Không có đột phá nào trong quan hệ Trung - Mỹ

(Baonghean) - Từ 22/9 đến 25/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm cao cấp chính thức đầu tiên đến Mỹ. Đã có nhiều bài viết về sự kiện này, bàn về mục đích cũng như kết quả chuyến đi với những ý kiến trái chiều. Chúng ta cùng nhìn lại toàn cảnh chuyến viếng thăm đình đám này.

Bối cảnh
Từ năm 1979 đến nay, có tổng cộng 4 đời lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sang thăm và làm việc chính thức tại Mỹ. Đó là ông Đặng Tiểu Bình với chuyến đi vào tháng 1/1979 trên cương vị Phó Thủ tướng, ông Giang Trạch Dân thăm Mỹ vào năm 1997 với tư cách là Chủ tịch, ông Hồ Cẩm Đào năm 2010 với tư cách là Chủ tịch, và mới đây nhất là Chủ tịch Tập Cận Bình. 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng  sáng 25/9.	Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng sáng 25/9. Ảnh: Reuters
Trong cả 4 lần lãnh đạo Trung Quốc thăm Mỹ nói trên, duy chỉ có chuyến thăm của ông Đặng Tiểu Bình là diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước tương đối khăng khít, thuận lợi. Đây cũng là thời điểm mà mâu thuẫn giữa các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đang ở cao trào và Trung Quốc chủ trương kết giao với khối tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, cả hai cuộc viếng thăm sau này của hai đời lãnh đạo Trung Quốc đều diễn ra trong không khí căng thẳng, thậm chí có lúc dư luận Âu - Mỹ còn đòi cắt đứt quan hệ ngoại giao, kinh tế với Trung Quốc. Từ sau năm 2010 thì trong quan hệ Trung - Mỹ bắt đầu nổi lên vấn đề Biển Đông sau khi Trung Quốc có hàng loạt động thái bị dư luận khu vực và quốc tế lên án.
Chuyến thăm Mỹ lần này (22 - 25/9) của ông Tập Cận Bình cũng diễn ra trong bối cảnh không thuận lợi. Dư luận và chính giới Mỹ đang có ác cảm với Trung Quốc vì những vấn đề như: Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, lấn chiếm và cải tạo các đảo chìm trên Biển Đông, đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Mỹ và các quốc gia đồng minh, tin tặc Trung Quốc tấn công mạng của Mỹ để đánh cắp công nghệ độc quyền, bí mật quân sự và thông tin cá nhân của quan chức, viên chức Mỹ, phá giá đồng Nhân dân tệ vào nửa đầu tháng 8/2015 nhằm cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại kinh tế cho các nước, trong đó có Mỹ.
Trên một phông nền không mấy tươi sáng như vậy, lịch sử đã được lặp lại khi ông Tập không trực tiếp đến Thủ đô Washington mà đi “đường vòng”. Điểm đến đầu tiên của ông Tập là Seattle (22-24/9), cũng như ông Giang Trạch Dân từng chọn Virginia, tiếp đến là New York và sau cùng mới là Thủ đô Washington. Sở dĩ như vậy là bởi lãnh đạo Trung Quốc không muốn ngay lập tức đối diện với “bức tường” lạnh nhạt của chính giới Mỹ, mà từng bước tiếp cận Mỹ qua các kênh kinh tế, xã hội, truyền thông. 
Tại Seattle, ông Tập có hơn chục cuộc gặp gỡ và dự hội nghị bàn tròn với các giám đốc điều hành doanh nghiệp hàng đầu do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson chủ trì. Mọi lúc, mọi nơi, ông nhắc đi nhắc lại rằng hợp tác kinh tế Trung - Mỹ mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên và để chứng minh, Chủ tịch Trung Quốc đã mở hầu bao chi 38 tỷ USD mua 300 máy bay Boeing, mời Tập đoàn Boeing xây dựng nhà máy lắp ráp máy bay tại Trung Quốc. 
Kết quả, một số tờ báo lớn của Mỹ đã đưa tin về những động thái nói trên và cổ động cho việc thúc đẩy hợp tác Mỹ - Trung, phần nào làm nhẹ đi bầu không khí nặng nề trước khi ông Tập đến Nhà Trắng. Tất nhiên hiệu ứng truyền thông có lẽ không được như giới chức Trung Quốc kỳ vọng khi chuyến thăm của ông Tập trùng hợp với chuyến thăm của Giáo hoàng Francis - thu hút được sự chú ý của người dân và có sức ảnh hưởng nhất định đến chính giới Mỹ, bởi Giáo hoàng là người có vai trò, đóng góp cực kỳ lớn trong việc bình thường hoá mối quan hệ Mỹ - Cuba. 
Mục đích và kết quả
Tuy không công khai nhưng mục tiêu chủ yếu mà Trung Quốc đặt ra trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình lần này không khó để nhìn ra. Đó là thuyết phục chính giới Mỹ, trực tiếp là chính quyền Obama, chấp nhận cam kết xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới với Trung Quốc trong 5,10,15 năm tới với 3 trụ cột: 1. Không đối đầu; 2. Không xâm phạm lợi ích cốt lõi và công việc nội bộ của nhau; 3. Hợp tác cùng thắng.
Tháng 6/2013, tại cuộc gặp gỡ không chính thức với Tổng thống B.Obama tại trang trại Sunnylands, bang California, ông Tập Cận Bình đã đề nghị Trung Quốc và Mỹ “cần phải cùng nhau hành động để xây dựng một hình mẫu mới về quan hệ nước lớn, dựa trên sự tôn trọng và hợp tác vì lợi ích của người Trung Quốc, người Mỹ và cả người dân trên toàn thế giới”. Trước đề nghị này, Tổng thống B.Obama không tỏ thái độ, quan điểm gì.
Từ đó đến nay, giới chức Trung Quốc đã tận dụng mọi cơ hội để nêu vấn đề nói trên với các quan chức Mỹ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tháng 11/2014 ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình tiếp tục đưa ra đề nghị với Tổng thống B.Obama. Tất cả những lần đề nghị đó đều không nhận được sự hưởng ứng của Mỹ. 
Trung Quốc vẫn không từ bỏ ý định đó, thấy rõ qua việc cử hai quan chức cấp cao là Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Mạnh Kiến Trụ (Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị) và Ủy viên Quốc vụ (một chức vụ dưới Phó Thủ tướng nhưng trên Bộ trưởng tại Trung Quốc) Dương Khiết Trì lần lượt đến Mỹ vào nửa đầu tháng 9 vừa qua để xoa dịu các mâu thuẫn, “dọn đường” cho ông Tập thuận lợi thực hiện “sứ mệnh chính trị”.
Mục tiêu quan trọng thứ hai của ông Tập là tạo đột phá trong đàm phán về “Hiệp định đầu tư song phương Mỹ - Trung” (BiT) và cam kết thời gian cụ thể để hoàn thành đàm phán. Bắt đầu từ 2008, đây là cuộc đàm phán quan trọng nhất trong lĩnh vực kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay.
Ông Tập có đạt được những mục tiêu lớn đặt ra không? Có rất nhiều ý kiến đánh giá trái chiều. Truyền thông Trung Quốc đồng loạt ca ngợi thành công mỹ mãn của chuyến đi này. Một số tờ báo lớn ở Hồng Không, Ma Cao thì đánh giá khiêm tốn, còn báo chí Đài Loan thì cho rằng chuyến đi này không đạt được mục đích. Xem tuyên bố chung Mỹ - Trung 25/9 và qua buổi họp báo ở Washington, dư luận Mỹ cho rằng quan hệ Mỹ - Trung vẫn “Vui là vui gượng kẻo là; Ai tri âm đó, mặn mà với ai!”.
Nhìn nhận, đánh giá lại điều thỏa thuận giữa ông Tập với Tổng thống B.Obama: 1. Mỹ - Trung hợp tác đảm bảo an ninh mạng. 2. Mỹ - Trung hợp tác chống biến đổi khí hậu. Thực chất thỏa thuận này không nói lên điều gì. Còn những mục tiêu lớn nhất mà Trung Quốc đặt ra thì xem như thất bại, trong Tuyên bố chung không hề nhắc đến vấn đề hai bên cam kết xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới, còn hiệp định đầu tư song phương (BiT) vẫn tiếp tục nghiên cứu mà không có một lộ trình đi đến kết thúc đàm phán.
Kết quả này có thể dự đoán trước được, bởi Trung Quốc từ trước đến nay thường xuyên lảng tránh những cam kết cụ thể có thể kiểm chứng được, thay vào đó là đưa ra những khái niệm, thuật ngữ chung chung, mơ hồ. Đó là một trò chơi chữ, một thủ pháp - thủ đoạn chính trị nhằm ràng buộc đối phương trong khi bản thân Trung Quốc có những hành động lấn lướt, xâm phạm đến lợi ích của đối phương mà không sợ bị “tuýt còi”, “phạt thẻ”. 
Hơn nữa, Mỹ vẫn chưa bao giờ chấp nhận Trung Quốc ở vị thế ngang hàng trên trường quốc tế, việc chấp nhận quan hệ nước lớn kiểu mới với Trung Quốc là đi ngược lại suy nghĩ đó. Nên trong bối cảnh mà Mỹ vẫn đang vượt trội về mọi mặt, có khả năng làm chủ cuộc chơi thì có lẽ Mỹ sẽ không bao giờ mất tỉnh táo mà chấp nhận lời đề nghị của Trung Quốc, dù chính quyền Bắc Kinh có “tha thiết” đến thế nào đi chăng nữa!
Tác động thế nào đến Việt Nam?
Việt Nam có quan hệ ngoại giao, kinh tế với gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó quan hệ quan trọng nhất là quan hệ Việt - Trung và quan hệ Việt - Mỹ. Mọi thăng giáng trong quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ đều tác động đến Việt Nam theo cả hai chiều thuận, nghịch.
Tuy nhiên, kết quả chuyến đi Mỹ lần này của Chủ tịch Trung Quốc đối với chúng ta cơ bản không có gì đáng lo ngại, vì mọi thỏa thuận Mỹ - Trung hiện nay chỉ mang tính tình huống, tạm thời. Thậm chí có thể nói, họ đang “chơi” trò câu giờ với nhau, khi mà cả hai bên đều có những mục tiêu và lý do để không trở mặt với nhau, nhưng đồng thời ngăn cách họ là một vực thẳm của sự thiếu lòng tin, của sự mâu thuẫn và đối kháng. 
“Bà mối tốt nhất là kẻ thù chung”, hiện nay Mỹ và Trung Quốc không có kẻ thù chung rõ rệt nên quan hệ hợp tác giữa họ không thể nói là bền vững trên nền tảng đối kháng về lợi ích. Trong bối cảnh đó, Mỹ cần Việt Nam và Trung Quốc cũng cần Việt Nam. Điều này có lợi cho việc ổn định quan hệ Việt - Trung, đồng thời mở rộng, thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ. Có cả hai yếu tố này, kết hợp với việc mở rộng và thắt chặt quan hệ với các quốc gia, thực thể quốc tế khác, Việt Nam mới có thể duy trì được vị thế cân bằng, vững chãi trên trường quốc tế và khu vực đang có nhiều biến động. 
PGS. TS. Thiếu tướng 
Lê Văn Cương
(Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an)

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó. 

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

(Baonghean.vn) - Israel đang tiếp tục cuộc chiến ở Gaza nhưng cũng đang chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết ngày 11/4, trong bối cảnh lo ngại rằng Iran đang chuẩn bị tấn công Israel để đáp trả việc sát hại các chỉ huy cấp cao của Iran.

Trung Quốc khẳng định nước này sẽ không để ai bắt nạt trong vấn đề Ukraine

Trung Quốc khẳng định nước này sẽ không để ai bắt nạt trong vấn đề Ukraine

(Baonghean.vn) - Bản tin hôm nay có những thông tin đáng chú ý sau: Ukraine tuyên bố chuẩn bị kế hoạch phá hủy cầu Crimea; Nghị sĩ Ukraine thông qua dự thảo bước đầu về việc gọi nhập ngũ người bị kết án tù; Trung Quốc khẳng định nước này sẽ không để ai bắt nạt trong vấn đề Ukraine...