Không bấn loạn lúc nguy nan
(Baonghean) -
Một tuần trôi qua, loài người nín thở dõi theo cuộc "đối đầu” giữa nhân dân, Chính phủ Nhật - nền kinh tế thứ 3 thế giới, với thảm họa thiên tai. Hơn bao giờ hết thế giới được dịp chứng kiến những tính cách hấp dẫn, những đặc trưng ưu việt của người Nhật. Và, chúng ta có quyền tự hào về một bản lĩnh người Nghệ trong cuộc bạo loạn Libya.Bản lĩnh người Nhật
Trận động đất lịch sử đã xô lệch trục trái đất ít nhất 8 cm, hòn đảo lớn nhất của nước Nhật bị dịch chuyển 2,4m (theo dự báo của các nhà thiên văn học), diện mạo địa lí vùng đông bắc đất nước hoa Anh đào bị biến dạng so với ban đầu. Những hệ lụy ấy, đến thời điểm đầu thế kỉ 21 vẫn nằm ngoài khả năng chống đỡ của con người.
Động đất, sóng thần, núi lửa hoạt động trở lại, các nhà máy điện nguyên tử trong tình trạng báo động đỏ… Hơn 10 ngàn người chết và mất tích, thiệt hại về vật chất ước tính ban đầu tới hàng trăm tỉ đô la, vẫn chưa dừng lại con số cuối cùng. Người Nhật đang chạy đua với thời gian, gồng mình chống đỡ với họa vô đơn chí, nhất là lo ngại lõi lò phản ứng bị tan chảy, gây thảm họa phát tán phóng xạ. (Trên toàn nước Nhật có 55 lò phản ứng hạt nhân thuộc 17 nhà máy điện). Sự hủy diệt khủng khiếp của cuồng nộ tự nhiên đã buộc một số quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc,Thái Lan… phải nhìn nhận lại chủ trương phát triển nguồn năng lượng hạt nhân - sản phẩm của trí tuệ loài người.
Hàng tỉ người trên thế giới sau giây phút kinh hoàng với hình ảnh ghi lại sự tàn phá hủy diệt của động đất, sóng thần, lại được dịp chứng kiến và tâm phục bản lĩnh kiên cường của người Nhật đang vượt lên thảm họa.
Hình ảnh động đất 9 độ richter đang rung chuyển các toà nhà chọc trời, người dân Nhật vẫn không náo loạn, không dẫm đạp lên nhau, hơn thế mọi người vẫn bình tĩnh trở lại công việc của mình. Nhà cửa hoang tàn, người thân mất tích, thi thể nằm khắp nơi… Nhưng, những người Nhật sống sót vẫn bình lặng, đáng khâm phục.
Hàng ngàn người Nhật phải chịu đói rét mà không hề oán trách kêu ca, họ kiên nhẫn chờ đợi trợ giúp từ chính quyền, từ những tấm lòng đang đến từ ngoài vùng thảm họa. Hàng trăm người vẫn bình tĩnh xếp hàng chờ đến lượt để nhận thức ăn nước uống và một số vật dụng thiết yếu.
Đã lâu rồi người Nhật (trong vùng thảm họa) mới phải trật tự đứng chờ trước các quầy hàng ít ỏi dù lượng hàng hóa không thể bổ sung, song vẫn bình ổn giá. Không ai tranh giành ai, "đục nước béo cò" không có đất tồn tại trong ý thức của người Nhật, cũng như trong trật tự xã hội ở mức bình thường vốn được duy trì thông qua sự quản lí nghiêm minh của luật pháp. Qua thảm họa thiên nhiên bất khả kháng, hơn bao giờ hết thế giới được dịp chứng kiến những tính cách hấp dẫn, những đặc trưng ưu việt của người Nhật, từ đó không thể không đặt câu hỏi sẽ như nào nếu thảm hoạ tương tự xảy ra ở một nơi khác trên thế giới ?
… Đến bản lĩnh người Nghệ
Trước đó vài tuần, trong cơn biến động chính trị xã hội ở Libya, nhóm 300 lao động Việt Nam nơi Chu Ngọc Sơn quê xã Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An làm phiên dịch, không hề hoảng loạn bỏ của chạy người như một số lao động ở nơi khác. Họ thành lập ban chỉ huy (trong đó có Sơn), dựng lên chiến luỹ bao quanh và chiến đấu với nạn trộm cướp đang nổi lên khắp đất nước Libya. Hằng ngày họ cắt cử người tuần tra canh gác, hễ có biến động là đánh kẻng báo động, anh em canh gác ngồi thản nhiên đánh cờ ngoài cổng trại và không hề tỏ ra sợ hãi trước tiếng súng.
Được tổ chức bài bản, 300 lao động VN đã dũng cảm bảo vệ an toàn cho bản thân, cho chủ sử dụng lao động và nơi làm việc. Khâm phục tinh thần đoàn kết, dũng cảm của 300 lao động VN, ông chủ người Hàn Quốc đã chi trả đủ lương cho họ. Đến khi không thể ở lại trong vùng xẩy ra giao tranh dữ dội, họ được lệnh rút về nước, ông chủ đã thuê xe chở họ tới biên giới giáp giữa Libya và Tunisia.
Trên đường chạy loạn qua sa mạc để vượt biên giới Libya đến sân bay Djecba (Tunisia), họ biết phát huy tinh thần tương thân tương ái, cắt cử người khỏe thay nhau dìu người vị thương. Chẳng là trước đó, anh Phạm Quang Úy (quê Hà Tĩnh) đang phải nằm bẹp một chỗ điều trị gãy chân, vỡ xương chậu do vụ tai nạn lao động sập giàn giáo trước đó. Khi xẩy ra biến loạn, 300 lao động VN đã phát huy truyền thống "bầu ơi thương lấy bí cùng". Ngoài ra họ còn phát huy "sở trường" ăn thịt chó thay cơm để nhiều ngày không bị chết đói chết khát giữa sa mạc xứ người.
Trong cảnh biến loạn từ Libya trên đường chạy sang Tunisa, họ luôn mang theo cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, quốc kỳ Việt Nam là niềm tự hào của 300 lao động đang gặp nạn trên đất khách quê người. Từ Tripoli (Libya) đến biên giới giữa Libya và Tunisia phải qua nhiều bốt gác dã chiến, trong đó có bốt gác của phe nổi loạn và của Chính phủ Gaddafi. Khi gặp nhóm lao động Việt Nam chạy loạn, các tay súng của cả hai phe đều hỏi, khi biết là người Việt Nam, binh lính của hai phe đều vui vẻ nâng sào cho đi cho qua.
Ngay cả người dân Libya cũng rất cảm tình với lao động người Việt Nam, họ san sẻ phần thức ăn, nước uống ít ỏi dành cho gia đình trong khi chạy loạn. Anh Võ An Ninh (quê xã Diễn Đồng, Diễn Châu, Nghệ An) cho hay: Quốc kỳ Việt Nam là sức mạnh tinh thần giúp nhóm lao động vượt qua những ngày hoạn nạn. Khi đang làm việc tại Libya, vào những ngày Lễ, Tết của dân tộc, 300 lao động vẫn duy trì chào cờ hát quốc ca, gặp lúc loạn lạc trên đất người, cờ Tổ quốc luôn là điểm tựa tinh thần của anh em lao động.
Loài người đang phải đối diện nhiều hơn với thảm họa bất khả kháng của thiên nhiên, đối diện với bao hậu họa sinh ra từ cuồng vọng của các phe phái. Chính loài người (trong đó có người Nghệ chúng ta) phải kiên cường, bình tĩnh, đoàn kết, kỷ luật như người Nhật, có vậy mới không bấn loạn trong những lúc nguy nan.
Giao Hưởng