Kịch bản tàn khốc nếu chiến tranh nổ ra ở giới tuyến Hàn-Triều

27/12/2017 06:31

Nếu xung đột nổ ra, vùng ranh giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ trở thành chiến trường đẫm máu với nhiều binh sĩ và khí tài hạng nặng.

Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra dọc tuyến DMZ. Ảnh: PressTV.

Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra dọc tuyến DMZ. Ảnh: PressTV

Triều Tiên đã tăng cường bố phòng ở biên giới sau khi một binh sĩ nước này hồi tháng 11 đào tẩu sang Hàn Quốc, khiến an ninh ở khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai miền Triều Tiên càng trở nên nghiêm ngặt. Việc hai nước bố trí hàng rào thép gai, gài mìn và tập trung lượng lớn binh sĩ tại các công sự có thể biến DMZ thành chiến trường đẫm máu nhất thế giới trong trường hợp nổ ra xung đột, theo National Interest.

Đường ranh giới liên Triều hiện nay được thiết lập sau hiệp định đình chiến ký hồi tháng 7/1953, trong đó hai bên thống nhất lập khu phi quân sự rộng 4 km, dài gần 260 km trên bán đảo Triều Tiên. Về mặt kỹ thuật, không tồn tại "đường biên giới" do cả hai nước đều không coi đối phương là quốc gia riêng biệt, khiến DMZ trở thành ranh giới ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc trên thực tế.

Ở phía bắc DMZ, Triều Tiên xây dựng một loạt lô cốt và cấu trúc phòng thủ kiên cố để ngăn quân đội Hàn Quốc tràn qua biên giới. Một hàng rào điện chạy dọc khu DMZ cùng nhiều bãi mìn chống bộ binh chôn dưới đất, bên cạnh một loạt tháp canh nhằm đề phòng lính Hàn Quốc xâm nhập.

Khoảng 70% đơn vị lục quân, cùng 50% lực lượng hải quân và không quân Triều Tiên đồn trú trong bán kính 100 km tính từ DMZ. Nước này còn xây dựng một số đường hầm qua khu DMZ, trong đó ít nhất 4 đường hầm đã bị Hàn Quốc phát hiện và vô hiệu hóa trong giai đoạn 1974-2000.

Tuyến DMZ và vị trí 4 đường hầm Triều Tiên bị Hàn Quốc phát hiện. Đồ họa: Wikipedia.

Tuyến DMZ và vị trí 4 đường hầm Triều Tiên bị Hàn Quốc phát hiện. Đồ họa: Wikipedia

Kể từ năm 2000, Bình Nhưỡng có thể đã xây dựng ít nhất 800 công trình phòng thủ kiên cố gần biên giới, mỗi cứ điểm có sức chứa 1.500-2.000 lính bộ binh, hình thành thế trận bảo vệ liên hoàn trước lực lượng mũi nhọn đột kích xuyên biên giới của đối phương.

Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho rằng trong trường hợp nổ ra chiến tranh, Triều Tiên sẽ dùng hỏa lực áp đảo và tốc độ hành quân nhanh để giáng đòn dồn dập vào đối phương. Năm 1992, Bình Nhưỡng từng đưa ra nhận định rằng chỉ có giải pháp "đánh chớp nhoáng, tấn công tới Pusan trong ba ngày" mới có thể thành công khi đối mặt với hỏa lực vượt trội của Mỹ.

Ba quân đoàn bộ binh tiền phương của Triều Tiên gồm Quân đoàn 1, 2 và 4, dưới sự yểm trợ của các lữ đoàn bộ binh độc lập cùng Quân đoàn pháo binh 620 và Kangdong, sẽ tấn công chớp nhoáng qua khu DMZ.

Sau đó, với sự yểm trợ của tiêm kích, các trực thăng và máy bay vận tải sẽ chở đặc nhiệm, lính dù và lực lượng phá hoại về phía nam giới tuyến, trong khi hải quân đưa quân đổ bộ lên các đảo và khu vực quan trọng trên bờ biển Hàn Quốc. Tàu ngầm Triều Tiên sẽ triển khai đặc nhiệm và ngăn chặn hải quân Mỹ-Hàn phản công.

Mũi tấn công từ ba quân đoàn tiền phương của Triều Tiên gần như chắc chắn đủ sức xuyên thủng phòng tuyến bờ biển phía tây và phía đông Hàn Quốc. Mũi phía tây có vai trò quan trọng hơn, khi nó mở cánh cửa dẫn tới thủ đô Seoul.

Triều Tiên có thể bố trí Quân đoàn bộ binh cơ giới 815 và Quân đoàn tăng 820 Triều Tiên ở hướng bờ biển phía tây, trong đó mỗi quân đoàn có hàng trăm xe tăng và xe chiến đấu bộ binh, sẵn sàng tiến công khi phòng tuyến ở đây bị chọc thủng. Điều tương tự cũng diễn ra ở bờ biển phía đông với sự xuất hiện của Quân đoàn tăng 108 và Quân đoàn bộ binh cơ giới 806.

Các đơn vị pháo binh hạng nặng Triều Tiên như Quân đoàn 620 và Kangdong sẽ khai hỏa từ các công sự pháo binh kiên cố (HART) nằm sâu trong các sườn núi và dưới lớp bê tông dày, nhằm yểm trợ hỏa lực cho các mũi tấn công vào Seoul.

Các địa điểm này giúp pháo binh Triều Tiên hủy diệt đối phương, sau đó rút lui vào lòng núi để tránh máy bay, pháo binh và tên lửa Hàn Quốc. Liên quân Mỹ - Hàn đã phát hiện một số địa điểm HART, nhưng hầu hết vẫn còn là bí mật.

Chốt gác dọc tuyến DMZ. Ảnh: Wikipedia.

Tháp canh dọc tuyến DMZ. Ảnh: Wikipedia

Trong khi đó, ở phía nam DMZ, Seoul cũng bố trí nhiều điểm phòng thủ để ngăn đối phương tràn qua biên giới. Binh sĩ Hàn Quốc thường xuyên tuần tra dọc giới tuyến dưới sự yểm trợ của nhiều vũ khí hạng nặng. Từ năm 2010, robot canh gác biên giới SGR-1 bắt đầu được triển khai bảo vệ khu DMZ, giảm chi phí nhân lực cho quân đội Hàn Quốc.

Seoul bố trí nhiều tuyến phòng thủ dày đặc, khiến lực lượng thiết giáp và bộ binh cơ giới khó vượt qua. Nhiều tuyến đường cao tốc giữa thủ đô Seoul và khu DMZ được thiết kế để dễ dàng phong tỏa khi bị tấn công.

Các tuyến đường theo hướng bắc - nam đều đi qua các con hầm hẹp, có thể ngăn chặn xe tăng hạng nặng vượt qua. Mỗi đường hầm đều có hàng loạt cột trụ bê tông được giữ bằng cáp, có thể nhanh chóng giật đổ để tạo chướng ngại vật. Chúng không thể ngăn đà tiến quân của Triều Tiên, nhưng có thể cầm chân đối phương để Hàn Quốc thiết lập trận địa phòng thủ hiệu quả.

Nếu Triều Tiên tấn công qua biên giới, quân đội Hàn Quốc sẽ phải tìm cách ngăn chặn ngay tại khu vực giới tuyến. Thủ đô Seoul chỉ cách DMZ khoảng 56 km, khiến một lực lượng xâm nhập nhỏ cũng đủ sức tiến đến ngoại ô thành phố này. Quân đội Hàn Quốc ở biên giới nhiều khả năng sẽ bị áp đảo về quân số, nhưng chiếm ưu thế hỏa lực nhờ công nghệ quân sự hiện đại.

Một cuộc giao tranh tại khu vực DMZ sẽ rất khốc liệt. Tuy nhiên, về lâu dài, liên quân Mỹ - Hàn sẽ giành lợi thế nhờ sự chi viện từ các đơn vị hải, lục, không quân Mỹ đồn trú quanh bán đảo Triều Tiên.

Khu vực DMZ là nơi bố trí lực lượng quân sự và vũ khí dày đặc nhất thế giới. Điều này sẽ biến dải đất rộng 4 km, dài 260 km trở thành một trong những chiến trường đẫm máu nhất mọi thời đại nếu xung đột bùng phát, chuyên gia Mizokami nhấn mạnh.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Kịch bản tàn khốc nếu chiến tranh nổ ra ở giới tuyến Hàn-Triều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO