. Phải đến tháng 5/2022, sau khi AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á) thông báo đổi địa điểm đăng cai thay vì Trung Quốc, Qatar mới trở thành nơi đăng cai tổ chức Asian Cup 2023. Do thời tiết khắc nghiệt vào mùa hè của quốc gia này nên Asian Cup 2023 đã được tổ chức vào đầu năm 2024.
Qatar hội tụ đủ mọi yếu tố và điều kiện để đăng cai Asian Cup sau khi tổ chức thành công World Cup 2022. Trong thời gian diễn ra World Cup ở Qatar, cơ sở vật chất cũng như điều kiện hạ tầng đều được FIFA đánh giá cao. Về mặt chuyên môn, chủ nhà Qatar cũng tốn nhiều công sức trong việc nâng cao trình độ ĐTQG. Nên nhớ, ĐT Qatar sẽ bước vào kỳ Asian Cup 2023 với tư cách chủ nhà, đồng thời là nhà đương kim vô địch giải đấu.
Asian Cup và bề dày lịch sử
Asian Cup là giải đấu bóng đá do AFC tổ chức, với chu kỳ bốn năm một lần. Đây là giải bóng đá lớn nhất châu Á và là giải vô địch bóng đá cấp châu lục lâu đời thứ hai trên thế giới sau Cúp bóng đá Nam Mỹ (Copa America).
Hai năm sau khi AFC ra đời vào năm 1954, Asian Cup lần đầu tiên được tổ chức tại Hồng Kông (Trung Quốc) với 7 trong số 12 thành viên sáng lập AFC tham dự, biến Asian Cup trở thành giải đấu lâu đời thứ hai trên thế giới. Sau khi Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc đăng cai tổ chức hai kỳ đầu tiên, Israel được chọn làm chủ nhà của Asian Cup 1964. Sử dụng cùng một thể thức của hai giải đấu trước, Asian Cup tại Israel cũng chỉ có 4 đội tham dự và đá vòng tròn trong một bảng duy nhất để xác định nhà vô địch. Israel cuối cùng đã đứng đầu bảng với ba trận thắng để đăng quang.
Thể thức được cập nhật thành 5 đội vào năm 1968, trước khi được mở rộng thành 6 đội vào năm 1972 và 1976. Giải đấu dần là sân chơi riêng cho ĐT Iran, đội đã vô địch 3 kỳ Asian Cup liên tiếp vào các năm 1968, 1972 và 1976. Từ 1980 đến 1988, số đội tham gia tăng lên 10, nhưng các quốc gia Tây Á tiếp tục thống trị trong những năm 1980 với việc Kuwait trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên giành chức vô địch vào năm 1980, khi đánh bại Hàn Quốc 3-0 trong trận chung kết. Saudi Arabia sau khởi đầu không mấy suôn sẻ đã bắt đầu nổi lên với tư cách là quốc gia vượt qua vòng loại, sau đó giành hai chức vô địch Asian Cup liên tiếp vào các năm 1984 và 1988, khi đánh bại cả Trung Quốc và Hàn Quốc.
Nhật Bản: Thống trị châu lục, và bước ra thế giới?
Cuối những năm 1990, Asian Cup bắt đầu được chuyên nghiệp hóa. ĐT Nhật Bản cho đến những năm 1990 chỉ là một tên tuổi nhỏ của bóng đá châu Á, và quốc gia này chỉ đủ điều kiện tham dự giải đấu từ năm 1988.
Tuy nhiên, Nhật Bản đã nhanh chóng có những bước chuyển mình mạnh mẽ, khi họ đăng cai Asian Cup 1992. Đây là giải đấu có 8 đội tham dự, và chia làm hai bảng, chủ nhà Nhật Bản đã đăng quang lần đầu tiên sau khi đánh bại đội ĐKVĐ Saudi Arabia với tỷ số 1-0 trong trận chung kết. Từ đó, ĐT Nhật Bản đã dần thống trị châu Á bằng màn trình diễn vượt trội. Kể từ năm 1984, Nhật Bản (4 lần) và Saudi Arabia (3 lần) là những đội thành công nhất với tổng cộng 7 danh hiệu vô địch sau 10 lần Asian Cup được tổ chức gần đây.
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, Nhật Bản vẫn là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch Asian Cup 2023. Có nhiều nguyên nhân giúp Nhật Bản được đánh giá cao hơn các đối thủ còn lại. Dù chỉ 9 lần góp mặt ở đấu trường Asian Cup nhưng đội bóng xứ sở mặt trời mọc đã rất có duyên với danh hiệu khi trở thành đội giàu thành tích nhất với 4 chức vô địch.
Không chỉ vậy, ĐT Nhật Bản đang sở hữu những cái tên được coi là chất lượng bậc nhất. Hầu hết các tuyển thủ Nhật Bản đều thi đấu ở châu Âu và các quốc gia có nền bóng đá phát triển. Do đó, Nhật Bản vẫn ở một đẳng cấp khác biệt so với phần còn lại của giải đấu. Phong độ gần đây của thầy trò HLV Moriyasu Hajime cũng là vô cùng thuyết phục. Trong chuỗi thắng của ĐT Nhật Bản, họ đánh bại nhiều đối thủ mạnh ở các châu lục khác như Đức, Thổ Nhĩ Kỳ hay Tunisia. Để chuẩn bị cho Asian Cup năm nay, Nhật Bản hạ nhà vô địch AFF Cup là Thái Lan 5 bàn không gỡ. Đó có thể coi là phép so sánh để người hâm mộ hình dung về sức mạnh đáng sợ của thầy trò HLV Hajime Moriyasu với phần còn lại tại Asian Cup 2023.