Không sang tên ô tô, xe máy, chủ cũ có thể dính rắc rối pháp lý
Không sang tên ô tô, xe máy, không chỉ chủ mới mà chủ cũ của ô tô, xe máy cũng có thể đối diện với rủi ro pháp lý.
Trao đổi về vấn đề pháp lý khi mua ôtô, xe máy cũ, luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Không sang tên chính chủ, chủ sử dụng xe máy (cá nhân) có thể đối diện mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (Điểm a Khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Chủ sử dụng ôtô (cá nhân) có thể bị phạt từ 2 triệu đến 4 triệu đồng (theo Điểm l Khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Luật sư Nguyễn Thu Trang lưu ý thêm, không chỉ chủ mới, khi không sang tên chính chủ, chủ cũ của ô tô, xe máy có thể dính rủi ro pháp lý.
Theo Thông tư 24/2023/TT - BCA của Bộ Công an khi mua bán xe nhưng không sang tên, biển số định danh vẫn quản lý theo chủ cũ trong trường hợp xảy ra tai nạn, chủ xe phải chịu trách nhiệm pháp lý với xe được gắn với biển số định danh của mình.
Như vậy, khi ô tô, xe máy có liên quan đến tai nạn giao thông, vi phạm pháp luật hoặc liên quan đến các vụ án dân sự, hình sự thì chủ cũ dù không vi phạm, không gây án nhưng do đứng tên trên giấy đăng ký xe nên sẽ bị cơ quan có thẩm quyền mời đến làm việc để xác minh, làm rõ, giải quyết vụ việc, vụ án...
Do đó, người dân khi thực hiện chuyển nhượng, mua bán xe, người bán và người mua cần thực hiện sang tên theo đúng quy định để tránh các vấn đề về pháp lý.
“Không chỉ người mua, chủ cũ của xe máy cần tạo mọi điều kiện phối hợp làm thủ tục sang tên để đảm bảo quyền lợi của chính mình”, luật sư Nguyễn Thu Trang nhấn mạnh.