Kìa, ai thắp lửa tháng Ba!

Tôi là một đứa trẻ quê, lớn lên với đồng bãi. Mà đứa trẻ quê nào, không từng mang theo màu hoa ấy trong giấc mơ chập chờn phố thị. Đứa trẻ quê nào không từng ngân câu ca ấy trong ngực mình, như một cách nhớ lời bà, lời mẹ ru xưa:

Và may mắn thay, nơi tôi ở, con phố Quang Trung, có một cây hoa gạo. Cây hoa luôn khiến tôi, như có lần từng viết, có một cú giật mình chói lọi. Để tôi không thể nào quên trong mình có con chim nhỏ vẫn khát lời dòng sông, lời bờ đê, lời những cây lúa đang bén rễ xanh trên cánh đồng tháng Ba, lời cua cáy dưới lớp bùn ẩm, lời mưa bụi đầm đẫm con đường khấp khểnh vết chân trâu…

Tôi cũng có một kỷ niệm riêng với mùa hoa gạo trên con phố tôi ở. Đó là mùa hoa cuối cùng của bố tôi. Khi ấy, bố tôi đang mang trong mình căn bệnh nan y. Nhiều ổ u trên não đã khiến ông bước đi không vững. Sau những đợt xạ trị, ông vào ở cùng gia đình nhỏ của tôi, và gắng gượng tập đi. Bên cạnh ông, lúc nào cũng có mẹ tôi. Bà nắm tay ông, để ông tựa vào bờ vai mỏng của mình, và chậm rãi như thế, họ bước đi cùng những câu chuyện trên vỉa hè. Bố tôi luôn chỉ cho mẹ cái đích đến của ông là dưới bóng cây gạo trên đường. Cứ đến cây gạo, ngồi nghỉ chân một lát, rồi lại quay về phía nhà. Bố tôi muốn nhìn thấy màu hoa đỏ ấy, hẳn vì ông nhớ quê, hẳn là cách để ông tin tưởng. Ông tin cái tín hiệu rực rỡ kia đang nhắc ông quyết tâm và chiến thắng… Không bao giờ tôi quên được hình ảnh ấy, bố mẹ tôi đã bước đi bên nhau trên phố, dưới màu hoa đỏ cháy đến nghẹn ngào, trong màn bụi sương mờ mịt. Để rồi, những mùa hoa sau, mẹ tôi đi qua cây gạo, chỉ có một mình, lại thầm nhìn lên mà rơi nước mắt.

Ngay từ đầu tháng Ba, ngày nào đi qua cây gạo ấy, tôi cũng chờ. Chờ cái tín hiệu rực rỡ nhú ra từ những thân cành xù xì. “Rồi chẳng mấy nữa đâu, hoa gạo lại muốn làm bạn giật mình đấy!”- cô bạn thân, chừng như hiểu lòng tôi, nói vậy. Để rồi, một sớm kia, tôi lại thấy mình thảng thốt khi gặp những ngọn lửa chói lọi trên cành.

Thế là, lại một mùa hoa.

Có bao người qua phố, cũng như có bao nhiêu người đã đi qua những bờ đê, những sân đình…, chả mấy ai trông đến cái cây đứng lặng lẽ với lớp vỏ mốc thếch, gai góc, những cành cây vươn ra như những bàn tay tưởng chừng u ám xòe lên bầu trời lắc rắc mưa bụi giêng hai. Chỉ đến khi, sắc đỏ bừng lên khiến tất thảy đều ngạc nhiên. Nó không cho phép sự lãng quên, không cho phép ai hờ hững. Hoa là món quà tặng. Hoa bật lời chói chang muốn nói. Dành cho ai biết tin. Cho những ai biết chờ đợi. Làm bừng ấm những ngày lê thê rét mướt.

Chẳng biết vì đâu mà hoa gạo hay đứng cô lẻ trong một không gian nào đó của làng quê. Khi thì trơ trọi đầu làng, khi thì một bờ đê, khi thì một bến sông… Nó luôn mang cái vẻ cổ kính và bí ẩn, vì thế. Dường như nó yêu sự cô đơn. Không, nói đúng hơn nó chọn sự cô đơn. Chọn cô đơn để mà cháy đỏ. Chọn cô đơn để im lìm bừng lên một nỗi thức tỉnh. Tôi luôn nghĩ đến cô gái, trong một câu chuyện mình đọc được. Cô gái thông minh, tinh tế và tràn ngập lòng kiêu hãnh, trong buổi chia tay với người mình yêu đã chọn một màu áo, chọn một màu son rực rỡ nhất. Cô ấy bước đi những bước uyển chuyển, duyên dáng nhất. Để mãi mãi, người đàn ông đánh mất cô phải nuối tiếc. Hoa gạo, dường như cũng mang một bóng dáng của người nữ với cá tính quyết liệt và kiêu hãnh đến rạng ngời như vậy.

Nhưng đâu cần tới sự liên hệ của tôi, bản thân hoa gạo đã gắn với một câu chuyện cổ tích tuyệt hay về tình yêu của người nữ. Người con gái thương nhớ người yêu, đã cúi xin Ngọc Hoàng cho cây nêu mọc rễ để nàng có thể trèo lên tìm bóng người yêu, muốn băng vải đỏ mà chàng trai buộc vào tay nàng trước khi lên trời biến thành hoa để người nàng yêu từ trên trời thẳm kia, có thể nhận ra tín hiệu ấy mà nghĩ đến nàng. Và hẳn, khi cô gái gieo mình xuống để có thể làm nên sự tích cây gạo, thì máu và tình yêu của cô đã nở hoa, chứ không giản đơn chỉ là một băng vải.
Không chỉ có vậy, hoa gạo, đã cháy lên một lời an ủi phận người mỗi mùa giáp hạt “tháng ba ngày tám” rộng dài chống chênh. Thương lắm bờ đê xiêu nắng, bóng áo nâu của bà lên chùa, cái chấm nâu nhỏ bé như tan lẫn vào bờ đê ngập ngời sắc đỏ của cây gạo sừng sững. Chẳng mấy ai hay, giữa những hốc cây, hay trên cành lá, rất đông lũ chim bay về dừng chân, làm tổ ríu rít như không có những mùa đói kém. Thương lắm ngày tiễn chị sang sông, có màu hoa như mãi đứng ngóng theo bóng người đi lấy chồng đò giang cách trở. Để sau này, trong câu thơ tôi viết, có nỗi buồn chẳng tan: “Tôi rủ nỗi buồn cùng với nắng đi hoang/ Tìm thời con gái của chị tôi đánh rơi nơi bến sông Mười bảy/ Sao trong ngày vui mắt chị sâu đến vậy?/ Sâu đến đắm con đò?”

Chẳng thế mà, bao nhiêu thi sỹ, đã viết về màu hoa ấy với những ám ảnh không nguôi. Nó chói lên “từ đáy nỗi buồn thăm thẳm” của nhà thơ, nhà viết kịch tài danh Lưu Quang Vũ, đó là tình yêu, là thứ “nhựa thắm trong cây” – là “hoa gạo của lòng tôi chẳng tắt”. Là “hoa gạo đỏ đau nắng đợi” trong thơ người đàn bà đa đoan Phan Huyền Thư…

Nhưng dù là cháy lên nỗi buồn hay niềm vui trong ký ức mỗi người, thì điều này vẫn không thay đổi, rằng mùa xuân lộng lẫy hơn nhờ hoa gạo. Và hoa, hay cũng chính là con người, là cuộc đời vậy.

Gạo có đời hoa ngắn ngủi. Cho những ai chậm rãi vừa kịp thảng thốt thấy hoa trên cành đã phải nuối tiếc rằng mùa đi qua. Cho những ai sống không kịp trọn vẹn với mùa hoa đã gói nhớ thương rơi rụng bời bời. Những bông hoa năm cánh, xoay trong gió rụng xuống thiêm thiếp sắc đỏ ven đường, như muốn nói, tôi đã sống trọn một kiếp rực rỡ của mình. Những chói lọi, huy hoàng đâu có thể mãi mãi. Cái màu như máu, như son, như rút hết ruột gan mà đỏ.

Người ơi, tháng Ba sương khói đã về, đừng để lỡ mùa hoa. Hãy chậm rãi một ngày ngắm phố, hãy chậm rãi một ngày chạy dọc những triền đê sông Lam, để được giật mình: Kìa ai thắp lửa tháng Ba!

-