Không thể quy định mức hỗ trợ hàng tháng cho từng chức danh tham gia công việc khối, xóm, bản

Thu Giang 11/12/2019 12:28

(Baonghean.vn) - Sở Nội vụ đã nghiên cứu kỹ, tham vấn ý kiến Bộ Nội vụ và tham khảo các địa phương khác, khẳng định không thể đưa ra quy định mức hỗ trợ hàng tháng cho từng chức danh trực tiếp tham gia công việc của khối, xóm, bản, ngoài 3 chức danh bí thư chi bộ, xóm trưởng và trưởng ban công tác mặt trận.

Băn khoăn chế độ chính sách cho người trực tiếp tham gia công việc khối, xóm, bản

Tham gia thảo luận tại hội trường sáng 11/12, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ những băn khoăn, trăn trở liên quan đến dự thảo Nghị quyết về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn, khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An được trình xem xét, thông qua tại kỳ họp lần thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII.

Đại biểu Trần Văn Hường - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh băn khoăn trước việc kinh phí bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của khối, xóm, bản được quy định theo mức khoán chung. Ảnh: Thành Cường

Đại biểu Trần Văn Hường - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, thuộc đơn vị bầu cử huyện Nam Đàn, cho biết trong quá trình thẩm định dự thảo đến thực tiễn nhận thấy vẫn còn bất cập trước việc kinh phí bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của khối, xóm, bản được quy định theo mức khoán chung.

Dự thảo nghị quyết đưa ra mức khoán: xóm, bản có từ 350 hộ trở lên; xóm bản thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; xóm, bản thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán 25 triệu đồng/năm; các xóm, khối, bản còn lại được khoán 23 triệu đồng/năm.

Đại biểu Hường lấy ví dụ, ở cơ sở nhiều xóm trưởng kiêm chi hội trưởng nông dân, để mức khoán chung thế này họ không biết bản thân được hưởng như thế nào. Thậm chí, việc quy định không rõ ràng có thể nảy sinh tình trạng người làm việc không chuyên trách “thích thì làm, không thì thôi”. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh kiến nghị cần quy định mức hỗ trợ cụ thể cho các chức danh, không nhập chung, gây khó cho cơ sở.

Chung quan điểm này, đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) cho rằng, mức khoán kinh phí cho người trực tiếp tham gia công việc của khối, xóm, bản còn thấp: “Tính cơ bản ở khối, xóm, bản có 5 tổ chức đoàn thể thì với mức khoán đó còn rất thấp, tôi đề nghị HĐND tỉnh cần cân nhắc thêm”.

Đại biểu này cũng dẫn ví dụ ở địa bàn huyện Nghi Lộc, có nơi 5 xóm sáp nhập thành 1 xóm, địa bàn rộng, công việc nhiều hơn nhưng theo quy định mới mức phụ cấp cho các chức danh không chuyên trách không thay đổi nhiều, gây bất cập.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, không quy định các chức danh ở chi đoàn, chi hội. Vì thế, đại biểu An Phong đặt câu hỏi, HĐND tỉnh có quy định các chức danh này ở khối, xóm, bản hay không? Sắp tới các đoàn thể có tổ chức đại hội để bầu các chức danh hay không? Nếu không bầu thì bố trí như thế nào để đảm bảo hoạt động ở cơ sở?

Cũng bàn về mức khoán, đại biểu Cao Thị Thúy - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Diễn Châu đề xuất không thống nhất mức khoán cụ thể 23 và 25 triệu/năm như dự thảo Nghị quyết, sẽ không phù hợp với từng giai đoạn, với sự điều chỉnh theo thời gian của hệ số tăng lương cơ sở.

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Đình Lý giải trình làm rõ ý kiến đại biểu. Ảnh: Thành Cường

Khoán hỗ trợ là chính sách riêng của Nghệ An

Giải trình các ý kiến liên quan, ông Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trong 5 dự thảo Nghị quyết Sở này tham mưu UBND tỉnh trình tại kỳ họp này, dự thảo Nghị quyết về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn, khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhận được sự quan tâm lớn từ đông đảo đại biểu.

Về số lượng chức danh, lãnh đạo ngành Nội vụ cho biết, theo Nghị định 34, khoán số lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (xã loại 1 là 12 người, xã loại 2 là 11 và xã loại 3 là 10 người). Căn cứ vào đó, Sở Nội vụ tham mưu 11 chức danh, trong đó 9 chức danh ở xã, 11 chức danh ở phường.

“Một số phường loại 3 chỉ khoán số lượng 10 người, như vậy sẽ có 1 chức danh không bố trí được người hoạt động không chuyên trách. Sở đã tham vấn và xin ý kiến, trường hợp này có thể phải bố trí kiêm nhiệm, hoặc không bố trí chức danh chủ tịch hội nông dân ở phường có mức độ đô thị hóa cao... Riêng ở nơi 11 chức danh mà được bố trí 12 người, thì một số chức danh ví dụ như phó chủ tịch mặt trận có thể bố trí thêm 1 người”, ông Lý nêu ví dụ, khẳng định tùy điều kiện thực tế mà các địa phương có thể bố trí số người làm việc không chuyên trách cho phù hợp.

Về mức phụ cấp, ông Lê Đình Lý cho biết, theo Nghị định 34 hiện hành quy định khoán mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở xã và xóm, bản. Theo đó, nhóm 1 gồm xóm, bản có từ 350 hộ trở lên; xóm, bản thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; xóm, bản thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán phụ cấp 5,0; nhóm 2 là các xóm, bản còn lại mức khoán 3,0.

Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ tham mưu nhóm 1 bí thư, xóm trưởng hưởng hệ số phụ cấp 1,7, trưởng ban công tác mặt trận 1,4. Nhóm 2, bí thư, xóm trưởng hưởng hệ số phụ cấp 1,1, trưởng ban công tác mặt trận 0,85.

Chi hội trưởng phụ nữ xóm thăm gia đình hội viên khó khăn tại Diễn An, Diễn Châu. Ảnh: Thu Giang
Chi hội trưởng phụ nữ xóm thăm gia đình hội viên khó khăn tại xã Diễn An, Diễn Châu. Ảnh minh họa: Thu Giang

Để có được những con số này, ngành Nội vụ đã lấy ý kiến nhiều sở, ban, ngành liên quan, trao đổi kỹ càng, xây dựng nhiều phương án nhưng đây là phương án được đánh giá là tối ưu. Mức chênh lệch giữa 2 nhóm được người đứng đầu Sở Nội vụ lý giải nhằm khuyến khích sáp nhập, phù hợp với mục tiêu của Chính phủ và các quy định liên quan.

Liên quan đếm quy định mức bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia công việc ở khối, xóm, bản, theo quy định trước đây, ngoài các chức danh bán chuyên trách như bí thư chi bộ, xóm trưởng, một số chức danh được hưởng chế độ hỗ trợ của HĐND tỉnh, gắn với từng chức danh.

“Nhưng giờ Nghị định 34 quy định ngoài các chức danh được hưởng phụ cấp, các chức danh khác chỉ được hưởng mức bồi dưỡng, trên cơ sở phát sinh công việc. Tiền bồi dưỡng chi cho con người, khi phát sinh công việc”, ông Lê Đình Lý phát biểu.

Thực hiện Nghị định này, trên cơ sở hệ số hỗ trợ theo Nghị quyết 151 hiện nay, ở nhóm 1 là 24 triệu đồng, nhóm 2 là 22 triệu đồng, Sở Nội vụ tham mưu khoán mức tiền bồi dưỡng cho các chức danh này, ở nhóm 1 là 25 triệu/năm, nhóm 2 là 23 triệu đồng/năm.

“Mức này cũng hơi thấp, nhưng phù hợp với việc Chính phủ đề nghị khoán kinh phí hoạt động cho cấp xóm và sẽ tiến tới khoán kinh phí hoạt động cho các đoàn thể cấp xã”, lãnh đạo Sở Nội vụ nói, cho biết thêm rằng đây là chế độ chính sách riêng của tỉnh Nghệ An. Ông Lý cũng khẳng định không thể quy định mức hỗ trợ hàng tháng đối với từng chức danh ở khối, xóm, bản được, và sắp tới, UBND tỉnh sẽ có hướng dẫn cụ thể về mức chi đối với mức khoán tiền bồi dưỡng này.

Không thể quy định mức hỗ trợ hàng tháng cho từng chức danh tham gia công việc khối, xóm, bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO