Không soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục dùng 16 triệu USD làm gì?

vietnamnet.vn 02/12/2019 15:49

Hơn 16 triệu USD được thiết kế vay để biên soạn 1 bộ SGK nhưng sau đó Bộ GD&ĐT báo cáo không thực hiện được. Dư luận băn khoăn số tiền này được sử dụng để làm gì.

Kinh phí đầu tư cho dự án Đổi mới giáo dục phổ thông khoảng 80 triệu USD (tính theo tỷ giá hiện hành khoảng 1.800 tỷ đồng). Trong đó, 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng.

Dự án được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8/8/2016 và kết thúc vào năm 2020. Trong số này, khoản 16 triệu USD được thiết kế để Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK).

Tuy nhiên, đến tháng 5, Bộ GD&ĐT báo cáo không thực hiện việc này. Điều khiến dư luận băn khoăn là khi không đứng ra tổ chức thực hiện biên soạn SGK, 16 triệu USD ấy, Bộ GD&ĐT sẽ chi vào việc gì?

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) cho hay, trong dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông nói riêng cũng như bất cứ dự án ODA nào nói chung, kinh phí tài trợ được quy định chặt chẽ trong hiệp định.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Thanh Hùng
Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Giám đốc Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Thanh Hùng

Sau đó, người thực hiện phải bàn bạc với nhà tài trợ về các cấu phần, chi tiêu vào khoản gì bao nhiêu và được ghi thành sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án.

Trong dự án này có cấu phần biên soạn SGK, với kinh phí khi thiết kế dự án là 16 triệu USD.

Theo ông Thành, 16 triệu USD là tổng kinh phí được thiết kế dành cho việc biên soạn SGK bao gồm kinh phí tổ chức cho việc biên soạn, tiền trả công cho tác giả biên soạn tất cả các môn học/hoạt động giáo dục, tiền hội thảo, thẩm định, thử nghiệm, góp ý,…

Ngoài ra, có cả một số phần kinh phí dành cho dịch sách chữ nổi Braille cho người khiếm thị, dịch sách song ngữ tiếng dân tộc thiểu số…

"Tuy nhiên, đó là trên thiết kế, còn để giải ngân được số tiền đó thì ở từng cấu phần việc một phải có kế hoạch, được phê duyệt và Ngân hàng Thế giới cấp thư không phản đối. Quy trình là như vậy. Dự án làm đến đâu mới có đơn rút vốn đến đấy. Đơn rút vốn cũng phải được sự đồng ý của Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước rồi mới đến Ngân hàng Thế giới. Sau đó tiền mới về tài khoản của dự án và tổ chức thực hiện từng phần hoạt động.

Trường Tiểu học Hoàng Trù (Nam Đàn). Ảnh tư liệu Mỹ Hà
Hiện nay, không thực hiện theo hướng Bộ GD&ĐT làm một bộ SGK. Do đó, muốn nhận được hỗ trợ kinh phí thì phải tái cấu trúc, tái phân bổ nguồn kinh phí đó. Về phía Bộ GD&ĐT sẽ phải tính toán sẽ sử dụng vào việc gì cho phù hợp trong việc triển khai chương trình mới", ông Thành nói.

Theo ông Thành, việc triển khai chương trình mới có rất nhiều đầu việc, ngoài việc viết SGK ra còn những việc như chuẩn bị tài liệu để hướng dẫn cho người biên soạn, biên tập,… Bao gồm có thể tăng cường cho những phần hỗ trợ cho các vùng khó khăn trong việc mua SGK cho thư viện để học sinh có thể được mượn, hoặc một số việc khác liên quan đến bồi dưỡng giáo viên triển khai thực hiện chương trình.

Mỗi trường sẽ phải lập 1 hội đồng ít nhất 11 người để chọn SKG
Mỗi trường sẽ phải lập 1 hội đồng ít nhất 11 người để chọn SKG.
“Hiện nay nguồn lực bồi dưỡng cho giáo viên thiết kế trong tổng 77 triệu USD khá hạn hẹp so với số lượng gần 1 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Do đó, Bộ đang đề xuất tái cơ cấu lại. Khi đề xuất như vậy phải bàn bạc với Ngân hàng Thế giới. Được họ đồng ý mới tái cấu trúc phân bổ trong cấu phần ấy. Xong rồi phải sửa sổ tay, sau đó mới có căn cứ để thực hiện tiếp các cấu phần đó trong năm 2020 hoặc gia hạn được dự án sau đó”.

Theo ông Thành, không làm sách nên Bộ GD&ĐT phải tái cơ cấu sang các đầu việc khác. Hiện, Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục đàm phán với Ngân hàng Thế giới đến ngày 6/12 này.

“Số tiền thiết kế 16 triệu USD thực chất là đang trên kế hoạch thiết kế, nhưng khi thực hiện các đầu việc thấy hợp lý, khả thi thì mới được Ngân hàng Thế giới giải ngân. Chứ không phải là Bộ GD&ĐT đã được nhận số tiền 16 triệu USD và không làm sách giáo khoa thì thừa ra làm việc khác. Tất cả mọi việc thực hiện theo mục tiêu của Dự án và sự giám sát chi tiêu của Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới”, ông Thành nói.

Mới nhất
x
Không soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục dùng 16 triệu USD làm gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO