Không dễ nguôi quên...

30/12/2012 21:43

Trong tháng 12/2012, với những ngày kỷ niệm có ý nghĩa lịch sử, Báo Nghệ An cuối tuần đã lần lượt đăng 3 bài viết nói về những địa danh một thời chiến tranh hứng chịu nhiều bom đạn của quân thù. Dù bây giờ cây trái đã lên xanh, nhà cửa, phố xá đã tấp nập mọc lên, thì dưới tầng đất sâu kia vẫn âm ỉ nỗi đau không biết đến bao năm mới dứt. Và không chỉ có làng Dừa, cầu Cấm, bến đò Vạn Rú..., mà còn rất nhiều những tên đất, tên làng là "trọng điểm" trong những ngày lửa đạn, còn rất nhiều nỗi đau bất ngờ hiện hữu giữa thanh bình hôm nay, để nhắc con người cả một quá khứ không dễ nguôi ngoai...

(Baonghean) - Trong tháng 12/2012, với những ngày kỷ niệm có ý nghĩa lịch sử, Báo Nghệ An cuối tuần đã lần lượt đăng 3 bài viết nói về những địa danh một thời chiến tranh hứng chịu nhiều bom đạn của quân thù. Dù bây giờ cây trái đã lên xanh, nhà cửa, phố xá đã tấp nập mọc lên, thì dưới tầng đất sâu kia vẫn âm ỉ nỗi đau không biết đến bao năm mới dứt. Và không chỉ có làng Dừa, cầu Cấm, bến đò Vạn Rú..., mà còn rất nhiều những tên đất, tên làng là "trọng điểm" trong những ngày lửa đạn, còn rất nhiều nỗi đau bất ngờ hiện hữu giữa thanh bình hôm nay, để nhắc con người cả một quá khứ không dễ nguôi ngoai...

Có thể kể thêm rất nhiều cái tên, một thời là "trọng điểm" ấy trên các tuyến đường bộ như Hoàng Mai, Diễn Thành, bến phà Đô Lương, đường Bò Lăn, Bara Đô Lương, Truông Bồn, Bến Thủy, Phương Tích; các tuyến đường sắt như Ga Vinh, Ga Sy, Ga Cầu Giát; tuyến đường thủy như: Lạch Quèn, Lạch Cầu Cấm, cửa sông Lam... Không chỉ trút bom nhằm chặn đường tiếp tế của ta vào Nam, giặc Mỹ còn đánh bom bất cứ nơi nào chúng nghi có công xưởng sản xuất vũ khí, đạn dược, nghi có hoạt động quân sự, thậm chí khi máy bay của chúng bị thương, chúng cũng cắt bom bừa bãi trên đồng ruộng, làng mạc của ta. 100% công xưởng, nhà máy; trên 70 thôn, bản, làng, xã đều đã bị ném bom. Đã có 29 loại bom phá, 13 loại bom sát thương, 10 loại bom chờ nổ, 25 kiểu đầu nổ cơ học, 20 kiểu đầu nổ điện tử, hóa học, bán dẫn...được giặc Mỹ sử dụng. Có những loại bom được dày công cải tiến tới 43 lần để có được hiệu quả tàn phá nặng nề nhất. Cho đến ngày nay, nhiều bia dẫn tích về tội ác của giặc Mỹ, thậm chí có cả nghĩa trang đã mọc lên ngay tại trường học, bệnh viện hay nhà thờ. Những ký ức về trận ném bom nhà thờ Cầu Rầm, Bệnh viện Phong Quỳnh Lập... vẫn là những ký ức khủng khiếp khiến chúng ta lặng người.



Bộ đội công binh xử lý quả bom còn sót lại trên đồng đất Tân Kỳ.
Ảnh: Trọng kiên

Nếu đánh giá về độ ô nhiễm của bom mìn và vật liệu nổ sau chiến tranh thì có tới 100% số xã trên toàn tỉnh bị ô nhiễm, trong đó có tới 22,2% số xã, phường chịu tác động của bom mìn ở mức độ cao và 7,7% số xã, phường ở mức độ rất cao. Con số ấy cho thấy rằng, bao nhiêu làng mạc của chúng ta đã từng chìm trong mưa bom, mỗi tấc đất đều đã bị cày xới, và mỗi hạt cát đều đã thấm máu đào. Ấy là bằng chứng của tội ác của giặc Mỹ, nhưng cũng là bằng chứng về lòng quả cảm của người dân quê ta. Sau chiến tranh, "súng gươm vứt bỏ", mỗi người dân trên mảnh đất này lại trở về cùng cày cuốc. Họ đã làm xanh lại những hố bom nham nhở ngày nào, tạm nguôi đi nỗi đau để làm lành lặn lại mảnh đất hương hỏa cha ông...

Nhưng có những nỗi đau đã không dễ khuất chìm. Đâu đó, trên mảnh đất tưởng chừng bình yên này, nơi người nông dân cày cấy, nơi công nhân đang xây dựng, những đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa... bỗng vang lên tiếng bom, mìn. Lại vẫn còn những người nằm xuống, những người mất đi một phần cơ thể. Lại vẫn chưa thể lắng lòng trước những tang thương bất ngờ ập đến... Có thể kể đến vụ nổ bom bi ở Chiêu Lưu, Kỳ Sơn năm 1999 làm chết 6 em nhỏ, vụ nổ bom ở Nghi An, Nghi Lộc năm 2002 làm chết 1 người, vụ nổ đầu đạn tại Nậm Cắn, Kỳ Sơn năm 2007 làm chết gần 1 gia đình, vụ nổ bom bi tại phường Lê Mao, Thành phố Vinh năm 2002 làm chết 1 học sinh... Thi thoảng, người ta lại phát hiện ra một vài quả bom chưa phát nổ nằm trong lòng một công trình đang xây dựng, trên đồng ruộng hay dưới một ngôi nhà. Và theo như tính toán, thì phải hàng trăm năm mới có thể rà phá hết được bom mìn còn lại trên đất nước ta.

Có một người, tôi không thể không nhớ đến trong những ngày đi tìm hiểu về nỗi đau thời hậu chiến, là một người hát rong. Đã có lần tôi viết về anh, về đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng, về một cánh tay vĩnh viễn mất đi, về những ước mơ bỗng chốc lụi tàn... Một trái mìn còn sót lại trên đồng đất Tân Kỳ đã cướp đi của cậu bé chăn trâu Vi Văn Ngữ cánh tay, đôi mắt và bao mơ ước ấy. Anh đã sống 6 năm trong bóng tối của căn phòng đóng chặt, trong nỗi đau rỉ máu. Tiếng chim xanh, mặt trời ấm nóng ngoài kia chỉ vĩnh viễn là ký ức. Thế rồi, anh đã bật dậy bởi âm thanh của chiếc đàn ghi ta, và tìm đến nó như một sự cứu rỗi. Giờ đây, đi trên phố, người ta thường gặp anh vịn cánh tay tay vào vai người phụ nữ cũng khiếm thị là vợ anh. Họ dắt díu nhau đi qua nhiều con đường. Đôi khi họ dừng lại bên một quán nhỏ, hay một ngôi chợ, nơi có nhiều người lại qua và cất tiếng hát trong bập bùng tiếng ghi ta khó nhọc được bấm bằng 5 ngón tay còn lại.Thật cảm động khi biết được rằng, với bài hát "Giai điệu Tổ quốc" của nhạc sỹ Trần Tiến, Vi Văn Ngữ đã từng đoạt giải cao trong một cuộc thi hát dành cho người khuyết tật. Mỗi khi có dịp đến thăm, hay ngồi lại với anh nơi một góc phố nhỏ nào, tôi lại nói anh hát cho mình nghe bài hát ấy. Những lời hát được ngân rung từ trong trái tim đã từng tê tái nỗi đau, rằng: "Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi, thầm vang bao nỗi vui buồn. Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi, hùng thiêng trong tiếng chiêng đồng. Tôi nghe trong đoàn quân đi, tôi nghe trong lời bão tố, bốn nghìn năm đất nước gian nan, giai điệu cháy trong tình thương đất nước vô vàn". Vi Văn Ngữ đã hát bằng cả trái tim mình, cũng là nỗi niềm bao người dân đất Việt. Anh đã phải gánh chịu nỗi bất hạnh, nỗi bất hạnh ấy là dư chấn thương đau của cả dân tộc này. Nhưng không phải vì thế mà anh ngồi ôm nỗi đau cùng những bi lụy. Anh vẫn tràn đầy yêu thương, biết ơn, tự hào với đất nước gian lao của mình.



Anh Vi Văn Ngữ - một nạn nhân của bom, mìn thời hậu chiến.
Ảnh: Cao Đông

Một người bạn tôi, là nhà báo, nhưng điều đặc biệt, anh là một người lính, nguyên là lính công binh, từng làm công việc đầy gian khó và bất trắc là rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên mảnh đất "dằng dặc đau thương" này, để trả lại sự bình yên cho mỗi ngôi làng, ngọn núi, con sông. Anh đã kể cho tôi nghe về công việc của những người lính công binh, về những điều anh đã nghĩ, về những kỷ niệm buồn vui suốt dọc những trảng cát, cánh đồng, công trường... các anh đến và lặng lẽ với những chiếc máy Shieble, Vanon... Câu chuyện của anh có những giọt mồ hôi trĩu nặng, có nếp nhăn trên những vầng trán căng thẳng, có người mẹ hiền hậu mỗi lần con đi dò mìn lại một lần bày hoa trái, thắp một nén hương cầu khấn nơi ban thờ, có âm thanh âm u, buốt nhức mà anh đã lắng nghe từ trong lòng đất. Anh kể về phút mím chặt môi đến bật máu khi chứng kiến đồng đội mìn nằm lại sau một tiếng nổ đanh gọn. Về những bàng hoàng xót xa khi những đôi bàn tay bới từ lòng đất biết bao nhiêu bom đạn chờ nổ. Về giây phút rưng rưng cắm lên trên mặt đất lá cờ xanh- cái tín hiệu báo đã an toàn cho vùng đất vừa tiến hành rà phá, tháo gỡ bom mìn. Về cái cảm giác chói chang, lặng ngắt mà anh không lý giải nổi khi đứng trên mảnh đất quê hương và thầm hỏi lòng mình: Đến bao giờ mới hết những em bé đi học trên con đường này mà không còn dẫm phải những quả mình chưa nổ? Anh đã có lần đứng nhìn hút phía con đường mòn đầy gió Lào mà ao ước con đường bình yên sẽ dài, dài mãi, nối với mọi miền đất khác. Anh kể rằng, bạn anh, một người lính công binh có biệt tài nghe được từ những âm thanh từ chiếc máy dò mìn cũ kỹ để phân biệt, đoán định được rất nhiều loại bom, hay các kim loại khác nhau, và kết luận: đáng lẽ ra "đôi tai đặc biệt ấy", sự nhạy cảm tuyệt vời ấy phải được dành để thẩm định "những âm thanh đẹp đẽ hơn mới phải". Nhưng người đồng đội ấy của anh lại là một người lính công binh. Anh đem tất cả sự nhạy cảm của mình để lắng nghe những âm thanh chết chóc ấy để thấy trong lòng đất mẹ là biết mấy đau thương, để góp sức mình hàn gắn và đem lại bình yên khỏa lấp những đau thương ấy. "Lính công binh không cho phép được nói từ "rút kinh nghiệm". Kinh nghiệm, ấy là mạng sống của con người". Ngày anh rời nghề lính công binh, câu nói của người chủ nhiệm công binh tỉnh đội dặn dày bom đạn vừa thân tình, thẳng thắn cứ nhói mãi trong anh: "Quân đội cho mi đi học thành tài để về phá bom, phá mìn phục vụ quê hương, răng mi phụ lòng? Mi sợ chết à? Mi muốn nhàn thân à? Phải chịu cực khổ, hiểm nguy mới mong có ngày vinh quang chớ?"... Không, không phải là những điều ấy đã khiến bạn tôi rời nghề công binh. Có một chân trời mơ mộng trong trái tim anh từ ngày anh là một cậu bé đã giục bước anh tiến đến một sự dấn thân mới, không kém hy sinh và hiểm nguy. Nhưng anh đã lặng nghe lời trách cứ ấy mà trào nước mắt, mà nhớ đến buốt lòng, mà thầm mong người lính-người cha ấy thứ tha cho "đứa con nông nổi", và anh kể để tôi hiểu được rằng: người lính công binh nghĩ suy như thế đó.

Không hiểu sao, tôi cứ bị ám ảnh bởi bài hát ấy của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, bài hát "Một buổi sáng mùa xuân", trên suốt chặng đi tìm tài liệu để viết về nỗi đau bom mìn. Bài hát là một câu chuyện kể xúc động về cái chết của một em nhỏ: "Một buổi sáng mùa xuân/ Một đứa bé ra đồng/ Đạp trái mìn nổ chậm/ Xác không còn đôi chân... Em thơ ơi, chiều nay trường học lại/ Trong sân chơi, bạn và thầy im lời/ Bài học về yêu thương trên giấy mới/ Sao hôm nay nét mực đã phai". Một em bé, hai em bé và nhiều em bé khác trên đất nước ta đã bước đi bằng bước chân trẻ thơ hồn nhiên trên con đường thân thuộc quê hương. Không một chút hoài nghi, không một chút đề phòng. Nhưng tiếng nổ vang lên. Và lưỡi hái tử thần đã đặt lên trái tim non ấy. Bàn tay bé thơ của em vẫn nắm chặt đám cỏ dại "có hoa vàng mong manh" như sự nắm giữ cuối cùng và bất lực.

Và tôi, cũng đã bất giác nhìn lại những cung đường mình đã qua, những mảnh đất mình đã dừng chân để nhớ về ánh mắt hun hút của người lính công binh dõi trên những trảng cát quê anh với câu hỏi nhói lòng: Đến bao giờ trên mảnh đất này mới thực sự yên tiếng đạn bom?


Thùy Vinh

Mới nhất
x
Không dễ nguôi quên...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO