3 kịch bản cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Nga

Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Doanld Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra tại Helsinki (Phần Lan). Dù thế giới mong chờ một thỏa thuận thực chất tạo tiền đề và định hình cho mọi vấn đề toàn cầu, chấm dứt những căng thẳng leo thang, triển vọng về bất cứ kịch bản nào như vậy hiện vẫn còn rất mơ hồ.

_______________________

Một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng, cả Mỹ và Nga đều cần tới cuộc gặp!

Hai bên đều nhận ra rằng, chưa bao giờ mối quan hệ ngoại giao của hai quốc gia đã “chạm đáy” như lúc này, thậm tệ hơn ngay cả ở thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Không chỉ vậy, cuộc khủng hoảng Mỹ – Nga hiện tại chứa đựng những rủi ro nghiêm trọng mà nếu bùng phát không chỉ gây tổn hại cho hai nước, mà còn đối với an ninh toàn cầu.

Đồng ý về một cuộc gặp song phương là cách để Nga và Mỹ cân nhắc lợi ích chính đáng của cả hai bên, với kỳ vọng các vấn đề đang tồn tại có thể được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán, và triển vọng phát triển hơn nữa quan hệ Nga – Mỹ.

Về cá nhân Tổng thống Trump, giữa lúc quan hệ Mỹ – Nga căng thẳng, nhất là những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, hội nghị lần này là cơ hội để lãnh đạo Nhà Trắng chứng tỏ với phe chỉ trích trong nước rằng ông cứng rắn với Nga. Mặt khác, ông Trump cũng muốn đảm bảo với người đồng cấp Putin rằng Washington vẫn muốn tăng cường quan hệ với Moskva.

Hai nhà lãnh đạo hội đàm trực tiếp lần đầu tiên bên lề hội nghị G20 tại Đức hôm 7/7/2017. Clip: PBS NewsHour

Thủ đô Helsinki của Phần Lan - nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Doanld Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Thủ đô Helsinki của Phần Lan - nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Doanld Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Cuộc đàm phán giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Trump sẽ không mang lại bất kỳ thay đổi quan trọng nào, bởi cả hai bên đều không thể dỡ bỏ được gốc rễ của những mâu thuẫn. Hành trang hai nhà lãnh đạo mang tới hội nghị không gì khác ngoài bản ngã về những giá trị chính trị riêng của mỗi quốc gia, mà giới tinh hoa sẽ cản trở tổng thống của mình chia sẻ hay nhượng bộ. Khi đó, phương Tây vẫn sẽ là phương Tây, phương Đông là phương Đông – hai chiến tuyến khác biệt, và không có bất kỳ bước chân nhún nhường nào chịu tiến lại gần nhau. Và hẳn nhiên, sẽ không có bất kỳ đột phá nào trong các vấn đề nóng như Iran, Syria, Ukraine và mối quan hệ với châu Âu.

Nếu kịch bản này xảy ra thì đây là kết quả thất vọng nhất cho cuộc gặp được đánh giá là lịch sử giữa ông Putin và ông Trump, và có nguy cơ đẩy căng thẳng của hai nước đối diện với vực thẳm sâu hơn.

Mặc dù vậy, đây là kịch bản khó có khả năng xảy ra. Bởi thực tế, đồng thuận về một hội nghị chung, nghĩa cả Mỹ và Nga đều cần tới một thành công, dù đó có thể chỉ mang tính biểu tượng. Việc “vắt kiệt” nhau sẽ không mang lại lợi ích gì cho cả hai bên.

Hơn nữa, trong phát biểu mới đây của Tổng thống Donald Trump, rằng: “Tôi đã chuẩn bị cả đời mình cho cuộc gặp này”, cho thấy cuộc gặp ngày 16/7 tại Helsinki mở ra một tương lai đầy hứa hẹn.

Hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Vladimir Putin sẽ đi tới một nỗ lực giúp đỡ nhau chống lại kẻ thù chung – cộng đồng tự do toàn cầu.

Khi đó, mọi mâu thuẫn sẽ được đẩy sang một bên, nhường chỗ cho việc tập trung vào thảo luận những chủ đề chính, đưa ra các ký kết chung. Những nội dung này sẽ được xác định khi hai nhà lãnh đạo có cuộc hội đàm riêng bàn về các vấn đề toàn cầu và thiết lập các kênh tương tác.

Donald Trump và Vladimir Putin sẽ đi tới một nỗ lực giúp đỡ nhau chống lại kẻ thù chung.
Donald Trump và Vladimir Putin sẽ đi tới một nỗ lực giúp đỡ nhau chống lại kẻ thù chung.

Đây là kịch bản được cho là có tính khả thi cao. Mặc dù nó không mang lại nhiều đột phá nhưng lại mở ra cơ hội trao đổi thực sự cho cuộc gặp gỡ của hai siêu cường quốc.

Sau các cuộc đàm phán như vậy, lãnh đạo 2 nước có thể hướng dẫn các bộ ngành tiếp tục đàm phán về các vấn đề căng thẳng nhất trong chương trình nghị sự song phương cũng như quốc tế và đồng ý về một lộ trình phát triển quan hệ ít nhất cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Với thỏa thuận hợp tác Mỹ – Nga kéo dài, và chia nhiều giai đoạn, còn mang kỳ vọng hướng tới thiết lập liên minh Mỹ – Nga – Trung nhằm định hình bối cảnh toàn cầu.

Tổng thống Trump với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, còn Tổng thống Putin – “Nước Nga vĩ đại”, và điều tương tự cũng đang diễn ra tại Trung Quốc. Vì vậy, mặc dù các bên có sự khác biệt về chiến thuật, nhưng rõ ràng, họ là đồng minh trong chiến lược. Do đó, không bất ngờ khi trung tâm quyền lực của thế giới sẽ kết tinh lại thành khối G3 (Mỹ – Nga – Trung Quốc), thay vì G7 như hiện tại.

Trung tâm quyền lực của thế giới sẽ là G3 (Mỹ - Nga - Trung Quốc) thay vì G7 như hiện tại?
Trung tâm quyền lực của thế giới sẽ là G3 (Mỹ - Nga - Trung Quốc) thay vì G7 như hiện tại?

Để hiện thực hóa kịch bản này, Tổng thống Putin sẽ “âm thầm” hỗ trợ tối đa lãnh đạo Nhà Trắng. Với chiến lược dài hạn, chương trình nghị sự và ý nghĩa thực sự của nó sẽ không được tuyên truyền rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng hay xuất hiện trong những bài diễn thuyết, nhằm xoa dịu các lực lượng đối lập mà cả ông Trump và ông Putin vẫn đang phải đối mặt.

Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng của Tổng thống Trump và Tổng thống Putin tại hội nghị APEC, diễn ra tại Việt Nam tháng 11/2017. Clip: Guardian News - CNN

Sau cuộc gặp, các bên nhất trí đưa ra một tuyên bố chung, đạt được những thỏa thuận cụ thể, tạo tiền đề cho những nỗ lực đàm phán tiếp theo.

Cuộc chiến tại Syria là một trong những vấn đề nóng trên bàn nghị sự. Đây là thời điểm mà cả Nga và Mỹ phải tìm kiếm một thỏa thuận bền vững, chấm dứt nguy cơ nảy sinh đụng độ, dẫn tới leo thang đối đầu quân sự, chung tay dồn sức cho cuộc chiến chống nguy cơ trỗi dậy trở lại của tổ chức khủng bố. Do vị thế và vai trò của Nga tại khu vực này ngày càng được khẳng định nên Washington cũng muốn đạt được những thỏa thuận để vừa giảm bớt chi phí, lại vừa giữ được thể diện trong vấn đề này.

Syria, Iran, Ukraine là những vấn đề dành sự quan tâm của 2 nhà lãnh đạo trên bàn đàm phán.
Syria, Iran, Ukraine là những vấn đề dành sự quan tâm của 2 nhà lãnh đạo trên bàn đàm phán.

Bên cạnh đó, mối lo ngại sự hiện diện sâu rộng của Iran tại Syria  và mong muốn kìm hãm sự phát triển đó cũng là nội dung mà Tổng thống Trump muốn đạt được thỏa thuận với Nga.

Với việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Trump đang thể hiện quyết tâm giảm thiểu sự ảnh hưởng của Tehran tại khu vực Trung Đông, nơi có nguồn dầu mỏ dồi dào. Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt vào Iran sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/8 tới. Về phía Tehran tuyên bố sẽ chặn tuyến trung chuyển qua eo biển Hormuz, nơi 20% nhu cầu dầu mỏ của thế giới được xuất khẩu qua con đường này, và nếu điều này trở thành hiện thực thì cuộc chiến Mỹ – Iran có nguy cơ bùng phát. Chính vì vậy, Mỹ đang tìm mọi cách thuyết phục Nga không cung cấp các thiết bị quân sự tiên tiến cho Iran.

Vấn đề Ukraine cũng được hai nhà lãnh đạo dành sự quan tâm. Mặc dù, thời gian gần đây, xung đột Nga – Ukraine không còn leo thang như trước, song vẫn âm ỉ cháy và đủ sức châm ngòi cho cuộc đụng độ quân sự nghiêm trọng giữa các cường quốc. Mỹ đã trang bị cho Ukraine vũ khí hạng nặng, trong khi Nga tìm cách ngăn cản Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Với bối cảnh này, đòi hỏi Mỹ và Nga cần có một thỏa thuận để hóa giải những nguy cơ xung đột, đặc biệt các bên sẽ kiềm chế để đi đến thống nhất chung trong thực hiện những điều khoản của Hiệp định Minsk. Tất cả với mục đích đưa Ukraine trở lại trên bản đồ chính trị mới của thế giới.

Trong mọi góc nhìn, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Trump sẽ rất khó để đạt được những bước đột phá quan trọng. Song, với lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau, sau 2 năm nỗ lực tìm kiếm cơ hội, thế giới vẫn hi vọng vào những bước tiến nhỏ theo hướng tích cực nhằm tránh đi vào vết xe đổ dẫn tới một thời kỳ Chiến tranh Lạnh khác, hoặc tồi tệ hơn là cuộc chiến quân sự, như Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Shelby đã bày tỏ “Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu Mỹ và Nga giảm căng thẳng”.