Kịch bản nào cho phát triển nông nghiệp Nghệ An?

Trân Châu 05/01/2019 11:08

(Baonghean.vn) - Vấn đề này được ngành Nông nghiệp và PTNT Nghệ An xây dựng trong năm 2019 theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh.

Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp

Theo kịch bản tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Nghệ An năm 2019, phấn đấu sản lượng lương thực 1,245 triệu tấn; mía nguyên liệu 1,67 triệu tấn; cam, quýt 49,8 nghìn tấn (diện tích 5.200 ha); mủ cao su 7,5 nghìn tấn (diện tích 12,22 nghìn ha); chè búp 78,2 nghìn tấn (diện tích 8,3 nghìn ha);…

Về chăn nuôi: Tổng đàn trâu 280 nghìn con; đàn bò 486 nghìn con (phấn đấu tăng 1 nghìn con so với kế hoạch năm 2019 đã giao); tổng đàn lợn 1,010 triệu con (phấn đấu tăng 10 nghìn con so với kế hoạch năm 2019 đã giao); đàn gia cầm 24 triệu con; sản lượng sữa tươi 250 triệu lít; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 249,6 nghìn tấn (phấn đấu tăng 4,6 nghìn tấn so với kế hoạch 2019 đã giao).

Nông dân huyện Đô Lương ươm cây giống lâm nghiệp. Ảnh: Lê Ngọc Phương

Về lâm nghiệp: Trồng mới rừng tập trung trên 18.000 ha (phấn đấu tăng 1 nghìn ha với kế hoạch năm 2019 đã giao), tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn; khai thác gỗ (rừng trồng) đạt trên 700.000 m3 (phấn đấu tăng 20 nghìn m3 so với kế hoạch năm 2019 đã giao); đưa độ che phủ rừng đạt 57,72%.

Về thủy sản: Sản lượng thủy sản đạt 199.000 tấn (trong đó: khai thác 147.000 tấn, nuôi trồng 52.000 tấn); Duy trì ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có (khoảng 21.000 ha), trong đó tập trung ưu tiên đầu tư nuôi thâm canh, ứng dụng CNC tại các vùng nuôi trọng điểm như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hoàng Mai.

Về xây dựng nông thôn mới: Phấn đấu số xã đạt chuẩn NTM 27 xã và 1 huyện (Yên Thành) đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 16,00 tiêu chí/xã.

Chú trọng chăn nuôi trang trại và sản phẩm sạch

Để thực hiện được kịch bản tăng trưởng này với các mục tiêu cao hơn kế hoạch, ngành tập trung thu hút các nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh; Chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn theo chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò là người dẫn dắt của doanh nghiệp (thông qua liên kết với người chăn nuôi), hiệp hội và hợp tác xã, chú trọng đầu tư các trang trại chăn nuôi lớn.

Phát triển chanh leo ở huyện Quế Phong. Ảnh: Quang An

Một số giải pháp cũng được đưa ra đó là: Quan tâm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện để sớm phát huy dự án chăn nuôi lợn Masan trên địa bàn huyện Quỳ Hợp và Mavin ở huyện Anh Sơn. Tạo điều kiện để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm phát huy hết công suất Nhà máy chế biến gỗ Nghĩa Đàn.

Ngành cũng đề xuất tạo điều kiện giải quyết các thủ tục cần thiết để đưa vào hoạt động Nhà máy bột giấy Tân Hồng, huyện Con Cuông để tiêu thụ sản phẩm vùng nguyên liệu theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy chế biến gỗ Anh Sơn để tăng mức tiêu thụ sản phẩm gỗ trồng trên địa bàn của tỉnh.

Chỉ đạo phát triển thủy sản toàn diện, bao gồm cả nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Chú trọng nuôi trồng theo hướng thâm canh, mở rộng nhanh diện tích nuôi (tôm) ứng dụng công nghệ mới...

Nuôi bò sữa trang trại ở Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng

Tăng cường xúc tiến đầu tư, mời gọi... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; mở rộng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tập trung huy động nguồn lực xã hội để đầu tư thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN và PTNT Nghệ An cho biết: Ngành sẽ quyết tâm chỉ đạo thực hiện theo kịch bản và chú trọng vào phát triển lâm nghiệp, thủy sản rau củ quả chất lượng cao, về lúa không tăng diện tích. Bên cạnh đó tập trung phát triển các trang trại chăn nuôi lớn.

Mới nhất
x
Kịch bản nào cho phát triển nông nghiệp Nghệ An?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO