Khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An: Phòng, chống thảm họa “ô nhiễm trắng”

Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số. Đây được coi là mối nguy hại rất lớn, tác động đến môi trường sống toàn cầu. Trong khi đó, Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách các quốc gia gây ô nhiễm rác thải nhựa. Kiểm soát và đưa ra các biện pháp nhằm giảm thiểu lượng chất thải từ nhựa, ni lông đã trở thành vấn đề môi trường cấp bách trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Ngày 18/9/2007, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức công nhận 9 huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An là Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới.

Khu DTSQ có diện tích gần 1,3 triệu ha, lớn nhất trong các khu DTSQ trên cả nước; có các giá trị về đa dạng sinh học cao, với 3 vùng lõi là Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu BTTN Pù Huống và Khu BTTN Pù Hoạt, nhiều cảnh quan đẹp và hùng vĩ. Đây còn là ngôi nhà chung của 6 dân tộc anh em Thái, Thổ, Khơ mú, Ơ Đu, Mông và Kinh, nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử, phong tục, tập quán, làn điệu dân ca, các nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, mang đậm nét văn hóa đặc sắc.

Du lịch bằng xuồng máy trên thượng nguồn sông Giăng tại đập Phà Lài (Con Cuông).
Du lịch bằng xuồng máy trên thượng nguồn sông Giăng tại đập Phà Lài (Con Cuông).

Thực hiện phong trào chống rác thải nhựa do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức và lời kêu gọi “Nói không với rác thải nhựa” của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu tháng 8 đến nay, Văn phòng Ban Quản lý Khu DTSQ miền Tây Nghệ An đã triển khai với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực.

Thay vì sử dụng các loại nước đóng trong chai nhựa như trước đây, bắt đầu từ tháng 11/2019, Văn phòng Ban Quản lý Khu DTSQ trang bị đồng loạt chai đựng nước bằng thủy tinh. Nếu trước đây, chai nhựa chỉ sử dụng một lần thì nay chai thủy tinh được dùng dài hạn.

Ban quản lý cũng khuyến khích cán bộ tự trang bị dụng cụ đựng nước cá nhân nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng các loại gây hại như nhựa, ni lông… Điều này vừa giúp tiết kiệm kinh phí, vừa tránh được việc xả rác thải nhựa ra môi trường. Đơn vị cũng đã thiết kế 1.000 chai thủy tinh có in logo Khu DTSQ và câu slogan “Hướng đến không rác thải nhựa” phân phát cho một số đơn vị như Sở Nông nghiệp và PTNT, các Ban Quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng thuộc địa bàn Khu DTSQ.

Nhiều cơ quan, đơn vị trang bị đồng loạt chai đựng nước bằng thủy tinh phục vụ các hoạt động hội họp.
Nhiều cơ quan, đơn vị trang bị đồng loạt chai đựng nước bằng thủy tinh phục vụ các hoạt động hội họp.

Tháng 11, Khu DTSQ phối hợp với Trường THPT Tương Dương 1, Trường THPT Con Cuông và Trường THPT Quỳ Hợp 1 tổ chức các hoạt động ngoại khóa “Bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa”, nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa.

Các bạn đoàn viên, thanh niên đã trình bày những ý tưởng sáng tạo trong việc tái chế rác thải nhựa qua sử dụng như chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn, cốc… đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Thông qua buổi ngoại khóa, đã giúp cán bộ, giáo viên và học sinh hiểu được các nguyên nhân làm gia tăng lượng rác thải nhựa cũng như tác hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Từ đó, nâng cao ý thức hạn chế sử dụng các sản phẩm đồ nhựa dùng một lần một cách hiệu quả, khoa học.

Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi cuộc thi “Khu DTSQ miền Tây Nghệ An nói không với rác thải nhựa” được Ban Quản lý Khu DTSQ phối hợp với các trường học trên địa bàn 9 huyện nằm trong vùng khu DTSQ tổ chức.

Cuộc thi đã thu hút được trên 900 bài viết; ngoài ra, tại các điểm trường còn tổ chức cho học sinh thi các tiểu phẩm và hùng biện – ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Ban Quản lý Khu DTSQ miền Tây Nghệ An cho biết.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, mỗi năm sử dụng 5.000 tỷ túi nhựa dùng 1 lần; một nửa số sản phẩm nhựa là loại chỉ để dùng 1 lần, với phong phú sản phẩm từ ống hút, dây câu cá tới tã trẻ em hay túi bọc đồ. Kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó, khoảng 60% được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường.

Đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, ni lông đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và dần làm mất cân bằng hệ sinh thái động, thực vật trên trái đất.

Theo thống kê, có gần 1/3 số túi ni lông sau sử dụng không được thu gom và xử lý, và hậu quả là rác thải nhựa và ni lông phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây ra thảm họa mà các nhà khoa học gọi là “ô nhiễm trắng”.

Giới phân tích đánh giá nếu nhịp độ sử dụng sản phẩm nhựa tiếp tục tăng như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050, và như vậy, sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống đại dương.

Hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên trái đất. Chất thải nhựa kể cả được thu gom đưa đi chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ô xy đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng…

Trong khi đó, môi trường biển từ lâu đã “kêu cứu” khi có tới 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm, gây tổn thương hệ san hô, đe dọa môi trường sống của các loài động, thực vật biển.

Môi trường sống của các loài động, thực vật bị đe dọa nghiêm trọng. Ảnh: Quang An
Môi trường sống của các loài động, thực vật bị đe dọa nghiêm trọng. Ảnh: Quang An

Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về vấn đề này, Kế hoạch Hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đã ra đời, mục tiêu là quản lý được rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển theo cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn; tạo đột phá và chuyển biến căn bản về nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ sản phẩm nhựa và thu gom, xử lý rác thải nhựa.