Khu kinh tế Đông Nam vận hành theo cơ chế khu kinh tế trọng điểm
(Baonghean) - Trong chuyến công tác tại Nghệ An vào đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho Khu kinh tế Đông Nam vận hành theo cơ chế Khu kinh tế trọng điểm.
Trên cơ sở đó, với sự chỉ đạo của tỉnh, cán bộ, chuyên viên đơn vị nỗ lực đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng, tích cực đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp, tăng tốc phát triển, hướng tới quy mô Khu kinh tế (KKT) trọng điểm của cả nước.
Nối tiếp những thành công
Trong hoàn cảnh chính sách đầu tư công thắt chặt, nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng KKT, khu công nghiệp (KCN) ngày càng khó khăn, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, KKT đã thu hút được các tập đoàn lớn quan tâm và quyết định đầu tư vào Nghệ An. Đặc biệt, việc thu hút thành công Dự án Hemaraj đến tìm hiểu và đang làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại KKT Đông Nam.
Cùng đó, đón đầu xu hướng chuyển dịch các dự án FDI từ các nước khác sang Việt Nam và các nhà đầu tư ở các trung tâm kinh tế trong nước chuyển hướng đầu tư về các địa phương có nguồn lao động dồi dào như tỉnh Nghệ An. Trong năm 2016, Ban quản lý KKT tập trung chỉ đạo giải quyết các cơ chế chính sách cho Dự án VSIP, tham mưu kịp thời thủ tục đầu tư Dự án Hemaraj; đưa các dự án Tôn Hoa Sen, Cargil, AnCo, Sơn Hà, Tân Kỳ, Austfeed, gỗ MDF đi vào hoạt động. Tập trung triển khai thi công xây dựng 7 dự án hạ tầng KKT, KCN…
Lãnh đạo các cấp thăm Nhà máy Sản xuất nhựa Tiền Phong - KKT Đông Nam. Ảnh: Đức Sơn |
Đến nay, KKT và các KCN Nghệ An đã có 77 dự án đi vào hoạt động, trong đó có 16 dự án FDI. Giá trị sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2016 ước đạt 11.494 tỷ đồng (tăng 56,7 % so với năm 2015); doanh thu thực hiện 13.977,8 tỷ đồng (tăng 49,24 % so với năm 2015); xuất khẩu đạt 2.014 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước gần 950 tỷ đồng (tăng 11,42% so với năm 2015); giải quyết việc làm cho 17.353 người (tăng 1.448 lao động so với năm 2015).
Những kết quả đạt được là sự kế thừa trong 10 năm xây dựng và phát triển của Ban Quản lý KKT. Qua trao đổi, ông Võ Văn Hải - Trưởng ban Quản lý KKT Đông Nam khẳng định: “Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, KKT đã thu hút được nhiều dự án quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh. Quá trình đó, KKT tăng cường cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, nhanh nhạy, đồng hành tích cực cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi vào tìm hiểu, xúc tiến đầu tư. Còn với các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, Ban quản lý KKT phối hợp chặt chẽ để đảm bảo đúng quy định về tuyển dụng lao động; xây dựng thỏa ước lao động tập thể; nội quy lao động; hệ thống thang bảng lương; an toàn và vệ sinh lao động và chăm lo, giải quyết tốt các chế độ chính sách cho người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...”.
Hướng tới xây dựng khu kinh tế trọng điểm
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, Ban quản lý KKT đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT Nghệ An triển khai hệ thống phần mềm một cửa liên thông phục vụ công tác quản lý cơ chế một cửa và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Nghệ An. Theo đó, các thủ tục hành chính sẽ được công khai, tình trạng xử lý hồ sơ, cho phép công dân, tổ chức theo dõi trạng thái xử lý hồ sơ qua nhiều kênh, nhiều thiết bị như: Website, tin nhắn điện thoại, email...
Trên cơ sở Chương trình hành động số 24-Ctr/TU, ngày 08/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 5260/QĐ-UBND, ngày 06/11/2013 của UBND tỉnh về Kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, Ban quản lý KKT Đông Nam hoàn thành cả 3 chương trình, đề án được giao đưa tổng diện tích KKT Đông Nam hiện nay tăng lên 20.776,47 ha, trong đó có 1.200 ha KCN Hoàng Mai và Đông Hồi, 750 ha của KCN VSIP.
Khu CN Nam Cấm thuộc KKT Đông Nam. Ảnh: Phan Minh |
Đơn vị cũng đang tập trung huy động nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu trong KKT Đông Nam, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN đã thành lập; tăng cường công tác thu hút đầu tư đặc biệt là các dự án đầu tư có quy mô lớn, các dự án động lực, các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, tạo nhiều việc làm, góp phần tăng thu ngân sách và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa tỉnh Nghệ An.
Trong nhiều giải pháp đề ra, Ban quản lý KKT Đông Nam chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, kịp thời hoàn thành các thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Cùng đó xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân phải di dời; phối hợp với chính quyền địa phương đào tạo, chuyển đổi nghề cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp.
“Để thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra, Ban quản lý KKT triển khai tốt Quyết định 96/2010/QĐ-UBND về quy chế phối hợp giữa Ban quản lý KKT Đông Nam và các sở, ngành, địa phương có hiệu quả hơn; tăng cường mối liên hệ, giải quyết các vấn đề vướng mắc cho các doanh nghiệp. Ban quản lý KKT cũng quán triệt đến toàn thể cán bộ, chuyên viên tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong KKT, KCN hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017 và những năm tiếp theo, hướng tới vận hành và xây dựng KKT Đông Nam trở thành Khu kinh tế trọng điểm”, ông Võ Văn Hải - Trưởng ban Quản lý KKT Đông Nam nhấn mạnh.
Năm 2017, KKT Đông Nam dự kiến thu hút được 25 - 30 dự án với tổng vốn đăng ký cả năm ước đạt 20.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 19.500 lao động. Nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng KKT, KCN đến năm 2020 cần khoảng 34.869 tỷ đồng. Ban quản lý KKT Đông Nam đề ra các giải pháp huy động các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, đề xuất với tỉnh có cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn của các doanh nghiệp và vận động nguồn vốn ODA để xây dựng hạ tầng KKT, KCN. |
N.S
TIN LIÊN QUAN |
---|