Không xét danh hiệu thi đua các tổ chức, cá nhân lấn chiếm hành lang an toàn giao thông

Mai Hoa 03/03/2018 16:41

(Baonghean) - Đây là một trong số các biện pháp Sở Giao thông Vận tải đề xuất nhằm ngăn ngừa các vi phạm về lấn chiếm hành lang an toàn giao thông địa bàn tỉnh.

Ngày 16/12/2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 56/NQ-HĐND quy định một số biện pháp giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông (HLATGT) đường bộ, đường sắt, hè phố trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020. Sau hơn 1 năm triển khai với sự quyết liệt, kiên trì và sáng tạo ở từng địa phương, cơ sở, đã tạo ra nhiều bước chuyển về nhận thức và hành động từ phía người dân.

Quyết liệt giải tỏa lấn chiếm
Huyện Diễn Châu có hệ thống giao thông lớn (gần 65 km quốc lộ, 15 km tỉnh lộ, gần 29 km đường sắt...); đây cũng địa bàn có sự phát triển kinh tế năng động và việc sử dụng hành lang an toàn giao thông (HLATGT) để phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh còn khá phức tạp. Thống kê cho thấy toàn huyện Diễn Châu có 4.955 trường hợp vi phạm HLATGT.
Để giải tỏa vi phạm HLATGT; Huyện ủy, UBND huyện và các đơn vị chuyên môn cấp huyện đã ban hành 15 quyết định, kế hoạch, công điện và hơn 60 công văn, 10 cuộc họp chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các ngành, địa phương. Gắn với đó tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua hội nghị quán triệt, tập huấn ở các cấp; chuyển tải thông tin trên hệ thống loa truyền thanh xã, thôn, xóm; tuyên truyền bằng trực quan sinh động panô, khẩu hiệu, băng rôn, tờ rơi, tài liệu; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về ATGT và hội thi “Thanh niên với ATGT” trong đoàn viên, thanh niên, học sinh…
Theo ông Phan Văn Hùng - Trưởng phòng Công thương huyện Diễn Châu, để đạt kết quả cao trong giải tỏa vi phạm HLATGT, huyện chỉ đạo từng địa phương tiến hành thống kê, rà soát đến tận từng trường hợp có đất dọc hai bên các tuyến đường, đồng thời tiến hành kẻ vạch sơn chỉ giới hành lang ATGT và ký cam kết đến tận hộ không vi phạm lấn chiếm, tái lấn chiếm HLATGT.

Nhờ vậy, đến thời điểm này có 4.577 trường hợp đã giải tỏa với tổng 1.798 nhà cửa, lều quán, ô dù, biển quảng cáo vi phạm HLATGT; trong đó có 2.779 hộ gia đình tự giác tháo dỡ các công trình lấn chiếm HLATGT.

Giải tỏa tại thị trấn Diễn Châu. Ảnh: Mai Hoa
Giải tỏa vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông tại thị trấn Diễn Châu. Ảnh: Mai Hoa

Đối với huyện Đô Lương, theo ông Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban giải tỏa vi phạm HLATGT huyện, trên cơ sở quán triệt các yêu cầu, chỉ đạo của tỉnh, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch, trong đó xác định rõ vùng, địa bàn trọng điểm, bức xúc, phức tạp để tập trung chỉ đạo quyết liệt; đề cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của các xã, thị trấn trong công tác giải tỏa cũng như duy trì, bảo vệ HLATGT sau giải tỏa.

Bằng cách này, các địa phương đều chủ động đề ra các biện pháp khả thi để thực hiện. Đơn cử tại xã Thuận Sơn tiến hành thành lập 3 tổ tuyên truyền do các đồng chí Thường vụ Đảng ủy làm tổ trưởng và thành viên là người đứng đầu MTTQ, các tổ chức đoàn thể, công chức cấp xã và bí thư, xóm trưởng đến trực tiếp hộ dân để tuyên truyền, vận động; cho nên đến nay, người dân cơ bản đã tự giác tháo gỡ các công trình, chặt dọn cây cối vi phạm hành lang an toàn giao thông.

Đối với xã Yên Sơn, bên cạnh huy động lực lượng công an, Trưởng ban công tác Mặt trận, xóm trưởng các xóm có hộ vi phạm tiến hành vận động các hộ tự tháo dỡ và ký cam kết không lấn chiếm HLATGT, thì cấp ủy, chính quyền địa phương cũng rất thể hiện rõ thái độ kiên quyết để tổ chức cưỡng chế, tháo gỡ hàng chục ki ốt kinh doanh dịch vụ vi phạm HLATGT trên tuyến Quốc lộ 7.
Cần duy trì sự liên tục
Giám đốc Sở GTVT, ông Nguyễn Hồng Kỳ khẳng định: Nghị quyết số 56/NQ-HĐND và Kế hoạch số 136/KH-UBND đã được 21/21 huyện, thành, thị xã triển khai và ra quân giải tỏa vi phạm HLATGT, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm HLATGT và ý thức bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông của người dân bước đầu có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, một số địa phương như Diễn Châu, Đô Lương, Tương Dương, Thanh Chương, Kỳ Sơn, thành phố Vinh đã tổ chức giải tỏa thành công nhiều công trình vi phạm tồn tại đã lâu, mang tính chất kiên cố.

Khu vực hành lang an toàn giao thông sau khi được giải tỏa tại thị trấn Diễn Châu. Ảnh: Mai Hoa
Khu vực hành lang an toàn giao thông sau khi được giải tỏa tại thị trấn Diễn Châu. Ảnh: Mai Hoa

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GTVT, vấn đề khó khăn nhất là do tâm lý, thói quen tồn tại từ lâu trong một bộ phận người dân vẫn xem vỉa hè là nơi kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng, hàng hóa hoặc có những người lâu nay, vỉa hè là nơi để mưu sinh; cho nên việc giải tỏa ở một số nơi chưa thực hiện được; đặc biệt là tình trạng tái lấn chiếm.

Đồng tình với nhìn nhận của Giám đốc Sở GTVT, ông Hà Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cũng nêu cụ thể ở huyện Diễn Châu, tình trạng người dân cố tình tái lấn chiếm đang có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn như thị trấn Diễn Châu, Diễn Kỷ, Diễn Thành, Diễn Thịnh, Diễn Hồng…

Bên cạnh đó, theo ông Hà Văn Quang, một số trường hợp vi phạm do chính quyền cơ sở cho thuê không kỳ hạn và đến nay, UBND các xã, thị trấn chưa thực hiện các thủ tục dừng việc cho thuê theo quy định như ra thông báo không cho thuê, yêu cầu trả lại mặt bằng, xử lý vi phạm,… Mặt khác, về hồ sơ, thủ tục liên quan việc cho thuê, thu tiền, giao đất,… hiện không lưu trữ đầy đủ nên rất khó khăn trong việc tham mưu xử lý; nhiều trường hợp diện tích vi phạm HLATGT khá lớn, giá trị tài sản rất lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ việc kinh doanh, buôn bán, đời sống…

Đề cập thực tiễn khác, Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Ngọc Kim Nam cho rằng, một số đơn vị quản lý chưa phối hợp tốt với chính quyền các địa phương trong việc quản lý phạm vi đã giải tỏa và cắm mốc “phạm vi đã giải tỏa”, cho nên tình trạng tái lấn chiếm vẫn diễn ra.
Chỉ tính trong năm 2017, toàn tỉnh đã tháo gỡ, giải tỏa được 2 nhà cao tầng; 28.098m2 ki-ốt; 4.262m2 mái lợp; 39.272m2 mái che các loại; 6.825 biển quảng cáo; 14.498m2 bậc lên xuống; 330 điểm kinh doanh, buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng và 8.863m3 vật liệu xây dựng; 45.951 cây cối che khuất tầm nhìn và nhiều vi phạm khác.

Để khắc phục các khó khăn trên, đảm bảo việc giải tỏa HLATGT trên địa bàn tỉnh thực sự bền vững, tránh tình trạng “ném đá ao bèo”, theo ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở GTVT, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt, tăng cường nhân lực, phương tiện để duy trì kết quả đạt được trong các đợt ra quân giải tỏa vi phạm, kiên quyết triển khai các biện pháp để chống tái lấn chiếm; đồng thời có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.

Các ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang ATGT; ra quân giải tỏa vi phạm HLATGT, gắn với tăng cường quản lý, bảo vệ HLATGT và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang hoặc không hoàn thành nhiệm vụ giải tỏa, chống tái lấn chiếm HLATGT. Các cấp, các ngành cần lấy kết quả giải tỏa, chống lấn chiếm HLATGT là một trong những tiêu chí bắt buộc để xét phân loại thi đua hàng năm đối với các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương; không xem xét danh hiệu thi đua khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có vi phạm HLATGT...

Không xét danh hiệu thi đua các tổ chức, cá nhân lấn chiếm hành lang an toàn giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO