'Khổng Minh xứ Nghệ' và Công Vinh 'tranh cãi' trong chính sách ngoại binh?
(Baonghean.vn) - Một số HLV và các lãnh đạo đội bóng V.League đang ủng hộ phương án gia tăng số lượng ngoại binh, tuy nhiên có không ít quan điểm phản đối.
Ngoại binh, một phần không thể thiếu của các giải bóng đá VĐQG và quyết định đến chất lượng của giải đấu. Quyền Chủ tịch CLB TP. Hồ Chí Minh Lê Công Vinh cách đây không lâu có lên tiếng ủng hộ việc tăng suất ngoại binh tại V.League.
Với một đội bóng có tiềm lực tài chính như CLB TP Hồ Chí Minh thì việc chỉ sử dụng được 2 ngoại binh được cho là thiệt thòi nếu có tham vọng vô địch. Bởi đội bóng mà Lê Công Vinh đang là quyền chủ tịch không có được một hệ thống đào tạo trẻ đủ tốt, chiều sâu để cung ứng cho đội 1.
Tài chính hạn hẹp không có tiền chiêu mộ ngoại binh giỏi, SLNA thất thế tại V.League. Ảnh: PV |
Còn SLNA, hàng năm phải gặt lúa non, đôn gần chục cầu thủ trẻ lên tập luyện và làm quen với môi trường V.League thì tăng số lượng ngoại binh vô tình khiến đội bóng xứ Nghệ gặp thất thế. Đồng thời, hạn chế cơ hội thể hiện, phát triển của các tài năng trẻ, đặc biệt là các tiền đạo. Về điều này, ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng giám đốc Cty CP SLNA là một trong những Ủy viên BCH VFF tán thành phương án chỉ sử dụng 2 ngoại binh và 1 nhập tịch tại V.League kể từ 2016-2018.
Lê Công Vinh vốn là một tiền đạo giỏi và am hiểu thực trạng bóng đá Việt Nam hiện tại. Cựu tiền đạo xứ Nghệ hiểu, V.League muốn hấp dẫn có chất lượng tăng lên phải có những ngoại binh giỏi. Và những cầu thủ nhập tịch, hay việc “xuất khẩu” được cầu thủ sẽ giúp một nền bóng đá phát triển, đi lên. Đó là quy luật tất yếu của bóng đá hiện tại và bóng đá thế giới. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở tài chính không đồng đều của các đội bóng và mặt bằng chung là thấp.
Các ngoại binh V.League đa số được ưu tiên ở vị trí tiền đạo và còn nhiều bất cập trong khâu tuyển chọn ngoại binh như chất lượng, tài chính hạn hẹp hay các HLV chưa toàn quyền trong khâu kiểm định, chiêu mộ. Và đương nhiên khi các ngoại binh kém chất lượng được trao cơ hội thì ĐTQG Việt Nam ngày càng thiếu đi những tiền đạo giỏi. Ngoại binh nhiều nhưng kém bỗng nhiên trở thành gánh nặng của đa số các CLB và cả một nền bóng đá.
Một trận đấu gần nhất tại J.League 2017. |
Tại J.League, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản quy định các CLB được đăng ký thi đấu 3 cầu thủ ngoại binh + 1 châu Á + 1 ASEAN. Tuy nhiên thực tế, các CLB Nhật Bản hiếm khi chiêu mộ ngoại binh Đông Nam Á và chưa bao giờ tung hết 5 ngoại binh ra sân.
Các HLV Nhật Bản không tận dụng hết quyền sử dụng ngoại binh mà chỉ sử dụng 2 ngoại binh các châu Mỹ hoặc châu Âu và 1 ngoại binh châu Á, thường là Hàn Quốc và Triều Tiên. Tức là đảm bảo không quá 3 ngoại binh ở 3 vị trí hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo thi đấu trên sân. Đó dường như là một quy định ngầm của bóng đá Nhật bản. Chính vì vậy mà J.League vừa đảm bảo cơ hội phát triển cho tài năng trong nước mà Việt Nam nên tham khảo. Đồng thời, thúc đẩy bóng đá xứ sở mặt trời mọc phát triển nhờ vào những ngoại binh đẳng cấp, chủ yếu đến từ Brazil.
SLNA mùa giải 2018 còn tham dự đấu trường AFC Cup 2018. Theo quy định, SLNA tham dự AFC Cup sẽ được phép đăng ký 3 ngoại binh, 1 ngoại binh gốc Á và 1 cầu thủ nhập tịch, nhưng chỉ được phép đăng ký và sử dụng 2 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch trong 1 trận đấu V.League 2018. Tài chính hạn hẹp, SLNA đành giữ chân lại ngoại binh Olaha Michael và chỉ tuyển thêm 1 ngoại binh nữa. |
Trung Kiên