Khủng hoảng tuổi 25

Tôi vừa chuyển sang một công việc mới. Lý do nhảy việc thì cũng đại trà như bao người trẻ cùng lứa khác thôi: nhàm chán với công việc cũ đã quá quen thuộc, muốn tìm một môi trường mới và những thách thức mới. Sau khi nhận tôi vào làm việc, sếp mới bảo tôi: “Anh luôn hỏi mỗi nhân viên của mình khi vừa vào công ty: Các em muốn trở thành ai hay muốn đi đến đâu trong tương lai. Anh có thể cho các em mọi điều kiện các em cần, nhưng anh phải biết các em muốn làm gì với chúng?”.

Tôi giật mình nhận ra mình không thể đưa ra một câu trả lời cho sếp, hay cho chính bản thân mình.

Tôi hỏi những người bạn của mình và ngạc nhiên (hoặc không) là hiếm có ai trong số họ có thể trả lời câu hỏi ấy. Có kỳ lạ lắm không khi mà ở cái tuổi này chúng ta vẫn loay hoay chưa biết mình sẽ là ai trong cuộc đời này?

Đa số mọi người đều tìm kiếm sự ổn định. Một công việc ổn định, mức lương ổn định, cuộc sống ổn định. Không thăng trầm, không sóng gió và nhất là không có những ván bài may rủi mà bạn phải đặt cược quá nhiều. Nhưng cái gì bình yên quá thì cũng dễ gây nhàm chán. Thực tế là những người chọn con đường này dành một nửa thời gian trong cuộc đời họ để ngáp ngủ. Nửa còn lại để than phiền rằng họ buồn chán quá.

Một số chấp nhận chơi trò may rủi với định mệnh. Đôi khi họ thắng to, đôi khi họ thất bại. Một số có nghị lực và lòng dũng cảm để chơi tiếp ván bài sau dăm ba lần vấp ngã. Một số bỏ cuộc trong sự tiếc nuối và thường là những lời dèm pha của người khác. Buồn cười ở chỗ, bố mẹ thường nằm trong số những nhà phê bình hoạt động tích cực nhất. “Cá không ăn muối cá ươn, giá mày nghe lời bố mẹ từ đầu, vào chỗ A chỗ B làm việc thì bây giờ đã thành ông C bà D”,… vân vân và mây mây…

Có một thực tế là, khi đứng trước ngã rẽ của cuộc đời, chúng ta chỉ quan tâm đến những gì đập ngay vào mắt: con đường rộng hay hẹp, quanh co hay thẳng thớm, bằng phẳng hay gập ghềnh… Không ai nghĩ đến việc đặt ra câu hỏi, con đường này sẽ dẫn chúng ta đi đâu? Bởi suy cho cùng, nếu chính ta còn không biết điểm đến của mình là gì thì hành trình đó có ý nghĩa gì đây? Hoặc giả ta lựa chọn con đường mà mình cho là dễ dàng, nhưng đến cuối cùng mới nhận ra nó không hề dẫn đến nơi mình muốn. Bạn sẽ làm gì trong hoàn cảnh đó? Tìm đường đi đến nơi mình muốn hay tặc lưỡi chấp nhận dừng chân ở một cái đích không thuộc về mình?

Có một sự thật đáng buồn là, chúng ta khó có thể tự làm chủ được con đường mình muốn đi hay cái đích mình muốn đến. Bởi chúng ta không lên đường một mình mà mang theo hành trang là một vài hay rất nhiều thứ trách nhiệm. Càng lớn, chiếc vali trách nhiệm đó càng nặng nề. Nó có thể làm chậm hành trình của ta hoặc tệ hơn, thay đổi cả lộ trình và điểm đến cuối cùng. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng của những người ở ngưỡng tuổi 25 bùng nổ khi họ cảm nhận được sức nặng của cái gọi là Trách Nhiệm.

Vì một số lý do cá nhân, tôi là một người lữ hành không may (hay may mắn, tôi cũng không biết nữa?) đánh rơi mất chiếc vali của mình ở đâu đó dọc trên con đường trưởng thành. Nếu bây giờ ai đó hỏi tôi, đích đến của tôi là gì thì tôi sẽ trả lời: Tôi không biết. Bởi với tôi, quan trọng là con đường đi chứ không phải là điểm đến. Có lẽ nhiều người sẽ bảo tôi điên rồ. Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng, miễn là tôi biết tôi đang làm điều mình thực sự muốn thì tôi vẫn sẽ là một người điên tỉnh táo.

Còn bạn, bạn có biết mình đang đi đâu không?