Kiềm chế lạm phát: Giải pháp của ngành ngân hàng

28/03/2011 10:41

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Chỉ thị 01 "về thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội".

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc Ngân hàng nhà nước Việt Nam và tổ chức tín dụng thực hiện nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Chỉ thị này. Giao kế hoạch kinh doanh cho chi nhánh và các đơn vị trực thuộc phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Ngày 4-3-2011, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An có Đề án số 227 "về thực hiện các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội năm 2011". Theo đó, sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp gồm: kiểm soát tăng trưởng và cơ cấu tín dụng của các tổ chức trên địa bàn; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất; quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ và kiểm soát lãi suất.


Kiềm chế lạm phát đòi hỏi sự vào cuộc nghiêm túc của các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các tổ chức tín dụng trên địa bàn về hoạt động cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, giám sát các đơn vị được cấp phép đổi ngoại tệ trên địa bàn, nhằm ngăn chặn những hành vi lợi dụng hình thức giấy phép để kinh doanh bất hợp pháp. Phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành về hoạt động ngoại hối trên địa bàn tỉnh nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn và xử phạt nghiêm các hoạt động ngoại hối tự do, các hoạt động đầu cơ, găm giữ, kinh doanh trái pháp luật vàng, ngoại tệ trên địa bàn, gây khó khăn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.

Tập trung kiểm tra, giám sát các mức lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, yêu cầu các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất huy động và cho vay tại chi nhánh, phòng giao dịch. Đảm bảo mức lãi suất cho vay hợp lý, phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng, giảm rủi ro...

Nghệ An hiện có 30 đầu mối tổ chức tín dụng gồm: 1 Trụ sở chính Ngân hàng TMCP, 26 Chi nhánh Ngân hàng thương mại cấp 1, 01 Chi nhánh Ngân hàng phát triển, 01 Chi nhánh Ngân hàng CSXH, 01 Chi nhánh Quỹ tín dụng Trung ương và 44 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, cùng với 21 Chi nhánh cấp huyện, trên 100 phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm ở các huyện thành thị. Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ- đây là giai đoạn đòi hỏi các tổ chức tín dụng trên địa bàn phải nỗ lực vượt bậc. Thực hiện tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, giảm mức tiền thưởng cho cán bộ nhân viên, chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để giảm mức lãi suất cho vay ra nền kinh tế, nhằm giảm chi phí đầu vào cho sản xuất để giảm giá thành sản phẩm lưu thông, ổn định kinh tế vĩ mô. Tin rằng các tổ chức tín dụng trên địa bàn có sự đồng thuận cao, cùng chung sức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11, góp phần ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Ngân hàng Nhà nước tỉnh trong thời điểm này cần phát huy vai trò quản lý, tăng cường giám sát, kiểm tra thực hiện nghiêm mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng, xử lý kịp thời các đơn vị vi phạm. Nhằm chấm dứt tình trạng các tổ chức tín dụng đã ký cam kết, nhưng sau đó, vẫn tồn tại làn "sóng ngầm" trong huy động vốn. Hiện nay, các tổ chức tín dụng huy động vượt trần ngày càng kín đáo hơn, vẫn còn hiện tượng với những món tiền lớn thoả thuận lãi suất lên tới 17%/năm không ghi vào sổ sách để tránh bị kiểm tra.


Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Kiềm chế lạm phát: Giải pháp của ngành ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO