Kiên cường bám biển - ngư dân cha truyền con nối
Hôm nay anh Trần Xuân Thành, 35 tuổi (xóm Phú Liên - Quỳnh Long - Quỳnh Lưu) vui mừng đón người cha già xuống con tàu lớn của anh vừa hạ thủy để ra khơi . Bố anh-ông Trần Xuân Tráng 63 tuổi - một ngư dân dạn dày biển cả của xứ Nghệ sau gần cả cuộc đời gắn với chài lưới đã nhường cơ nghiệp cho con trai mấy năm nay. Con tàu này con trai ông đóng trị giá 2,2 tỷ đồng, 550 mã lực, là con tàu lớn nhất của gia đình ông từ trước đến nay. Sản nghiệp đó đối với ngư dân còn quí hơn nhà lầu xe hơi trong đất liền. Nghề biển bao vất vả thế mà ông Tráng đã lấy nó làm kế mưu sinh hơn 40 năm. Ông đánh cá cho HTX, cho các tập đoàn, đánh cá cả khi đất nước có chiến tranh. Bố của ông, cụ Trần Nhu Cầu cũng thế, năm nay 83 tuổi, còn mạnh khỏe nhưng cả đời cụ cũng đã ra khơi vào lộng, trên những con thuyền nhỏ khi chưa được đầu tư các máy móc gì để nghe dự báo thời tiết. Đại gia đình anh Thành, 4 thế hệ đã mưu sinh cùng biển. Hôm nay với con tàu lớn mà cả gia đình dồn vốn đóng cho anh, ông Tráng nghĩ có nhắm mắt xuôi tay cũng yên tâm. Thế hệ anh Thành không chỉ giỏi đánh cá mà còn giỏi nắm bắt các thiết bị kỹ thuật trên tàu. Anh Thành nói trai tráng phải ra giữa biển cả mới xứng! Từ đầu năm đến nay Quỳnh Lưu được mùa cá, ngư dân càng háo hức ra khơi. Mỗi chuyến tàu được 15-20 tấn cá.
Ngư dân Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) bao đời gắn bó với nghề biển.
Lão ngư Hoàng Đức Thông 73 tuổi (xã Phong Thái- Tiến Thủy) - người có 3 con trai đang trên 3 tàu lớn ra khơi, cho biết: " Tôi vẫn thèm đi biển lắm". Khi được xã thông báo tàu của con trai ông - anh Hoàng Đức Thương ( 38 tuổi) được chọn vào đội tàu bảo vệ chủ quyền biển đảo cùng với vùng 3 Hải quân, ông rơm rớm nước mắt tự hào. Tuy không còn đi biển nữa nhưng ông luôn cập nhật tình hình giữa biển khơi, ông hiểu ngoài biển còn nhiều nguy hiểm lắm. Nhưng có bộ đội "biển" tuần tra thường xuyên nên ngư dân cũng vững lòng. Anh Hồ Hoàng Nghiệp -Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy kể lại: hôm thông báo đăng ký gia nhập đội tàu bảo vệ chủ quyền biển đảo, hàng chục thuyền trưởng của Tiến Thủy hăng hái tham gia. Vì giàu kinh nghiệm, đủ các điều kiện nên tàu của anh Thương được chọn. Từng ra khơi vào lộng, ông Thông và ông nội của anh Thương là ông Hoàng Thọ cũng đã dìu dắt bao trai tráng Tiến Thủy tiến ra biển. Ông cố của anh Thương cũng thế, mưu sinh trên biển cả đời. Rồi 3 con trai ông anh Thương, anh Mến, anh Liên nay đều trên tàu ra biển. Thế là 4 đời trong gia đình đã cùng nhau ra giữ biển.
Không chỉ gia đình ông Thông, anh Thành mà nhiều thế hệ ngư dân ở vùng biển Nghệ An cùng kiên cường bám biển. Quỳnh Long, Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thuận, Diễn Bích, Diễn Ngọc... của Nghệ An có những làng, hàng trăm gia đình cha truyền con nối một nghề khai thác bám biển. Ông Trần Tắc ( xóm Đại Bắc -Quỳnh Long) truyền nghề cho ông Trần Luyên, ông Luyên lại truyền nghề cho anh Trần Thu (sinh năm 1976) đi biển làm nghề vây. Ông Nguyễn Lừng truyền nghề cho con Nguyễn Sáng, Nguyễn Minh. Con Nguyễn Sớm lại tiếp nghề của bố Nguyễn Sáng. Bố Hồ Vinh cùng con Hồ Khánh đi biển ở Quỳnh Nghĩa....
Bây giờ một số gia đình đã có vốn liếng, bỏ ra đóng tàu rồi thuê người lái, người đánh cá. Nhưng phần lớn ngư dân Nghệ An vẫn trực tiếp ra khơi để thử thách với sóng gió, say mê với nghề, thủy chung với nghiệp. Trai tráng và biển cả, gió lộng và lưới đầy cá quẫy. Họ vừa đánh cá vừa giữ biển với những đoàn tàu nức tiếng cả miền.
Châu Lan