Không để trẻ em phải làm những công việc nặng nhọc để kiếm tiền

Thanh Nga 12/06/2023 06:45

(Baonghean.vn) - Việc sử dụng lao động là trẻ em và để trẻ em làm việc sớm đang là vấn nạn của những nước đang phát triển, nước ta không phải là ngoại lệ.

Với phương châm hành động “Tránh gây tổn hại cho trẻ”; đồng thời, hưởng ứng Ngày Quốc tế chống lao động trẻ em (12/6), Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về vấn đề này.

P.V: Thưa ông, ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, hiện vẫn còn tình trạng nhiều trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang và hải đảo đang phải tham gia vào lực lượng lao động để góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, trang trải học hành. Điều này có thể dẫn đến tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ. Thực trạng đó đang diễn ra trên địa bàn tỉnh ta như thế nào?

Trẻ em vùng cao lên rừng kiếm củi giúp gia đình. Ảnh tư liệu Hồ Phương

Ông Đoàn Hồng Vũ: Theo các nghiên cứu gần đây, lao động trẻ em đang diễn ra phổ biến ở mọi nơi trên thế giới; khiến nhiều trẻ em phải bỏ học, bị thương tật do tai nạn khi lao động hoặc làm việc quá sức. Trong hầu hết các trường hợp đó, trẻ em không được đi học và chăm sóc sức khỏe, hạn chế các quyền cơ bản và bị đe dọa đến tương lai. Ước tính từ Điều tra quốc gia lần thứ 2 về lao động trẻ em, cả nước có hơn 1 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-17 tham gia lao động, chiếm 5,4% tổng số trẻ em trong độ tuổi này. Trong số trẻ em tham gia lao động, hơn một nửa trong số này làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Phân nửa trẻ em tham gia lao động không đi học, trong đó có tới 1,4% trẻ chưa bao giờ đến trường. Đôi khi các em bị đánh đập, xâm hại tình dục, gây tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến tâm lý suốt đời.

Ở Việt Nam, vẫn có nhiều trẻ em đang phải tham gia vào lực lượng lao động để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình bằng những công việc như bán vé số, nhặt ve chai, phụ quán... Ở Nghệ An, theo số liệu báo cáo của các huyện, thành, thị, hiện nay chưa có tình trạng trẻ em phải lao động trái quy định của pháp luật, tuy nhiên, đây đó vẫn có tình trạng trẻ em đang phải tham gia lao động để phụ bố mẹ tăng thêm thu nhập cho gia đình.

P.V: Những người sử dụng lao động đều ý thức được việc sử dụng lao động là trẻ em sẽ gây tổn hại tinh thần và thể chất của trẻ, nhưng họ vẫn sử dụng. Trẻ em dù không muốn lao động nặng nhọc nhưng vẫn làm. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Ông Đoàn Hồng Vũ: Về nguyên nhân, theo các nghiên cứu điều tra, lao động trẻ em thường bắt nguồn từ 3 yếu tố: Do gia đình nghèo và dễ bị tổn thương; nhận thức của một số bộ phận cha, mẹ, gia đình của chính trẻ em đó hạn chế; đặc biệt là do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, dẫn tới tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng, tác động xấu đến việc làm và thu nhập của một số hộ gia đình, nên trẻ em phải tham gia lao động để đối phó với tình trạng đó.

Nguyên nhân dẫn tới lao động trẻ em một phần còn do bản thân các em thích có tiền để chi tiêu hơn, nên tự nguyện kiếm việc làm dù tuổi còn nhỏ.

Hiện nay, trẻ em lao động ở đô thị rất dễ phân biệt và có sự can thiệp dễ dàng, nhưng trẻ em lao động ở vùng nông thôn đang khó xác định, bởi một phần từ quan điểm của cha mẹ là trẻ em tham gia lao động, giúp thêm việc cho gia đình là hợp lý, đúng trách nhiệm làm con cái. Các địa phương cũng chưa thực sự quan tâm tuyên truyền, giáo dục sát sao tới các gia đình và bản thân trẻ em về vấn đề này.

Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo các quy định như: Phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của trẻ; phải bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến giờ học tập của trẻ; bảo đảm điều kiện làm việc, phù hợp với lứa tuổi.

P.V: Theo thống kê, nước ta có tỷ lệ lao động là trẻ em không cao, nhưng tình trạng trẻ em làm việc trong các quán ăn, nhà hàng, trong các làng nghề và trên nương rẫy vẫn còn nhiều. Vậy theo ông, để giải quyết tình trạng này, cần có những giải pháp nào?

Từ nhỏ, các em nhỏ miền núi đã biết làm việc nhà và những công việc nặng nhọc như lên rừng kiếm củi, bắt cá dưới suối. Ảnh tư liệu của Hồ Phương

Ông Đoàn Hồng Vũ: Tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam hiện nay không cao và giảm dần theo từng năm. Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% (năm 2012) xuống còn 9,1% (năm 2018). Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ở Nghệ An, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm chỉ đạo vấn đề này. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em các giai đoạn 2016-2020, 2021-2025. Các sở, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá tình trạng sử dụng lao động trẻ em gắn với triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội; cải thiện điều kiện, môi trường lao động phù hợp tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh; giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ trẻ em và gia đình cải thiện cuộc sống, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em trên địa bàn. Do đó, 6 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh không có trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

Tổ chức Tết Thiếu nhi cho trẻ em xã vùng cao. Ảnh: CSCC

Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất tình trạng lao động trẻ em, tỉnh ta đã đề ra 5 nhóm giải pháp cụ thể: Thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông, chính sách xóa mù chữ và các chính sách bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em trong các hộ gia đình nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác. Tăng cường các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam, trong đó, trẻ em là đối tượng ưu tiên. Đẩy mạnh các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác với các đối tác quốc tế như ILO/ Bộ Lao động Hoa Kỳ, UNICEF và các đối tác khác về cải thiện điều kiện, môi trường lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức một cách phù hợp; tạo nguồn sinh kế cho các gia đình nghèo; hỗ trợ trẻ em tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp.

Đổi mới truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em của các cấp, các ngành, trường học, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là cha mẹ và trẻ em. Tập trung giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn việc học tập và gia tăng nguy cơ lao động trẻ em trong các gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, bãi ngang và hải đảo.

Tặng quà cho trẻ em thị xã Hoàng Mai. Ảnh: CSCC

Đối với Nghệ An, ngay sau khi có văn bản, hướng dẫn của trên về các mục tiêu như: “Tháng hành động Vì trẻ em”, “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”, “Ngày Thế giới chống lao động trẻ em”…, cấp ủy, các địa phương đã nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo triển khai, tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân về ý nghĩa, vai trò của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em (kể cả vấn đề lao động trẻ em); xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam. Ngành LĐ-TB&XH cũng tiến hành tổ chức các hoạt động kỷ niệm thiết thực, hiệu quả và phù hợp với đặc thù từng đầu mối nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức xã hội trong việc phòng, chống và kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là đuối nước và tai nạn giao thông, quyền được học tập, bảo hộ theo đúng độ tuổi của trẻ; bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển; phòng, chống bạo lực gia đình.

P.V: Chúng ta vừa triển khai phát động Tháng hành động Vì trẻ em với phương châm hành động “Chung tay giảm thiểu tổn hại cho trẻ”, vậy mục tiêu của phương châm hành động này là gì?

Huyện Yên Thành tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2023. Ảnh: CSCC

Ông Đoàn Hồng Vũ: Đó là chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em; Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em; Cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; Truyền thông, quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), Tổng đài Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An (số 1800.599.963) để mọi người dân và trẻ em liên hệ miễn phí khi có nhu cầu hỗ trợ, can thiệp. Từ đó, nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Chủ động giải quyết các vấn đề về trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông. Thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, đặc biệt cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cho chính bản thân trẻ em.

Tổ chức lớp dạy bơi cho trẻ ngày hè. Ảnh: CSCC

P.V: Ngoài những hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động Vì trẻ em”, được biết Sở LĐ-TB&XH cũng đã chủ trì lên phương án xây dựng kế hoạch tổ chức “Diễn đàn trẻ em”, vậy thông qua diễn đàn này, mục tiêu của chúng ta là gì, thưa ông?

Ông Đoàn Hồng Vũ: Năm nay Diễn đàn trẻ em sẽ được triển khai theo chủ đề: “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” dự kiến sẽ tổ chức ở 3 huyện trước ngày 30/6 và ở cấp tỉnh trong tháng 7/2023, cấp quốc gia trong tháng 8/2023. Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục và đào tạo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức Diễn đàn trẻ em với các nội dung phong phú, bổ ích nhằm tạo điều kiện cho trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho chính trẻ em.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trao quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cho 20 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đô Lương tại Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2023. Ảnh tư liệu của Minh Quân

Thông qua Diễn đàn, trẻ em sẽ thảo luận, đóng góp các sáng kiến, kiến nghị theo 5 chủ đề: Trẻ em tham gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tham gia phòng, chống, giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; tham gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tham gia phòng, chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai; tham gia phòng, chống tình trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

Diễn đàn trẻ em là cơ hội để các em được đối thoại trực tiếp với các cấp lãnh đạo địa phương về các vấn đề mà các em đang băn khoăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyền trẻ em. Qua đó, phát huy quyền tham gia của trẻ em, tạo cơ hội cho trẻ em được giao lưu, học hỏi, được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề trẻ quan tâm, được đề xuất sáng kiến và giải pháp đối với các cơ quan chức năng trong xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án để thực hiện tốt mục tiêu trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh; đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể, gia đình và cả cộng đồng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Với những chủ trương hành động quyết liệt, hy vọng sẽ mang đến cho trẻ một mùa Hè an toàn; góp phần chung tay xây dựng một môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mới nhất
x
Không để trẻ em phải làm những công việc nặng nhọc để kiếm tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO