Sức khỏe

Không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Thành Chung 18/11/2024 12:10

Năm 2024 này, số ca mắc sốt xuất huyết giảm sâu so với những năm trước. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân có thể chủ quan với dịch bệnh này.

Diễn biến phức tạp

Từ đầu năm đến nay, với diễn biến thời tiết phức tạp, dịch sốt xuất huyết đã bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tại thành phố Hải Phòng, tính đến ngày 01/11, đã có 19.812 ca mắc, tăng gấp 23,5 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng trong thời gian này, tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.552 ca sốt xuất huyết, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tại Hà Nội, sốt xuất huyết giảm 80,4% so với cùng kỳ năm 2023 song cũng ghi nhận tới 5.065 ca mắc. Thành phố Hồ Chi Minh từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận hơn 11.000 ca mắc, trong đó có nhiều ca bị nặng do nhập viện trễ...

sot-xuat-huyet-1-1731558984166485266335-1-.jpg
Điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng. Ảnh: Internet

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue lây truyền qua muỗi vằn gây ra. Đây là căn bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là 1 trong 10 mối đe dọa hàng đầu với sức khỏe cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng do sốt xuất huyết.

Trước đây, ở Việt Nam, cứ 10 năm sẽ xuất hiện đỉnh dịch sốt xuất huyết 1 lần. Song điều này hiện đã thay đổi. Chỉ trong vòng 4 năm (2019-2022), Việt Nam đã ghi nhận 2 đỉnh dịch sốt xuất huyết lớn với tổng số ca mắc lên tới hơn 661.000 ca, trong đó có hàng ngàn ca bệnh nặng. Hiện nay, bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng vì không còn xuất hiện theo chu kỳ mà trở thành bệnh lưu hành hàng năm. Sốt xuất huyệt đã đặt ra một thách thức không nhỏ cho công tác phòng ngừa và điều trị bệnh.

Tuyên truyền cho người dân về sốt xuất huyết ở huyện Diễn Châu. Ảnh Thành Chung
Tuyên truyền cho người dân về sốt xuất huyết ở huyện Diễn Châu. Ảnh: Thành Chung

Ở Nghệ An, Sốt xuất huyết cũng là bệnh lưu hành hàng năm. Năm 2024 này, số ca mắc sốt xuất huyết giảm sâu so với những năm trước, với tổng ca mắc là 214 ca, trong đó có 108 ca nội tại và 106 ca ngoại lai.

Phân bố các ca mắc nội tại, gồm: Huyện Diễn Châu có 56 ca, huyện Quỳnh Lưu có 21 ca, thị xã Hoàng Mai có 11 ca, thành phố Vinh có 3 ca, huyện Con Cuông có 10 ca, huyện Thanh Chương có 2 ca, huyện Hưng Nguyên có 2 ca, huyện Nghĩa Đàn có 1 ca, huyện Yên Thành có 1 ca, huyện Anh Sơn có 1 ca.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Chu Trọng Trang - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An: Tỉnh Nghệ An đã và đang thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch sốt xuất huyết nói riêng. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta có thể chủ quan. Diễn biến thời tiết vẫn đang rất phức tạp, đây cũng là một yếu tố thuận lợi để muỗi Aedes - tác nhân chính truyền bệnh phát triển.

Cần chủ động phòng chống

Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh do virus Dengue gây nên. Bệnh sốt xuất huyết lây truyền từ người này sang người khác là do muỗi vằn Aedes Aegypti. Bệnh thường xuất hiện và gây thành dịch vào các tháng mùa mưa lũ, bệnh gặp ở các vùng đông dân cư, vệ sinh môi trường kém.

Nhiều hộ dân còn có thói quen sử dụng dụng cụ chứa nước để sinh hoạt không lau rửa thường xuyên làm nơi sinh sản bọ gậy. Ảnh Từ Thành
Nhiều hộ dân còn có thói quen sử dụng dụng cụ chứa nước để sinh hoạt không lau rửa thường xuyên làm nơi sinh sản bọ gậy. Ảnh: Thành Chung

Mọi người đều có thể mắc bệnh. Khi có các dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, dấu hiệu của bệnh, mọi người cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời; không tự ý điều trị tại nhà.

Sốt xuất huyết có thể khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng gì nếu điều trị đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện tại, Bộ Y tế đã phê duyệt vaccine sốt xuất huyết và đây được xem như là giải pháp giúp góp phần hoàn thiện chiến lược phòng sốt xuất huyết hiện nay.

Vaccine có hiệu quả bảo vệ khá cao, là biện pháp phòng bệnh chủ động, đặc hiệu cho số đông. Các kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine phòng sốt xuất huyết an toàn, dùng được cho đối tượng là trẻ em.

Để phòng ngừa dịch bệnh thì ngoài vaccine, mọi người cần chủ động thực hiện các giải pháp tránh bị muỗi đốt: khi ngủ mọi người nên ngủ trong màn, tẩm màn bằng hóa chất; phun thuốc diệt muỗi và đốt hương muỗi trong nhà. Bên cạnh đó phải vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phát quang bụi rậm quanh nhà và thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh; diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, đồng thời lật úp những dụng cụ chứa nước không dùng đến; thường xuyên tổng vệ sinh, dọn sạch ao tù, nước đọng.

Phun hoá chất diệt muỗi trưởng thành ở thôn Đỉnh Thắng, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn (2)
Phun hoá chất diệt muỗi trưởng thành ở thôn Đỉnh Thắng, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Thành Chung

Mọi người cần phải nhớ rằng: Không có muỗi thì không có sốt xuất huyết. Diệt muỗi ngoài việc loại bỏ yếu tố trung gian truyền bệnh từ người bệnh sang người lành; loại bỏ mầm bệnh khi muỗi có khả năng di truyền virus Dengue sang cho đời sau.

Tiến sĩ, bác sĩ Chu Trọng Trang nêu rõ: Các địa phương cần tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy" tại hộ gia đình; thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như đau bụng vùng hạ sườn phải; nôn ói liên tục hoặc nôn nhiều lần trong ngày; chảy máu bất thường: chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da (vết bầm tím, nổi chấm đỏ), tiểu ra máu; mệt lả, bứt rứt, hoặc khó chịu bất thường; tay chân lạnh, mạch nhanh, rịn mồ hôi - dấu hiệu có thể cho thấy cơ thể đang bị sốc; tiểu ít hoặc không tiểu trong nhiều giờ… cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức để tránh diễn tiến nghiêm trọng.

Mới nhất

x
Không chủ quan với dịch sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO