Không đánh giá học sinh theo kiểu 'vô thưởng, vô phạt'

02/03/2017 11:17

(Baonghean) - Được xem là có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những bất cập của Thông tư 30/2014 về đánh giá học sinh tiểu học, Thông tư 22/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng bước đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Những đổi mới

Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được triển khai trên cả nước từ năm 2014 với mục đích thay đổi cách đánh giá học sinh tiểu học, chuyển từ đánh giá bằng điểm số sang đánh giá bằng nhận xét. Tuy nhiên, qua 2 năm thực hiện, thông tư đã bộc lộ nhiều bất cập như đánh giá còn mang tính định tính, nhận xét chưa rõ, cứng nhắc.

Quy định khen thưởng chưa cụ thể nên giáo viên bị lúng túng, xảy ra tình trạng “loạn” khen thưởng. Công tác quản lý ở nhiều địa phương vẫn còn máy móc, dẫn tới áp lực cho giáo viên. Từ những bất cập này, ngày 22/9/2016, Bộ GD&ĐT đã cho ban hành Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Diễn Châu: Về yêu cầu, nguyên tắc đánh giá và tinh thần chung Thông tư 22 vẫn giữ những điểm cốt lõi, cơ bản của tinh thần Thông tư 30 đó là "đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét".

Tuy nhiên, Thông tư 22 có ưu điểm là giúp giáo viên dễ dàng đánh giá hơn, cụ thể hơn. Theo đó, thay vì có 2 mức đánh giá "hoàn thành" và "chưa hoàn thành" như Thông tư 30, thì Thông tư 22 có ba mức đánh giá: "Hoàn thành tốt", "Hoàn thành" và "Chưa hoàn thành". Ba mức này nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả phấn đấu của học sinh, giúp phụ huynh nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình.

Giờ học tin của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Diễn Châu.Ảnh: M.H
Giờ học tin của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Diễn Châu. Ảnh: M.H

Thông tư 22 cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kỳ, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức "đạt" và "chưa đạt").

Việc lượng hóa này cho phép giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó giáo viên, nhà trường có những giải pháp kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để các em ngày một tiến bộ hơn.

Tại Trường Tiểu học thị trấn Diễn Châu, kết thúc học kỳ 1, việc đánh giá học sinh đã có những điều chỉnh. Cụ thể, nếu như trước đây, các em chỉ có bài kiểm tra cuối kỳ thì nay có thêm bài kiểm tra giữa kỳ. Giáo viên vì vậy có thêm cơ sở để nhận xét, đánh giá năng lực học sinh. Nhà trường cũng chủ trương không thông báo công khai điểm giữa tập thể lớp mà gửi kết quả về cho từng gia đình để hai bên cùng xem xét và phối hợp giúp đỡ học sinh.

Cô giáo Phan Thị Thúy - Chủ nhiệm lớp 4E cho biết: “Cũng như Thông tư 30, Thông tư 22 không yêu cầu chấm điểm nhưng đòi hỏi cao hơn về trách nhiệm, sự tâm huyết của giáo viên. Bởi lẽ, nếu không theo dõi bài làm của các em hàng ngày, không sâu sát với học sinh thì không thể đánh giá một cách chính xác, khách quan, toàn diện. Cách đánh giá hiện tại cũng sẽ không gây áp lực nặng nề cho từng phụ huynh, học sinh; đồng thời cũng giúp học sinh phát huy được những năng khiếu, thế mạnh của mình ở nhiều lĩnh vực khác.

Cần sự tâm huyết, khách quan của giáo viên

Sau một học kỳ triển khai theo Thông tư 22, phụ huynh đã thấy rõ những điều chỉnh trong cách nhận xét, đánh giá. Tuy vậy, nhiều nhà trường và giáo viên còn khiên cưỡng, máy móc trong cách đánh giá. Ví như, bám vào quan điểm của Thông tư 22 là để “học sinh tiến bộ”, nhiều giáo viên chủ nhiệm “ngại” nói về những hạn chế, khuyết điểm của học sinh. Thực tế, cách đánh đồng, chỉ “khen” không “chê” chưa hẳn là đem lại hiệu quả và khiến học sinh không có ý thức cố gắng, vươn lên.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, có con đang học lớp 2 ở một trường tiểu học trên thành phố chia sẻ: “Mỗi lần phụ huynh, chúng tôi mong muốn cô giáo nhận xét kỹ hơn từng cháu để biết năng lực của con và năng lực học sinh trong lớp nhưng nhận lại chỉ là nhận xét chung chung “vô thưởng vô phạt”.

Trong khi đó, tờ giấy giáo viên phát cho từng phụ huynh để đánh giá về con thì còn sơ sài, chưa sâu sát theo kiểu “chưa hoàn thành”, “hoàn thành” hoặc “cần cố gắng”, học sinh nào cũng tương tự nhau”.

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Lưu Kiền (Tương Dương). Ảnh: M.H
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Lưu Kiền (Tương Dương). Ảnh: M.H

Cũng theo Thông tư 22, việc đánh giá năng lực, phẩm chất, học tập của học sinh ngoài quan sát của giáo viên còn có phần đánh giá nhận xét của từng học sinh. Tại các lớp học, điều này sẽ do các tổ, nhóm đứng ra tự chịu trách nhiệm. Nhưng để điều này thực hiện khách quan, trung thực, trách nhiệm thì còn rất “khó”, bởi ở lứa tuổi tiểu học các em còn nhìn nhận chủ quan và rất cảm tính.

Riêng với giáo viên các bộ môn như Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục..., theo quy định cũng sẽ đánh giá từng học sinh, nhưng rõ ràng với việc dạy nhiều lớp thì việc đánh giá chính xác từng em là rất khó. Vì vậy, ngoài 2 môn chính là Văn, tiếng Việt, các môn còn lại, cách đánh giá còn chưa đầy đủ, thiếu thông tin.

Với Thông tư 22, việc tương tác, trao đổi giữa phụ huynh và nhà trường cũng rất quan trọng. Hiện ngành Giáo dục Nghệ An đã chỉ đạo sử dụng hai kênh cung cấp thông tin để tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Một là, ghi nhận xét vào phiếu học tập hoặc vở thực hành của học sinh để giúp cha mẹ biết được các em hoàn thành, chưa hoàn thành hay còn gặp khó khăn ở nội dung học tập nào;

Hai là, định kỳ giữa học kỳ, cuối học kỳ 1 và cuối năm học, giáo viên ghi ý kiến đánh giá học sinh vào sổ liên lạc và nhận lại thông tin phản hồi từ cha mẹ học sinh. Quy định là vậy, nhưng điều này dường như chỉ thích hợp với những vùng thuận lợi; với vùng cao, sự phối hợp này khó mang lại hiệu quả.

Tại trường Tiểu học Mường Lống (Kỳ Sơn), cô giáo Nguyễn Thị Thu tâm sự rằng: “Ở vùng cao nhận thức của nhiều phụ huynh còn hạn chế nên muốn trao đổi, chia sẻ với họ rất khó. Hầu hết, khi đã cho con đi học phụ huynh ủy thác hết vào nhà trường...”.

Tìm hiểu cũng thấy, hiện chủ trương của ngành là tương tác bằng sổ liên lạc, nhưng ở thành phố Vinh và nhiều địa phương khác lại không sử dụng hoặc chỉ sử dụng một cách hình thức vào cuối mỗi học kỳ. Nhiều giáo viên cũng cho biết, họ thay sổ liên lạc bằng liên lạc điện thoại, nhưng thực tế điều này chỉ xảy ra ở một vài trường hợp đặc biệt. Do đó, việc tương tác giữa phụ huynh và nhà trường chưa được như kỳ vọng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Theo quan điểm của tôi, Thông tư 22 là một bước tiến bộ vượt bậc về đánh giá học sinh ở tiểu học. Tuy nhiên, do mới thực hiện nên việc nhận được nhiều ý kiến trái chiều là điều dễ hiểu, khi tư duy mới về đánh giá vẫn chưa hình thành trong thực tiễn nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ giáo viên. Mặt khác, bản thân ngành Giáo dục chưa thực sự quan tâm đến công tác truyền thông trong quá trình đổi mới nên đã vô tình tạo ra những hiệu ứng trái chiều mỗi khi ngành có sự thay đổi...

Những bất cập này, cũng sẽ là bài học để ngành Giáo dục có cách tiếp cận toàn diện hơn trong chặng đường tiếp theo và để Thông tư 22 được thực hiện hiệu quả./.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Không đánh giá học sinh theo kiểu 'vô thưởng, vô phạt'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO